QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Doanh nghiệp ‘dồn dập’ gửi tiền vào ngân hàng

Việc các tổ chức kinh tế “dồn dập” gửi tiền vào ngân hàng càng gây ấn tượng mạnh nếu nhìn lại số liệu 2 tháng đầu năm nay, khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào ngân hàng giảm tới 3,32% (trong khi đó, tiền gửi của dân cư tăng 2,37%). Vị thế đã hoàn toàn đảo chiều vào cuối tháng 5/2021 khi tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng mạnh hơn nhiều tiền gửi của dân cư.

Doanh nghiệp ‘dồn dập’ gửi tiền vào ngân hàng

Số liệu cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến cuối tháng 5/2021, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 5,03 triệu tỷ đồng, tăng 3,26% so với cuối năm ngoái. Song song, tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,27 triệu tỷ đồng, tăng 2,6%.

Trước đó, trong 4 tháng đầu năm nay, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 2,05%, trong khi tiền gửi của dân cư tăng 2,34%.

Như vậy, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã bứt phá rất mạnh trong tháng 5. Tính ra chỉ riêng trong tháng này, các tổ chức kinh tế đã gửi thêm ròng tới 59.121 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng, chiếm 4/5 lượng tiền gửi thêm ròng vào hệ thống trong tháng.

Việc các tổ chức kinh tế “dồn dập” gửi tiền vào ngân hàng càng gây ấn tượng mạnh nếu nhìn lại số liệu 2 tháng đầu năm nay, khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào ngân hàng giảm tới 3,32% (trong khi đó, tiền gửi của dân cư tăng 2,37%). Vị thế đã hoàn toàn đảo chiều vào cuối tháng 5/2021 khi tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng mạnh hơn nhiều tiền gửi của dân cư.

Đây cũng là hiện tượng “lạ” nếu nhìn vào quá khứ. Suốt từ năm 2015 đến năm 2020, 5 tháng đầu năm, tăng trưởng tiền gửi của dân cư luôn lớn hơn tăng trưởng tiền gửi của tổ chức kinh tế.

Tăng trưởng tiền gửi của các tổ chức kinh tế bất ngờ vượt dân cư trong 5 tháng đầu năm 2021

Bên cạnh việc doanh nghiệp “dồn dập” gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, còn một nguyên nhân nữa gây ra hiện tượng “lạ” trên là việc người dân không mấy mặn mà vào việc gửi tiền ngân hàng. Mức tăng trưởng tiền gửi 2,6% của dân cư trong 5 tháng đầu năm 2021 là mức thấp kỷ lục so với cùng kỳ giai đoạn từ năm 2015 đến nay.

Trước đó, 5 tháng đầu năm 2015, tăng trưởng tiền gửi của dân cư lên đến 8,31%, cùng kỳ năm 2016 thậm chí còn lên đến 11,04%, hạ xuống 9,39% vào 5 tháng đầu năm 2017, sau đó tiếp tục giảm, lần lượt ở mức 7,5%, 6,84% và 4% vào cùng kỳ các năm 2018, 2019 và 2020.

Lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp rõ ràng đang làm giảm sức hấp dẫn của kênh đầu tư này đối với người dân.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy từ đầu năm 2020, cơ quan này đã giảm tổng cộng 1,5-2,0%/năm đối với lãi suất điều hành; giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng. Lãi suất tiền gửi bằng VND hiện ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,1-3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,0-5,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,6-6,7%/năm. 

Sự suy giảm sức hấp dẫn của kênh tiền gửi ngân hàng càng rõ rệt hơn khi nhìn sang thị trường chứng khoán, các chỉ số chứng khoán cũng như rất nhiều cổ phiếu liên tục lập đỉnh lịch sử, đi cùng thanh khoản cao vọt, gấp nhiều lần so với trước đây.

Thêm vào đó, thị trường bất động sản chứng kiến những cơn sốt đất cục bộ, sau đó hạ nhiệt nhờ một số biện pháp từ cơ quan quản lý nhưng nguyên nhân quan trọng cũng là do dịch bệnh bùng phát trở lại, vì thế không loại trừ khả năng dòng tiền sẽ tiếp tục đổ vào thị trường này khi dịch bệnh tạm thời được đẩy lùi trong bối cảnh lãi suất tiền gửi tiếp tục ở mức thấp.

Với các tổ chức kinh tế, mức tăng tiền gửi 3,26% trong 5 tháng đầu năm 2021 là cao nhất so với cùng kỳ từ năm 2015 đến nay. Điều này đặt ra khả năng các doanh nghiệp đang “bật chế độ” phòng thủ trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn và đặc biệt là rủi ro gián đoạn kinh doanh.

Theo Minh Tâm/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/doanh-nghiep-don-dap-gui-tien-vao-ngan-hang-20180504224256168.htm