Quý IV/2024, thị trường bước vào mùa cao điểm mua sắm. Đây cũng là những tháng cuối cùng để hoàn thành các mục tiêu kinh tế cả năm của các doanh nghiệp.
Lo ngại sức mua không như kỳ vọng
Nhiều doanh nghiệp hiện đang lo lắng sức mua dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 có thể không tăng cao như kỳ vọng do tình trạng thắt chặt chi tiêu, thận trọng trong mua sắm và cả sự gia tăng độ nhạy cảm về giá của người tiêu dùng.
Ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty CP Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính: “Nếu trước đây 1 gia đình mua nước giặt, nước rửa chén thường mua dư, mỗi lần vài ba chai để xài trong tháng, hoặc qua tháng; thì nay họ chỉ tính toán mua đủ dùng trong một hai tuần, khi hết sẽ mua nữa. Và khi mua hàng, họ sẽ xem xét nhãn nào khuyến mãi, có giá rẻ hơn để cân nhắc chọn lựa”.
Theo ông Vinh, điều này cho thấy kinh tế gia đình không dư dả, nên người nội trợ đang phải tính toán kỹ lưỡng khi quyết định xuống tiền mua hàng hóa cho tiêu dùng hàng ngày. Thực tế này đang buộc các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải thay đổi cách thức mua bán, tiếp cận người dùng.
Lý do các doanh nghiệp tỏ ra thận trọng trong dự báo xuất phát từ việc nền kinh tế trong nước tiếp tục chịu tác động từ nhiều yếu tố không mấy khả quan, trong đó có cơn bão số 3 (bão Yagi) xảy ra vào giữa tháng 9/2024. Ghi nhận thực tế từ tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp kinh doanh và phân phối hàng hóa, sau bão số 3, sức mua tại miền Bắc, miền Trung giảm, sức mua ở TP. HCM cũng không khả quan hơn bởi người tiêu dùng đã gửi tiền về quê hỗ trợ người thân, gia đình và cắt giảm các khoản tiêu xài cho bản thân.
Bên cạnh đó, yếu tố giá nguyên liệu đầu vào cũng tăng khiến các doanh nghiệp lo lắng sẽ ảnh hưởng tới mùa kinh doanh cuối năm. Theo đại diện một công ty thực phẩm có trụ sở ở miền Tây, do ảnh hưởng xung đột ở các nước, cước phí vận chuyển nguyên liệu tăng nên giá sản phẩm đối diện sức ép tăng rất lớn. Dù vậy, do sức mua ảm đạm trên thị trường nên doanh nghiệp này chưa thể tăng giá sản phẩm, đồng thời lo ngại sức mua trong dịp Tết Ất Tỵ 2025 có thể không cao.
Theo ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP. Thủ Đức (TP. HCM), Tổng Giám đốc Công ty Nam Thái Sơn, hiện các doanh nghiệp đang tìm các ngân hàng có mức lãi suất thấp. Doanh nghiệp rất thận trọng trong việc vay vốn, chỉ muốn tiền khách hàng trả về và tái đầu tư, không muốn vay thêm vì sẽ tăng chi phí. Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ổn định sẽ không muốn vay thêm vốn mà muốn giảm nợ, họ đang tìm các ngân hàng có chính sách ưu đãi.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), chia sẻ kinh nghiệm, để có thể tiếp cận được nguồn vốn, bản thân doanh nghiệp phải hoạt động có hiệu quả. Đây cũng chính là cơ sở để ngân hàng xem xét hỗ trợ cho vay vốn. Hiện, các gói vay tại ngân hàng có mức lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp hoạt động tốt từ 5.8-6.5%. Riêng với ngành lương thực, thực phẩm, giai đoạn cuối năm là cơ hội tốt để các doanh nghiệp nắm bắt, chủ động tìm nguồn vốn vay phù hợp, từ đó làm nguồn lực sản xuất hàng hóa phục vụ mùa lễ, Tết.
Cần vốn có lãi suất thấp
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM, tín dụng trên địa bàn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trong những tháng gần đây. Đến cuối tháng 9/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 3.7 triệu tỷ đồng, tăng 5.83% so với cuối năm trước và tăng 11.7% so với cùng kỳ (trong đó khối ngân hàng thương mại cổ phần tăng 8.5%).
Theo tính thời vụ, thường quý cuối năm, nhu cầu vốn cũng tăng cao, ngành ngân hàng đã và đang tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cung ứng vốn cho các tháng cuối năm. Để thúc đẩy tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai các chương trình kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp nhỏ và vừa, và các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, xuất nhập khẩu.
Theo ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, kinh tế TP. HCM đã có dấu hiệu khởi sắc trong giai đoạn từ quý I đến quý III. Tuy nhiên, đầu tư công, thị trường bất động sản còn chậm, cầu tiêu dùng chưa khôi phục đáng kể. Để giải quyết những vấn đề này, cần sự chung tay của hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần giải pháp kích cầu tiêu dùng. Theo đó, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, việc tăng cường sức mua nội địa là cách để giảm thiểu sự phụ thuộc vào xuất khẩu và bảo vệ nền kinh tế trước những biến động bên ngoài. Một trong những giải pháp quan trọng là tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá. Các dịp lễ lớn như Giáng sinh và Tết Nguyên đán luôn là thời điểm vàng để doanh nghiệp triển khai các chương trình ưu đãi, thu hút người tiêu dùng. Những chương trình này không chỉ giúp gia tăng doanh số bán hàng mà còn góp phần kích thích tâm lý mua sắm của người dân.
Theo đại diện Sở Công Thương TP. HCM, dự kiến có gần 10.000 thương nhân tham gia các chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ ngân hàng, trung gian thanh toán, giao thông vận tải… Việc triển khai khuyến mãi tập trung được kỳ vọng sẽ là giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh; giúp người tiêu dùng tiếp cận được các sản phẩm có giá cả phải chăng.
Ngoài ra, doanh nghiệp kỳ vọng chính phủ có thể xem xét áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) tạm thời hoặc hoàn thuế tiêu dùng cho một số ngành hàng thiết yếu. Điều này sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm, khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn.
Những tháng cuối năm luôn là thời điểm quan trọng để nền kinh tế bứt phá và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Với những giải pháp đồng bộ và toàn diện, từ kích cầu tiêu dùng, tăng cường sản xuất, phát triển thương mại điện tử đến các chính sách tài chính hỗ trợ, Việt Nam có thể tận dụng tối đa cơ hội, vượt qua thách thức và đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững trong năm 2024.
Trước những biến động của thị trường, Sở Công thương các tỉnh, thành khu vực phía Nam đã có phương án bình ổn giá cả hàng hóa cuối năm. Sở Công thương TP. HCM cho biết chương trình bình ổn năm nay thu hút số lượng doanh nghiệp tham gia nhiều hơn năm ngoái, đồng thời mở rộng, bổ sung nhiều nhóm mặt hàng vào nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Tại An Giang, hiện đã có 23 doanh nghiệp chủ lực đã đăng ký tham gia bình ổn thị với 444 cửa hàng ở các địa phương. Tổng số tiền dự trữ hơn 4.562 tỷ đồng.
Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm, bách hóa tiêu dùng, hóa mỹ phẩm… trị giá 954 tỷ đồng; xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng là 3.608 tỷ đồng. Tỉnh Tây Ninh cũng đã ban hành kế hoạch bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu năm 2024 và Tết Ất Tỵ 2025, với danh mục hàng hóa tham gia gồm nhóm lương thực, thực phẩm thiết yếu và nhóm nhiên liệu. Tổng trị giá hàng hóa dự trữ đáp ứng nhu cầu thị trường trong 1 tháng khoảng 260 tỷ đồng.