QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Doanh nghiệp TP. HCM chật vật tái sản xuất

Sản xuất đã quay lại tại TP. HCM nhưng các doanh nghiệp đang phải đối diện với nhiều thách thức về lao động, vốn, sức mua của thị trường…

Doanh nghiệp TP. HCM chật vật tái sản xuất.

Đỏ mắt tìm người

Công ty Liên doanh Bột quốc tế Intermix có 2 nhà máy tại TP. HCM với khoảng 300 lao động làm việc. Nhưng đó là trước đây. Còn bây giờ, số lao động chỉ còn 180 người. “Thiếu lao động đã khiến công suất các nhà máy giảm tới 30%. Trong khi đó, việc tuyển lao động bổ sung hiện rất khó khăn vì càng gần Tết càng có nhiều đơn vị muốn tuyển dụng lao động.

Hàng vạn lao động đã rời bỏ TP. HCM trong tháng trước, sau khi thành phố nới lỏng giãn cách xã hội. Làn sóng này đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình cảnh “khát” lao động nghiêm trọng. Ngay cả với số lao động còn lại, các doanh nghiệp cũng chưa thể an tâm. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP. HCM, cho hay, tuy được khống chế phần nào, dịch bệnh vẫn đang lây lan tại thành phố, nhiều nơi cứ “test” là ra F0. Và dù nhiều công nhân đã được tiêm 2 mũi vắc xin, nhưng chỉ cần một vài người mắc bệnh thì cả dây chuyền sản xuất cũng bị ảnh hưởng, gây gián đoạn sản xuất.

Phó tổng giám đốc Công ty Vissan Phan Văn Dũng than thở: tình huống công nhân bị nhiễm bệnh vẫn đang chực chờ, do đó doanh nghiệp phải tuyển công nhân dự phòng. Nhưng việc này cũng không dễ dàng vì nhiều lao động biết việc đã rời thành phố còn đào tạo ra một người có tay nghề cũng cần tới 45 ngày. Thiếu lao động khiến chi phí vận hành sản xuất lên cao, công suất lại không như mong đợi, đẩy nhiều doanh nghiệp vào thế khó chồng khó.

Như Vissan, ông Dũng chia sẻ qua 4 tháng chống dịch, lượng hàng tồn kho thực phẩm chế biến của công ty đã không còn. Muốn tăng lượng tồn kho trở về mức bình thường, công ty phải tổ chức tăng ca sản xuất liên tục 3 tháng. Nhưng với tình cảnh “giật gấu vá vai” về nhân sự, điều này dường như bất khả.

Bấp bênh thị trường

Bên cạnh nỗi lo về lao động, nhiều doanh nghiệp tại TP. HCM cũng đang “đau đầu” về thị trường. Theo thông lệ, quý IV/2021 là thời điểm các doanh nghiệp phải ký được hợp đồng cho đơn hàng xuất khẩu quý I/2022. Tuy nhiên, tới nay, số doanh nghiệp chốt được hợp đồng chưa nhiều, số chốt được lại cũng chưa lấy gì làm chắc chắn. Nguyên do là dịch bệnh hoành hành không chỉ ở Việt Nam mà trên quy mô toàn cầu khiến các đơn hàng có thể bị dừng, hoãn hoặc hủy bất cứ lúc nào. Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP. HCM Phạm Xuân Hồng cảm thán “chưa lúc nào mà sản xuất lại phập phù như lúc này”. Việc doanh nghiệp không thể dự báo được thị trường khiến kỳ vọng phục hồi sản xuất kinh doanh trở nên rất mong manh.

Đối với thị trường nội địa, mọi chuyện cũng không dễ dàng hơn. Phó tổng giám đốc Công ty Vissan Phan Văn Dũng cho hay sức mua của người dân thành phố đang bị giảm sút rõ rệt, hàng sản xuất ra bán rất chậm. “Doanh nghiệp tái khởi động, tăng tốc sản xuất sẽ là không để làm gì nếu sức mua bị yếu đi”, ông nói và cho biết giải pháp của doanh nghiệp hiện nay là vừa duy trì sản xuất, vừa tính toán lại các chi phí một cách tối ưu. Vissan cũng không dám tăng giá bán vì sợ mất luôn khách hàng hiện hữu. Cũng vì thế, toàn bộ chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận của công ty đều phải điều chỉnh lại. “Phải duy trì được nhịp độ sản xuất, kiềm được giá, chia sẻ với người dân thì khi đời sống ổn định trở lại, công ty mới có thể tăng tốc”, ông Dũng giải thích.

Đau đầu vì tiền

Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh, sau những cuộc làm việc với hàng trăm hội viên, đã rút ra kết luận: hầu hết doanh nghiệp đang “khát” vốn. Theo bà Hạnh, trải qua nửa năm chống chọi với dịch bệnh, tạm ngưng sản xuất, kinh doanh, đa số doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng kiệt quệ. Bởi vậy, khi tái khởi động, tài chính trở thành vấn đề nan giải nhất, đặc biệt là khi chi phí sản xuất đang tăng chóng mặt, từ nguyên liệu đầu vào, xăng dầu, cước phí vận chuyển… đều đang “đạt đỉnh”.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. HCM, nói “trắng” ra rằng nguồn tiền của các doanh nghiệp trong ngành hiện nay đã cạn. Phần lớn nguồn vốn dự trữ của các doanh nghiệp đã phải trưng dụng cho các chi phí phát sinh trong thời gian giãn cách xã hội. Do đó, hiện nay, doanh nghiệp đang phải gồng gánh để có thể duy trì một phần sản xuất trong điều kiện khó khăn.

Các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có chủ trương cho phép áp dụng việc điều chỉnh nâng hạn mức định giá những tài sản thế chấp đang hiện hữu đối với những doanh nghiệp làm ăn có uy tín, có khả năng thu hồi vốn trong tương lai; điều chỉnh tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% như hiện nay lên 85% nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực phải tìm thêm tài sản thế chấp.

Đồng thời, Hội Lương thực thực phẩm TP. HCM cũng đề nghị ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn vay giữa trung, dài hạn và ngắn hạn đối với doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm trong giai đoạn này; trong đó ưu tiên được tiếp cận vốn vay dài hạn nhiều hơn vốn ngắn hạn như tỷ lệ hiện nay.

Theo Minh Tâm/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/doanh-nghiep-tp-hcm-chat-vat-tai-san-xuat-20180504224261456.htm