QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Doanh nghiệp SME “chật vật” với chuyển đổi số

DN nhỏ và vừa (SME) đang phải đối mặt với nhiều thách thức trước lộ trình số hoá, trong đó có sự sai lệch trong tư duy về chuyển đổi số khiến cho quá trình này vẫn còn khá “chật vật”.

Tư duy “lệch” về chuyển đổi số

Tại diễn đàn cao cấp Công nghệ thông tin và Truyền thông- Ngày chuyển đổi số Việt Nam 2020 diễn ra ngày 15/12, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin VINASA cho biết, kết quả khảo sát các doanh nghiệp đang chuyển đổi số trên cả nước chiếm khoảng 15%. 99% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn về vốn, nên chuyển đổi số vẫn chỉ là sự “khao khát” của khoảng 72% doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số còn lại cho rằng chuyển đổi số là việc của các doanh nghiệp “lớn”.

Trong một khảo sát mới đây từ Cisco cũng cho thấy, hiện các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt với những thách thức nhất định như: thiếu tầm nhìn và tư duy về chuyển đổi số; những thách thức trong văn hoá công ty; sự thiếu hụt các công nghệ thiết yếu và thiếu hiểu biết sâu sắc về khách hàng cũng như dữ liệu hoạt động.

Những thách thức trên đã kiến cho hơn 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam phản ứng thụ động với những thay đổi của thị trường và không nỗ lực chuyển đổi số – Bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng giám đốc Cisco Việt Nam lấy dẫn chứng.

Bà Thuỷ cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp thuộc khối này chưa có chiến lược ứng dụng các công nghệ số và chủ động hơn trước phản ứng thị trường hay có chiến lược số hóa để đổi mới. Điều này khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đứng sau Philippines và Indonesia về chuyển đổi số.

“Doanh nghiệp nhỏ vẫn còn đang chật vật trước những khó khăn để từng bước chuyển mình trong lộ trình số hóa”, Tổng giám đốc Cisco Việt Nam nói.

Bàn thêm về vấn đề tư duy đối với chuyển đổi số, ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó Tổng giám đốc VCCorp, nhà sáng lập Bizfly, cho rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (SMEs) thường có 4 góc nhìn sai lầm về quá trình chuyển đổi số như: Chuyển đổi số chỉ dành cho doanh nghiệp lớn; chuyển đổi số tốn nhiều tiền; chuyển đổi số triển khai càng nhiều càng tốt, tiến trình diễn ra nhanh chóng; chuyển đổi số đây là chiếc đũa thần giúp doanh nghiệp cất cánh.

Tuy nhiên theo ông Tuấn, quan điểm này hoàn toàn sai lầm vì không chỉ doanh nghiệp lớn mà các SMEs cũng cần chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp đang làm nhưng không ý thức được những hành động ấy cũng là chuyển đổi số, ví dụ như bán hàng online, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, dùng chatbot, dùng các hệ thống tự động hoá….

Thời cơ và thách thức

Trong khi đó, theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chương trình hỗ trợ Doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 cho thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có nhiều cơ hội và thách thức khi chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Việt Long – Phó Tổng Giám đốc Ernst & Young, Chuyên gia tư vấn Chuyển đổi số Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) cho biết: Trong hạ tầng liên quan đến kết nối, Việt Nam có chỉ số tương đối tốt so với một số nước ở khu vực xung quanh như Indonesia và Thái Lan với tỷ lệ thuê bao băng rộng cố định trên tổng dân số chiếm 12%, trong khi đó Thái Lan chỉ 11%, Indonesia chỉ 3,1%. Bên cạnh đó, một số nhà mạng đã bắt đầu triển khai mạng 5G.

Theo đánh giá của ông Long, đây là cơ hội cho doanh nghiệp SME. Nếu doanh nghiệp SME không tận dụng thời cơ này, thì nguy cơ thách thức ở đây là sẽ tụt lùi.

Để giúp cho các doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả hơn, ngày 3/12 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) triển khai Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của chương trình này là đến năm 2025 sẽ có 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; Tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số…

Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên – Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, hiện nay Bộ đã xây dựng nền tảng website, địa chỉ là digital.business.gov.vn. Đây là một kênh thông tin nhằm chuyển tải những kiến thức về chuyển đổi số, những công cụ cung cấp kiến thức đào tạo, là nơi kết nối giữa các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số và các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số.

Còn theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi chuyển đổi số cần sử dụng công nghệ số như là một dịch vụ, thông qua việc sử dụng các nền tảng. Đó cũng là lý do trong năm nay – Năm Chuyển đổi số quốc gia 2020, ngày Thứ 6 công nghệ hàng tuần đã giới thiệu những nền tảng công nghệ Make in Việt Nam, để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể sử dụng với chi phí hợp lý, đảm bảo an toàn thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Theo Hồ Hường/Thương Gia

Nguồn: http://thuonggiaonline.vn/doanh-nghiep-sme-chat-vat-voi-chuyen-doi-so-35710.htm