QC 1
Thứ 3, ngày 23/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Điều chỉnh để phù hợp với thị trường

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh Tiếp thị, Công ty CP Bất động sản Danh Khôi (DKR) Nguyễn Lộc Hạnh nhận định, tình trạng lệch pha cung – cầu, với sự áp đảo của phân khúc cao cấp là dấu hiệu không tốt với thị trường BĐS. Tuy nhiên, các DN sẽ có sự điều chỉnh để phát triển phù hợp.

Khách hàng tham khảo thông tin các dự án tại hội chợ bất động sản diễn ra ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Trong các báo cáo gần đây, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã đưa ra những thông số thể hiện rõ sự suy giảm về mọi mặt của thị trường BĐS TP. Trong đó, đáng quan ngại là tình trạng lệch pha cung – cầu, với sự áp đảo của phân khúc BĐS cao cấp. Ông có nhận xét như thế nào về điều này?

– Tôi cơ bản đồng ý với những đánh giá đó, tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, các DN sẽ có sự điều chỉnh để phát triển phù hợp với nhu cầu của thị trường. Cùng đó, vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước, trong bối cảnh thị trường diễn biến xấu đi, chắc chắn sẽ có những giải pháp điều chỉnh.

Dưới góc nhìn của các nhà đầu tư, BĐS vẫn luôn là kênh hấp dẫn, an toàn và bền vững nhất hiện nay. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, với riêng thị trường TP Hồ Chí Minh, biên độ tăng giá BĐS không còn lớn.

 Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh Tiếp thị, Công ty CP Bất động sản Danh Khôi (DKR) Nguyễn Lộc Hạnh

Ông có nhận định như thế nào về thị trường BĐS năm 2019?
– Tôi cho rằng, năm 2019 sẽ là năm của thị trường BĐS các tỉnh lân cận TP Hồ Chí Minh. Trong đó, nổi bật sẽ là thị trường các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Phan Thiết… Có quá nhiều căn cứ để tin tưởng rằng, từ năm 2019, thị trường BĐS ở các khu vực này sẽ phát triển nổi bật.
Thứ nhất là về hạ tầng. Đây là các khu vực có hệ thống hạ tầng giao thông phát triển đến mức hoàn thiện. Thứ hai là về giá.

Trong khi giá nhà đất tại TP Hồ Chí Minh đang có dấu hiệu tăng nóng, thậm chí “sốt ảo” tại một số khu vực, thì giá nhà đất tại các tỉnh lân cận vẫn còn ở mức khá mềm, khả năng tăng giá rất cao, cơ hội cho các nhà đầu tư vẫn còn rất nhiều… Chỉ hai yếu tố đó thôi cũng có thể thấy dư địa phát triển của thị trường BĐS các tỉnh lân cận TP Hồ Chí Minh vẫn còn rất lớn.

Ông có lời khuyên nào đối với các nhà đầu tư cá nhân trong bối cảnh thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh được dự báo là không mấy sáng sủa?
– Hãy tích lũy tiền mặt, nghiên cứu kỹ thị trường trước khi có quyết định đầu tư. Đồng thời, hạn chế tối đa khả năng phải vận dụng đòn bẩy ngân hàng. Nếu đầu tư dài hạn và xác định là phải vay ngân hàng thì chỉ nên vay vốn trong ngưỡng an toàn, tầm dưới 50% giá trị tài sản. Đồng thời, cân nhắc kỹ yếu tố thời gian vay, cùng với đó là mức lãi suất thả nổi. Hiện nay, lãi suất ngân hàng cho vay BĐS có phần ổn định, nhưng nhìn chung vẫn ở mức khá cao, dao động từ 9 – 11%.

Đối với những nhà đầu tư, vấn đề lãi suất là rất quan trọng. Bởi chỉ cần tăng 1 – 2% thôi thì chi phí về vốn sẽ rất cao, số tiền phải trả nợ ngân hàng của người vay rất lớn. Nếu vượt quá khả năng thu nhập sẽ dễ lâm vào tình trạng không đủ nguồn tiền để trả lãi vay.

Trong trường hợp đầu tư “lướt sóng” cần đánh giá thận trọng khả năng thanh khoản của thị trường, trước khi quyết định xuống tiền. Chỉ nên đầu tư vào khu vực thị trường và những BĐS có khả năng thanh khoản tốt, để có thể bán nhanh khi cần tiền, tránh rủi ro “chôn vốn” bất khả kháng.
Xin cám ơn ông!

Theo Việt Tâm/Kinh tế & Đô thị