QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Điện lực Việt Nam (EVN): Chưa có chủ đầu tư nào gửi hồ sơ đàm phán mua bán điện

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có thông báo về việc chuẩn bị đàm phán hợp đồng mua bán điện và giá điện đối với các dự án chuyển tiếp. Theo thông tin cập nhật đến ngày 18/3/2023 thì vẫn chưa có chủ đầu tư dự án nào gửi hồ sơ theo đề nghị…

Trong thông cáo mới phát hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công Thương và Cục Điều tiết Điện lực về việc đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện cho các dự án chuyển tiếp, ngày 9/3, Công ty Mua bán điện thuộc EVN (EPTC) đã có văn bản gửi tới 85 chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp.

EPTC yêu cầu các chủ đầu tư này rà soát các hồ sơ pháp lý của dự án tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng và có ý kiến của đơn vị vận hành hệ thống điện về khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện liên quan đến dự án.

Bên cạnh đó, xây dựng phương án giá điện theo phương pháp chiết khấu dòng tiền tương tự theo hướng dẫn tại Thông tư 57/2020 của Bộ Công Thương. Cung cấp các hồ sơ tài liệu của dự án.

“Tuy nhiên, theo thông tin cập nhật, EPTC cho biết đến ngày 18/3 vẫn chưa có chủ đầu tư nào trong số 85 chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp gửi hồ sơ theo các đề nghị nêu trên”, EVN cho biết.

Trước đó, hồi đầu năm 2023, Bộ Công Thương đã ban hành khung giá điện làm cơ sở triển khai đàm phán giá và hợp đồng mua bán điện, nhưng trên thực tế nhiều nhà đầu tư chưa đồng thuận.

Sau đó, 36 nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng khắc phục những bất cập trong cơ chế giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Nhiều nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời cho biết họ có thể rơi vào tình trạng thua lỗ và phá sản vì khung giá phát điện mới Bộ Công Thương đưa ra không hợp lý.

Cụ thể, các nhà đầu tư cho biết trong những năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, có 84 dự án điện tái tạo với công suất khoảng 4.676,62 MW đã bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch. Điều này khiến cho các dự án không kịp hưởng giá điện cố định (FIT).

Trong đó, đặc biệt là nhóm 34 dự án chuyển tiếp với tổng công suất 2.090 MW (gồm 28 dự án điện gió với tổng công suất 1.638,35MW và 6 dự án điện mặt trời với tổng công suất 452,62MWac) đã hoàn tất thi công và hoàn thiện công tác thử nghiệm đảm bảo đủ điều kiện huy động.

Các nhà đầu tư phải chờ một thời gian dài để Chính phủ ban hành cơ chế giá phát điện mới, làm tiền đề cho việc thỏa thuận giá bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tuy nhiên, các quy định tại Quyết định 21 và Thông tư 01 của Bộ Công Thương sau đó đã khiến nhà đầu tư rất lo lắng và quan ngại sâu sắc do các điểm bất cập về pháp lý cũng như về hiệu quả tài chính, có thể lâm vào tình trạng thua lỗ và phá sản.

Song song với vấn đề trên, các nhà đầu tư cũng lo ngại cơ chế giá phát điện thiếu hợp lý sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư, giảm khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài do sự thiếu ổn định chính sách phát triển năng lượng sạch, cũng như ảnh hưởng tới hệ thống tài chính – ngân hàng.

Các doanh nghiệp tính toán, nếu cơ chế mới được áp dụng, chỉ tính riêng 34 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, ước tính tổng vốn đã đầu tư gần 85.000 tỷ đồng, trong đó khoảng trên 58.000 tỷ đồng được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng, sẽ có nguy cơ vỡ phương án tài chính, nợ xấu, doanh nghiệp và ngân hàng khó thu hồi vốn.

Về lâu dài, 36 doanh nghiệp này cho rằng nếu cơ chế giá bán điện gió, mặt trời không đạt hiệu quả sẽ dẫn đến việc dừng hoặc chậm đầu tư các dự án điện, khó thực hiện được các cam kết về chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải carbon và lộ trình cắt giảm khí thải của Chính phủ.

Theo Thảo Trần/Thương Gia

Nguồn: https://thuonggiaonline.vn/dien-luc-viet-nam-evn-chua-co-chu-dau-tu-nao-gui-ho-so-dam-phan-mua-ban-dien-55582.htm