QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Điều gì khiến Thế Giới Di Động và FPT Retail giảm lượng tiêu thụ điện thoại?

Kế hoạch kinh doanh của Thế Giới Di Động và FPT Retail có thể sẽ bị ảnh hưởng khi CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa cho biết, trong thời gian tới, doanh thu mảng điện thoại sẽ giảm, tiềm năng phát triển của ngành sẽ bị hạn chế khi cơ cấu dân số Việt Nam thay đổi…

Quan điểm này của VDSC trùng khớp với thông tin ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HOSE: MWG) đưa ra khi một đơn vị dự báo thị trường dự báo điện thoại tăng 10%, máy lạnh tăng 11%, các ngành hàng khác đều dưới 10% trong năm 2019.

Trên thực tế, giai đoạn 2015 – 2018, tốc độ tăng trưởng doanh thu của MWG đã chậm lại. Nếu 2016, doanh thu tăng 80% năm thì tới 2018, con số này chỉ còn 30%.

Tương tự, với FPT Retail (HOSE: FRT), tăng trưởng doanh thu giảm từ 18% năm 2017 xuống còn 15% năm 2018.

Với việc thị trường bão hòa, cả MWG và FRT sẽ phải đưa ra những giải pháp tăng doanh thu dựa trên tiềm lực và định hướng sẵn có trong bài toàn kinh doanh toongr thể năm 2019 và những năm tiếp đó.

Từ năm 2018, ban lãnh đạo MWG đã hạn chế việc mở rộng chuỗi cửa hàng điện thoại. Nếu như thời điểm 2015 – 2016, Thế Giới Di Động đạt tới ngưỡng 2 ngày 3 cửa hàng được mở mới thì năm 2018 gần như không hướng đến mở mới. Cuối năm 2018, doanh nghiệp này có 1.032 cửa hàng, giảm 40 cửa hàng so với năm trước do chuyển đổi sang Điện Máy Xanh mini. Không mở thêm cửa hàng điện thoại mà chú trọng phát triển chuỗi Điện Máy Xanh, đặc biệt Bách Hóa Xanh là chiến lược của MWG.

Dù không có kế hoạch mở cửa hàng mới, Thế Giới Di Động lại liên tục cải tiến mô hình, gia tăng diện tích sử dụng trên diện tích cửa hàng. Bên cạnh đó, MWG sẽ dự định “bán mặt hàng chưa từng bán”, ví dụ máy lọc nước, đồng hồ. Từ tháng 3, MWG cũng thử nghiệm mô hình “shop in shop” kinh doanh mặt hàng mới là đồng hồ.

Ngược lại, FPT Shop muốn mở thêm các cửa hàng mới để bổ sung vào doanh thu chung toàn chuỗi. Dự kiến trong năm 2019, FPT Shop sẽ có thêm 100 cửa hàng, nâng tổng số hệ thống lên 633. Số lượng mở mới này tăng 40% so với năm trước.

Bên cạnh đó, công ty vẫn bám sâu vào những chiến lược đã thực hiện trong thời gian qua như kết hợp với nhà mạng giảm giá máy, khuyến khích chính sách trả góp để khách hàng nâng đời điện thoại… “Nữ tướng” Nguyễn Bạch Điệp kỳ vọng thị trường bán hàng trả góp còn nhiều dư địa tăng trưởng, dự kiến sẽ chiếm 45% doanh thu chung năm nay, tương đương đạt 2.500 tỷ đồng.

Mặt khác, FPT Shop chú trọng kênh bán hàng online và dự kiến tăng doanh thu online thêm 1.000 tỷ đồng trong năm 2019, làm việc với một số hãng chuyên bán hàng online tại Việt Nam như Xiaomi, Huawei…; hợp tác thử nghiệm với sản phẩm mới, ngành hàng mới, đối tác mới; kết hợp với các sàn thương mại điện tử khác…

Theo Đức Hậu/Thời báo chứng khoán