QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Doanh nghiệp dệt may Việt Nam khan hiếm đơn hàng

Ông Trương Văn Cẩm – Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp không khả quan như kỳ vọng từ đầu năm.

Tình trạng khan hiếm đơn hàng khá phổ biến, lượng đơn hàng của nhiều DN mới chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018.

Tình trạng này không chỉ diễn ra ở các DN vừa và nhỏ, thậm chí DN lớn như May 10, May Việt Tiến, May Nhà Bè cũng gặp tình trạng tương tự. Đặc biệt, việc tiêu thụ sợi và phụ liệu gặp nhiều khó khăn, kim ngạch XK phụ liệu dệt may nửa đầu năm 2019 đã giảm 0,29% so với cùng kỳ.

Theo ông Trương Văn Cẩm, lý do khan hiếm đơn hàng là do cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung đã ảnh hưởng đến ngành dệt may. Điển hình là XK sợi của Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm. Trước đây, bình quân Việt Nam XK 1,5 triệu tấn sợi/năm, trong đó 60% sản lượng XK sang Trung Quốc. Do cuộc chiến thương mại Mỹ Trung, năm 2019 tiêu thụ sợi rất khó khăn, 6 tháng đầu năm tăng trưởng XK sợi chỉ đạt 1,1%.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, nhằm thu hút đơn hàng, các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu dệt may với Việt Nam đều áp dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dệt may nội địa bao gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu… Đặc biệt, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ cũng khiến XK của ngành dệt may gặp bất lợi.

Mặt khác, yêu cầu của khách hàng ngày càng cao, áp lực giảm giá trong khi các rào cản thương mại như thuế nhập khẩu, kiểm định chất lượng vẫn là một trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

“Hiệp hội Dệt May cho biết, mục tiêu xuất khẩu dệt may nằm 2019 của Việt Nam là 40 tỷ USD. Tuy nhiên, trước xu hướng tăng trưởng chậm của kinh tế thế giới và lùm xùm xung quanh việc hệ thống siêu thị Big C ngừng nhập sản phẩm của doanh nghiệp thì mục tiêu đạt được như kỳ vọng sẽ rất áp lực. 

Trong nửa đầu năm 2019, kinh kế thế giới có xu hướng tăng chậm lại do những biến động và xung đột chính trị, đặc biệt chính sách bảo hộ, chiến tranh thương mại gia tăng ngày càng phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, ngành dệt may vẫn đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 17,97 tỷ USD, tăng 8,61% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, hàng may mặc đạt 14,02 tỷ USD, tăng 8,71%; vải đạt 1,02 tỷ USD, tăng 29,9%; xơ, sợi đạt 2,01 tỷ USD, tăng 1,1%; vải địa kỹ thuật tăng 16,9%.

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành với kim ngạch 7,22 tỷ USD, tăng 12,84% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 46,9%; các nước trong khối Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt 2,57 tỷ USD, tăng 11,13%, chiếm tỷ trọng 16,71%; EU đạt 2,05 tỷ USD, tăng 10,46%, chiếm tỷ trọng 13,36; Hàn Quốc đạt 1,37 tỷ USD tăng 5,59% chiếm tỷ trọng 8,91%.

Theo Ngọc Bích/Thương Gia