QC 1
Thứ 5, ngày 18/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Doanh nhân và con đường phía trước!

Nhớ lại câu nói của người xưa “nhất sỹ, nhì nông” để phân định đẳng cấp trong xã hội. Hiểu nôm na rằng, những người áo trắng cổ cồn làm việc trong văn phòng công sở là kẻ sỹ. Còn những người tham gia lao động sản xuất trực tiếp hay gián tiếp là kẻ nông.

Number of 2020 to 2023 on asphalt road surface with marking lines, happy new year concept

Có thể câu nói này trong thời đại mới sẽ không còn đúng nữa mặc dù thời đại chúng ta vẫn còn câu nói sỹ, nông, công, thương. Trong bảng xếp hạng này, doanh nhân vẫn được hiểu theo nghĩa là kẻ đứng cuối bảng trong xã hội. Nếu chúng ta chỉ cần thay đổi một tý chút thôi, tự nhiên sẽ có cuộc cách mạng về tri thức con người, cách mạnh về bình đẳng trong xã hội, làm hoà đồng và bình đẳng trước mọi lĩnh vực, mọi giai cấp. Anh làm tốt, đúng pháp luật mặc nhiên địa vị của anh ngang bằng bao ngươi khác.

Năm 2004 Thủ tướng Chính Phủ Phan Văn Khải ký quyết định 990/QĐ-TTg lấy ngày 13/10 là ngày “Doanh nhân Việt Nam”. Ngày này mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù được thừa nhận từ rất lâu khi Bác Hồ lập quốc năm 1946 đã có thư hiệu triệu giới công thương tham gia kháng chiến, ủng hộ cách mạng. Và giới Công thương đã chứng tỏ được tinh thần yêu nước, chứng tỏ được vị thế khi ủng hộ cách mạng nuôi quân, mua sắm khí tài góp phần đóng góp cho sự thành công của cách mạng.

Ngày nay, sau một chặng đường 2 thập kỷ đi qua, nhìn lại sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam với con số biết nói: gần 750.000 doanh nghiệp được thành lập, chưa kể đến các tiểu thương kinh doanh theo môn bài. Chứng nhận thấy rằng, sự thay đổi tư duy và thể chế, chính sách trong quản lý kinh tế vĩ mô, vi mô đã có tác dụng cực lớn để đất nước phát triển, đã dần xoá bỏ được hệ luỵ trong quản lý điều hành đất nước. Từ những ngăn sông, cấm chợ, nạn đói tràn lan, thu nhập đầu người 200USD/năm nay đã đạt 2870 USD/năm/người. Cuộc sống người dân ổn định, công ăn việc làm tốt hơn, tiện nghi của mỗi người mỗi gia đình được bảo đảm hơn.

Có thể nói người làm nên kỳ tích này chính là cộng đồng doanh nhân Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và những tiểu thương. Những người vốn được coi là yếu thế trong xã hội trước đây vượt lên trở thành những người mạnh mẽ và có vai trò đặc biệt trong xã hội. Họ tạo công ăn việc làm cho người lao động, nộp thuế cho nhà nước để trả lương cho những kẻ sỹ “áo trắng cổ cồn”, họ đưa thương hiệu và tên tuổi Việt Nam ra trường quốc tế. Thế giới biết Việt Nam hiểu Việt Nam cũng có phần đóng góp cực kỳ quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Văn kiện đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam năm nay 2020 đề ra với tiêu chí và mục đích vô cùng lớn lao. Với mong muốn và khát vọng của Tổng Bí thư – Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng về kinh tế đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập cao trên thế giới, sẽ trở thành cường quốc. Các mục tiêu được cụ thể hoá: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm; Thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2045 đạt khoảng 10.000 USD/người; Tỉ lệ đô thị hoá đạt trên 60%; Tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 35 – 38% GDP; Nợ công dưới 60% GDP; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt trên 7,2%/năm.

Những con số này quả thực đã mang tầm rất lớn đối với Việt Nam và các nước đang phát triển. Muốn đạt được mục tiêu này đòi hỏi hệ thống công quyền, chính sách và luật pháp phải quyết liệt thay đổi. Điều tiên quyết là nhà nước phải hành động quyết liệt cùng doanh nghiệp, cùng người dân và toàn xã hội, để tháo bỏ những rào cản mà chính người làm chính sách, ban hành chính sách tự khoá, tự trói, tự ràng buộc doanh nghiệp, xã hội với những lệ, luật bất hợp lý, chồng chéo… bởi chính thực tế muốn bảo vệ quyền lợi của các cơ quan chủ quản đã đẩy khó cho doanh nghiệp, doanh nhân và xã hội.

Từ hơn 25 năm trước đến nay. Chúng ta đã xây dựng kịch bản nhiều lần nhưng thành công vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Năm 1996, khi Hoa Kỳ bình thường hoá quan hệ với Việt Nam; Năm 2006 khi Việt Nam được đi chợ chung thế giới (WTO). Còn rất nhiều các sự kiện quan trọng khác mà Việt Nam đã ký Hiệp định quan trọng với các nước trong Asem, Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (CPTTC) năm 2018. Hiệp định thương mại với Châu Âu (EVFTA) năm 2020.

Thành quả như mong muốn của TBT-CTN Nguyễn Phú Trọng nếu chúng ta đạt được, chúng ta đã bước một chân vào cửa thiên đường. Nhưng thiên đường còn rất xa, còn trải nhiều khó khăn sóng gió với đoạn đường 25 năm sẽ phải đi qua. 

Thông điệp của Tổng Bí thư – Chủ Tịch nước Nguyễn Phú trọng gửi đến Đại hội đồng liên hợp quốc ngày 24/9/2020 chính là khát khao và quyết tâm của Việt Nam 2045 để trở thành nước có thu nhập cao trên thế giới. Để điều ấy trở thành hiện thực, cần một quyết tâm chính trị thật lớn, toàn Đảng toàn dân cùng vào cuộc.

Hãy hành động cùng doanh nghiệp, đặt chính quyền và nhịp thở vào cuộc sống của người dân, của xã hội. Mở rộng tư duy, hoà mình vào dòng chảy tích cực và tốt đẹp của thế giới, Việt Nam sẽ thành công./.

Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc

CTHĐQT CTy Đại Sơn, Hải Dương

Hà Nội, Ngày 13/10/2020

Theo TGO/ Thương gia

Nguồn: http://thuonggiaonline.vn/doanh-nhan-va-con-duong-phia-truoc-34528.htm