QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Doanh nghiệp dệt may “được mùa” cổ phiếu…

Bất chấp các kết quả kinh doanh “đi lùi” do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá nhiều cổ phiếu dệt may đã tăng đáng kể từ đầu tháng 4, thậm chí sau khi đón nhận kết quả kinh doanh quý I sụt giảm, đà tăng vẫn tiếp tục kéo dài cho đến cuối tháng 4 vừa qua…

Xuất khẩu sụt giảm, tăng trưởng “đi lùi”

Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam, tháng 4/2020 kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm 20% so với tháng 3. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành chỉ đạt 10,64 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ 2019. Kim ngạch nhập khẩu cũng chỉ đạt 6,39 tỷ USD, giảm 8,76% so với cùng kỳ.

Cụ thể, xuất khẩu hàng may mặc giảm 5,98%, đạt 8,2 tỷ USD; xơ sợi giảm 11,54%; vải không dệt giảm 22%; nguyên phụ liệu giảm 6%. Đối với nhập khẩu, bông giảm 7,98%; xơ sợi các loại giảm 2,45%; vải giảm 10,99%; nguyên phụ liệu giảm 5,82% so với cùng kỳ 2019.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, trước tình hình như vậy, sang tháng 5, tháng 6, dệt may Việt Nam chưa có dấu hiệu cải thiện. Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ và EU, đặc biệt là tổng cầu của thế giới dự kiến giảm khoảng 25%, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam sẽ suy giảm mạnh trong đó, kịch bản sáng nhất là ngành sẽ đạt khoảng 35 tỷ USD xuất khẩu và xấu nhất là đạt khoảng 30 tỷ USD.

Nguyên nhân của sự sụt giảm mạnh trong 4 tháng qua là do dịch COVID-19 đã tác động kép tới ngành dệt may Việt Nam. Nếu ngay từ tháng đầu tiên của năm, doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu cho sản xuất thì từ giữa tháng 3 đến nay, doanh nghiệp lại rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng do đối tác tại thị trường Mỹ và châu Âu hoãn, hủy đơn hàng. Thậm chí nhiều đơn hàng đã sản xuất xong, chuyển tới cảng biển lại buộc phải quay về kho do không giao được hàng, doanh nghiệp không gánh được chi phí lưu kho bãi.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá, chưa bao giờ mà tất cả các mặt hàng xuất nhập khẩu của dệt may Việt Nam đều tăng trưởng âm như vậy.

Tác động của dịch COVID-19 lên ngành dệt may thậm chí còn lớn hơn ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại, khi chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu bị gián đoạn và nhu cầu mặt hàng thời trang giảm mạnh.

Việc đơn hàng bị sụt giảm mạnh đến 80% trong các tháng đầu năm nay đã khiến doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may sụt giảm. Kết thúc quý I/2020, nhiều doanh nghiệp ngành này đã báo lỗ kỷ lục hàng tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính quý I/2020 của Tổng Công ty May Nhà Bè (UPCoM: MNB), doanh thu trong quý của doanh nghiệp này đạt gần 1,063 tỷ đồng, chỉ tăng tăng 4% so cùng kỳ. Do giá vốn tăng nhanh hơn doanh thu nên công ty chỉ thu được hơn 174 tỷ đồng lãi gộp, giảm 14% so với cùng kỳ. Mặc dù đã tiết giảm so với cùng kỳ nhưng chi phí bán hàng (giảm 2%) và chi phí quản lý doanh nghiệp (giảm 12%) vẫn ở mức khá cao so với lợi nhuận gộp thu được. Do đó, May Nhà Bè lỗ thuần hơn 2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 8,7 tỷ dồng.

Việc kết quả kinh doanh đi xuống được May Nhà Bè giải trình là do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh của các công ty con như May Đức Linh, May Nhà Bè – Hậu Giang, Công ty TNHH Giặt tẩy Nhà Bè lỗ so cùng kỳ và công ty liên doanh liên kết mới thành lập May Sóc Trăng thua lỗ vì tác động từ dịch.

Ông Đinh Văn Thập – Phó Tổng Giám đốc MNB thừa nhận, dịch COVID-19 đã cán quét, làm cho nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn và khiến các hợp đồng đã ký của công ty đều bị hủy hoặc không giao hàng, giao được hàng thì không nhận, nhận được thì không thanh toán tiền…

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may lớn có niêm yết tính đến ngày 29/4/2020
Theo Hội Dệt may Thêu đan TP. HCM, trong khi các doanh nghiệp lớn báo lỗ thì hầu hết doanh nghiệp nhỏ trong ngành này đã buộc phải ngừng hoạt động. Riêng với những doanh nghiệp có tiềm lực hơn thì đang tích cực xoay sở để vượt qua mùa dịch qua việc chuyển hướng sản xuất đồ bảo hộ y tế, khẩu trang hoặc cơ cấu lại dây chuyền, giờ làm việc của người lao động.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may cũng đang kỳ vọng trong tháng 9 tới nếu nước kiểm soát dịch tốt thì thị trường sẽ khả quan hơn.Ông Phạm Văn Việt – Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. HCM cho biết, hiện các doanh nghiệp đang kỳ vọng rằng các thị trường EU, Mỹ sẽ hồi phục vào cuối tháng 9 hoặc cuối năm; riêng thị trường Nhật Bản sẽ kiểm soát được tình hình dịch bệnh vào tháng 7, và đó cũng là thời điểm các doanh nghiệp trong ngành quay trở lại với hoạt động sản xuất chủ lực của mình.

Cũng như May Nhà Bè, Tổng CTCP May Việt Tiến (UPCoM: VGG) cũng ghi nhận lỗ quý đầu tiên với hơn 22 tỷ đồng. Theo VGG, do đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và EU (các thị trường xuất khẩu chủ yếu của May Việt Tiến), các đối tác nhập khẩu tại các nước này đã giảm và hủy số lượng lớn các đơn hàng đồng thời, sức mua trong nước cũng giảm, dẫn đến doanh thu thuần quý 1 giảm 15%, xuống còn 1,475 tỷ đồng.

Ngoài ra, chi phí cho người lao động như lương tối thiểu, BHXH… đều tăng làm ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất kinh doanh. Chính vì thế, kết thúc quý I/2020, May Việt Tiến ghi nhận lỗ hơn 22 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 85 tỷ đồng.

Không riêng doanh nghiệp trong ngành dệt may mà hầu hết doanh nghiệp đều bị tác động tiêu cực từ dịch này. Tổng hợp kết quả kinh doanh quý I của gần 570 doanh nghiệp từ hai sàn HOSE và HNX (tương đương 90% vốn hóa hai sàn) mà CTCP Chứng khoán Rồng Việt vừa công bố cho thấy, lợi nhuận ở cả hai sàn lần lượt giảm 13% và 7% so với cùng kỳ.

Như vậy, kết thúc quý I/2020, đa số doanh nghiệp dệt may bị giảm doanh thu và lợi nhuận, có doanh nghiệp thậm chí lỗ. Chỉ vài doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế (LNST) tăng so cùng kỳ năm trước là Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, HOSE: GIL), Mirae (HOSE: KMR) và Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK).

Tuy nhiên, sự tăng giá này chưa chắc bền vững khi dự báo nhu cầu dệt may toàn cầu thời gian tới có nguy cơ sụt giảm mạnh và các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đều sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của CTCP Sợi Thế kỷ (HOSE: STK) chỉ tăng nhẹ 0.27% so cùng kỳ, dù doanh thu tăng gần 12 tỷ đồng – gần 2% – do sản lượng bán ra tăng. Theo Công ty Chứng Khoán FPT (FPTS), STK không bị thiếu nguyên liệu sản xuất do dịch COVID-19; 60% doanh thu của STK đến từ thị trường nội địa, 40% là xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và các thị trường khác nên có thể hạn chế được rủi ro từ thị trường xuất khẩu.

Tương tự, lợi nhuận sau thuế của CTCP Mirae (HOSE: KMR) tăng gần 3% so cùng kỳ do chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm, mặc dù doanh thu giảm gần 13%.

Ngoài ra, CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HOSE: GIL) cũng ghi nhận doanh thu tăng mạnh đến 32% so cùng kỳ, dẫn đến lợi nhuận sau thuế tăng tương ứng hơn 32%. GIL là công ty may và dệt gia dụng với danh mục sản phẩm phong phú từ các vật dụng lưu trữ, dệt may gia đình, giỏ đựng đồ giặt, túi xách, ba lô, đồ dùng ngoài trời, hàng dệt may trẻ em đến chụp đèn.

Cổ phiếu tăng mạnh nhờ “khẩu trang”

Sau giai đoạn giảm sâu trước lo sợ từ dịch COVID-19, giá nhiều cổ phiếu dệt may đã tăng đáng kể từ đầu tháng 4, thậm chí sau khi đón nhận kết quả kinh doanh quý I sụt giảm, đà tăng vẫn tiếp tục kéo dài cho đến cuối tháng 4 vừa qua.

Các nhóm cổ phiếu ghi nhận kết quả kinh doanh tiêu cực, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.

Cụ thể, cổ phiếu Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) tăng mạnh gần 60%, thị giá từ 7.700 đồng/cổ phiếu (ngày 1/4) lên 12.500 đồng/cổ phiếu (chốt phiên ngày 8/5).

Trong khoảng thời gian tăng giá này, TNG công bố kêt quả kinh doanh quý I với doanh thu giảm hơn 4%, lợi nhuận sau thuế giảm gần 10% so cùng kỳ. Nguyên nhân do dịch COVID-19 khiến nguyên phụ liệu nhập khẩu bị chậm nên thời gian giao hàng dãn; trong khi chi phí đầu vào, chi phí lương vẫn duy trì thanh toán theo quy định và hợp đồng đã ký, dẫn đến các chỉ tiêu quý 1 không đạt như kỳ vọng.

Dù vậy, trong bối cảnh đại dịch bùng phát, TNG đã linh hoạt sản xuất khẩu trang kháng khuẩn phục vụ chống dịch nên doanh thu tiêu thụ nội địa quý 1 đạt 63.3 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ. Ngoài ra, TNG đã nghiên cứu, sản xuất thành công Bộ quần áo bảo hộ y tế phòng dịch. Hiện, năng lực sản xuất của TNG đáp ứng được 100,000 bộ/ngày và mặt hàng này còn mở ra hướng xuất khẩu cho doanh nghiệp.

Tương tự, cổ phiếu CTCP X20 (HNX: X20) cũng tăng 60%. Với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, từ ngày 10/2, X20 đã nghiên cứu sản xuất vải kháng nước, kháng khuẩn, đưa 16 dây chuyền sản xuất khẩu trang vải kháng nước, kháng giọt bắn, kháng khuẩn vào hoạt động.

Từ đầu tháng đến ngày 23/4, cổ phiếu Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) tăng gần 29%. Chốt phiên ngày 8/5, cổ phiếu TCM đứng tham chiếu 15.350 đồng/cổ phiếu. Trong quý I, TCM ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế giảm lần lượt hơn 19% và 21% so cùng kỳ.

Chia sẻ với truyền thông, Thành viên HĐQT TCM, ông Trần Như Tùng cho biết, để bù đắp cho việc giảm sút đơn hàng do dịch COVID-19, quý 2, Công ty tích cực đẩy mạnh phát triển đơn hàng khẩu trang xuất sang thị trường Mỹ và vải kháng khuẩn cho các nhà máy tại Việt Nam để sản xuất khẩu trang. Dự kiến, doanh thu cho đơn hàng khẩu trang và vải kháng khuẩn khoảng 11 triệu USD, sẽ xuất vào tháng 4 và 5.

Có thể thấy, trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, nhiều doanh nghiệp dệt may đã nắm bắt nhu cầu khẩu trang tăng mạnh, đẩy mạnh sản xuất vừa phục vụ trong nước vừa xuất khẩu, bù đắp cho sự giảm sút mạnh đơn hàng hiện hữu. Sự linh hoạt này đã góp phần giúp giá cổ phiếu tăng trở lại sau giai đoạn giảm sâu.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là cổ phiếu các doanh nghiệp không sản xuất khẩu trang cũng tăng giá, dù doanh thu và lợi nhuận giảm. Từ đầu tháng đến ngày 23/4, cổ phiếu Tập đoàn Trường Tiền (HNX: MPT) tăng hơn 44%, cổ phiếu FTM của Đầu tư và Phát triển Đức Quân (HOSE: FTM) cũng tăng hơn 17%.

Trong quý I, MPT ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm hơn 98% so cùng kỳ, do doanh thu giảm hơn 75% và lợi nhuận khác giảm vì không có thu từ thanh lý tài sản. Trong khi đó, FTM lỗ gần 45 tỷ đồng, lỗ quý thứ 5 liên tiếp, cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 23/4.

Việt Nam có trở thành trung tâm sản xuất khẩu trang?
Theo thống kê của Bộ Công Thương về 50 doanh nghiệp có báo cáo, công suất sản xuất khẩu trang nội địa đã đạt 8 triệu chiếc/ngày, tương đương gần 200 triệu chiếc/tháng. Ở quy mô quốc gia, công suất sản xuất sẽ lớn hơn nhiều.
Khẩu trang là một sản phẩm không đòi hỏi mức đầu tư nhiều để sản xuất. Hầu hết các nhà máy, thiết bị và nhân công hiện có trong ngành may mặc Việt Nam đều có thể làm khẩu trang. Chất liệu vải kháng khuẩn được sử dụng để làm khẩu trang kháng khuẩn có thể được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc Hàn Quốc mà không gặp nhiều khó khăn. Do đó, năng lực sản xuất khẩu trang của Việt Nam là rất lớn.
Dự kiến sau khi đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, sản phẩm có thể được xuất khẩu, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất khẩu trang mới của thế giới. Trong số các nhà sản xuất hàng may mặc trong nước, VGT, TNG, M10, MSH, TCM, TVT đang nắm bắt cơ hội từ nhu cầu rất lớn về khẩu trang vải và khẩu trang y tế để sản xuất nhằm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp đã ký kết những hợp đồng xuất khẩu trị giá hàng triệu USD, phần nào giúp xoa dịu thiệt hại từ thực trạng nhu cầu thấp của hàng may mặc.

Theo Quốc Trung/Kinh tế chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-det-may-duoc-mua-co-phieu-66236.html