QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Diễn biến nợ xấu tại BIDV

VCSC cho rằng, diễn biến nợ xấu tại BIDV là vấn đề riêng của ngân hàng này và phản ánh độ chậm trễ trong việc đánh giá chất lượng tài sản có vấn đề.

Theo báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID), tỉ lệ nợ xấu tại BIDV ở mức 2,09%, cao thứ hai trong danh mục các ngân hàng mà VCSC theo dõi (trung bình 1,55%) trong quí III/2019.

Bên cạnh đó, tỉ lệ các khoản nợ cần chú ý/khoản vay gộp là 2,53% (tăng 20 điểm cơ bản tính từ đầu năm) ảnh hưởng đến sự cải thiện lợi suất sinh lời từ việc tập trung cho vay bán lẻ.

VCSC cho rằng diễn biến nợ xấu tại BIDV là vấn đề riêng của ngân hàng này và phản ánh độ chậm trễ trong việc đánh giá chất lượng tài sản có vấn đề.

BIDV bị ảnh hưởng bởi Thông tư 22?

Bên cạnh đó, VCSC đánh giá BIDV bị ảnh hưởng bởi Thông tư 22, nhưng khả năng đạt chuẩn Basel II sẽ giúp ngân hàng tránh bị ảnh hưởng bởi khía cạnh tiêu cực nhất trong Thông tư.

Theo VCSC, Thông tư 22 sẽ có tác động khiến BIDV tìm kiếm các nguồn vốn huy động/giấy tờ có giá dài hạn và tương ứng là xu hướng gia tăng trong chi phí huy động trong vài năm tới.

Một điểm sáng là lượng tiền mặt mới 871 triệu USD từ KEB Hana trong tháng 11 đã hỗ trợ cho BIDV đáp ứng tiêu chuẩn của Thông tư 41 vào năm 2020. Qua đó giúp BIDV tránh phải gia tăng tỉ trọng tài sản rủi ro và cho phép tăng trưởng cho vay mua nhà.

Được biết, vào cuối tháng 11 Thống đốc NHNN Việt Nam (NHNN) đã ban hành Quyết định số 2505 chấp thuận cho BIDV triển khai áp dụng Thông tư 41 kể từ ngày 1/12.

Chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) sẽ tăng trong năm 2020

Chỉ tiêu này của BIDV đã liên tục giảm trong vòng 5 năm qua chỉ đạt 31,3% trong 9 tháng 2019, mức thấp nhất trong danh mục theo dõi của VCSC (trung bình 36,6%), với mức giảm phần lớn đến từ chi phí cho nhân viên.

VCSC cho rằng, CIR là không ổn định và sẽ tăng trong năm 2020 khi chi phí dành cho nhân viên và đầu tư vào công nghệ thông tin sẽ quay trở lại mức thông thường.

BIDV chính thức được áp dụng Basel II từ 1/12

Thống đốc NHNN Việt Nam (NHNN) đã ban hành Quyết định số 2505 chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai áp dụng Thông tư 41 kể từ ngày 1/12.

Như vậy tính tới thời điểm hiện tại, đã có 18 ngân hàng được NHNN được áp dụng chuẩn Basel II trước hạn.

Những ngân hàng đã được phê duyệt trước đó bao gồm: BIDV, Vietcombank, ACB, MBBank, Techcombank, VPBank, HDBank, TPBank, SeABank, MSB, VietCapitalBank, OCB, VIB, VietBank, LienVietPostBank, Nam A Bank và hai ngân hàng nước ngoài gồm Shinhan Bank và Standard Chartered Việt Nam.

BIDV hiện là một trong 10 ngân hàng thương mại được NHNN Việt Nam lựa chọn triển khai thí điểm Basel II. Từ năm 2015, BIDV đã thuê tư vấn phân tích chênh lệch và xây dựng Lộ trình triển khai Basel.

BIDB cho biết ngày 6/11, trên cơ sở chấp thuận của Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền hai nước Việt Nam và Hàn Quốc, KEB Hana Bank chính thức trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài đầu tiên của BIDV.

Theo đó, BIDV đã đáp ứng yêu cầu về tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu cùng với hàng loạt các chuẩn mực Basel, được NHNN công nhận đáp ứng yêu cầu Thông tư 41 kể từ ngày 1/12/2019.

Basel II là tiêu chuẩn gồm ba trụ cột chính: yêu cầu về vốn tối thiểu, đánh giá của cơ quan giám sát (tăng cường giám sát) và nguyên tắc thị trường.

Theo lộ trình xác định của các cơ quan quản lí, trong năm 2019 có khoảng 10 ngân hàng thương mại (NHTM) áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn (trụ cột 1 và 3) và từ năm 2020 tất cả ngân hàng sẽ áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn và tới 2023 tất cả các NHTM áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao cơ bản.

Theo Hoài Dương/Thời báo Chứng khoán

Xem bài gốc