QC 1
Thứ 4, ngày 24/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Doanh nghiệp dệt may: Loay hoay “cuộc chiến” đơn hàng

Theo các doanh nghiệp dệt may, thời điểm này mới là lúc “ngấm đòn” COVID-19 sau giai đoạn được “cứu cánh” bởi các mặt hàng khẩu trang, đồ bảo hộ. 

Tại buổi làm việc mới đây giữa Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, Việt Nam hiện đang dư thừa năng lực sản xuất cả khẩu trang y tế thông dụng và khẩu trang vải thông thường.

“Trong khi nhu cầu trong nước đã dư thừa, khả năng doanh nghiệp Việt có thêm các đơn đặt hàng từ châu Âu và Mỹ là vẫn còn song theo đánh giá thì cũng chỉ tầm tới tháng 11 là chững nhu cầu. Do đó, các doanh nghiệp nên cân nhắc kỹ lưỡng trong bài toán đầu tư sản xuất mặt hàng này”, ông Giang cho biết.

Với ngành dệt may nói chung, theo đánh giá, hiện toàn bộ các ngành hàng – không có mảng nào phục hồi được 100% cho đến cuối năm nay.

Theo thống kê, EU chiếm 34% tổng nhập khẩu hàng dệt may thế giới với nhu cầu hàng may mặc tăng 3%/năm. Việt Nam hiện đang chỉ chiếm 2,2% thị phần. Còn đối với Việt Nam, EU là thị trường dệt may lớn thứ 2, chiếm 16,3% tổng kim ngạch năm 2019.Các đối thủ chính của Việt Nam tại EU đều có lợi thế vượt trội về thuế quan như: Bangladesh và Campuchia, Pakistan hay Ấn Độ, Trung Quốc.

Khi EVFTA có hiệu lực, 43% mặt hàng được loại bỏ thuế nhập khẩu ngay lập tức, các mặt hàng còn lại được giảm thuế về 0% theo lộ trình 4,6 và 8 năm.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cũng cho rằng, những FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA là một con đường tương đối “sáng” cho Việt Nam nhưng chúng ta chỉ có thể tận dụng tốt các cơ hội khi Chính phủ quyết liệt chỉ đạo bởi các FTA thế hệ mới như CPTPP hay mới đây là EVFTA quy định rất khắt khe về nguyên liệu và quy trình sản xuất. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn chưa minh bạch được vấn đề về vùng nguyên liệu, ông Giang cho hay.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Giang, Chính phủ cần sớm ban hành Quy hoạch phát triển ngành tới năm 2040 gồm cả dệt may và da giày trong đó đặt trọng tâm vào việc xây dựng các khu công nghiệp dệt may có xử lý nước thải hiện đại, để chu trình dệt – nhuộm – may – hoàn tất được đầu tư phát triển, đóng góp vào nguồn cung toàn cầu và giảm bớt phụ thuộc nhập khẩu, tận dụng tối đa ưu đãi từ EVFTA hay những hiệp định thương mại khác.

Ngoài ra, những vấn đề về chính sách thuế với hàng hóa nhập khẩu, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu còn nhiều bất cập hay một số quy định liên quan chính sách cho người lao động cần được cải thiện là những vấn đề mà doanh nghiệp dệt may hiện rất quan tâm.

Theo Quốc Trung/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn:https://kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-det-may-loay-hoay-cuoc-chien-don-hang-72426.html