QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Doanh thu dệt may khởi sắc, dự báo xuất khẩu dệt may phục hồi

Ngay từ đầu năm 2021 Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã dự báo rằng xuất khẩu dệt may năm nay sẽ phục hồi tích cực trở lại bởi động lực từ nhu cầu thị trường cũng như việc các nước đưa vắc-xin vào tiêm chủng rộng rãi.

Xuất khẩu tăng, doanh thu dệt may hồi phục

5 tháng đầu năm 2021 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 12,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Việc xuất khẩu tăng trở lại đã tác động lớn đến doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may.

Chẳng hạn Công ty CP Đầu tư và thương mại TNG (Mã: TNG) có doanh thu 5 tháng đầu năm nay đạt hơn 1.742 tỷ đồng, tăng thêm 423 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 32% so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp cho biết đơn hàng đã xuống chi tiết hết đến quý II/2021 và đang triển khai nhanh hơn đơn hàng thực hiện cuối quý III, quý IV. Theo kế hoạch, TNG đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.798 tỷ đồng và 175 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2021, lần lượt tăng 7% và 15% so với thực hiện 2020.

Hay với CTCP Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) đã đạt doanh thu thuần 567 tỷ đồng trong quý I/2021, lợi nhuận sau thuế tăng 35% so với cùng kỳ năm trước đạt 70 tỷ đồng. Đây là mức lãi trong quý cao nhất của doanh nghiệp 10 năm trở lại.

Ảnh minh họa

STK đặt kế hoạch kinh doanh năm nay là 2.358 tỷ đồng và 248 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 33,5% và 72% so với thực hiện 2020. Với kết quả này, sau ba tháng đầu năm, STK đã thực hiện được 24% kế hoạch doanh thu năm và 28% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm.

Với Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex, Mã: VTG) doanh thu quý I đạt 3.755 tỷ đồng, thực hiện được 22% chỉ tiêu năm; tương ứng lãi trước thuế 216,5 tỷ đồng; thực hiện 31% mục tiêu 2021.

Một doanh nghiệp khác là Công ty Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (Mã: TCM) cũng đề ra mục tiêu doanh thu năm nay đạt 4.218 tỷ đồng, tăng 20%; lãi sau thuế 290 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện năm trước.

Tính đến hết tháng 4/2021, doanh thu của TCM đạt hơn 53 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2020, lãi khoảng 3,4 triệu USD, gần gấp đôi cùng kỳ.

Đại diện TCM cho biết doanh nghiệp đã nhận đầy đủ đơn đặt hàng đến cuối tháng 7 và đang nhận đơn đặt hàng cho những tháng cuối năm 2021. Đặc biệt, để đón đầu nhu cầu lớn, TCM cũng đôn đốc tiến trình đầu tư nhà máy Vĩnh Long, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10 năm nay.

Kỳ vọng dệt may phục hồi về trước dịch

Báo cáo của CTCP chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng kết quả tăng trưởng này là nhờ sự phục hồi mạnh mẽ tại Mỹ, thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam với mức tăng 84% so với cùng kỳ, trong khi EU tăng 52% so với mức thấp vào tháng 4/2020 (sự thiếu hụt nguồn cung vải từ Trung Quốc, khiến các đơn đặt hàng bắt đầu bị hủy).

Điểm sáng của ngành dệt may trong giai đoạn dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay là hầu hết các công ty có đủ đơn đặt hàng để sản xuất đến hết tháng 9/2021.

Do xác định thị trường phục hồi, cùng sự trợ lực từ những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…, các doanh nghiệp dệt may đều đang có những chiến lược đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu để đáp ứng các cam kết từ những FTA này.

Dự án Unitex tập trung vào lĩnh vực sợi tái chế và sợi chất lượng cao, với tổng công suất 60.000 tấn/năm. Giai đoạn I có công suất 36.000 tấn được khởi công năm 2021, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2023. Giai đoạn II với công suất 24.000 tấn được thực hiện trong năm 2023-2025.

Với việc gia tăng đầu tư như hiện nay, các doanh nghiệp dệt may kỳ vọng trong tương lai gần ngành này sẽ chủ động được phần cung thiếu hụt, từ đó tận dụng tốt các FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho biết ngành dệt may trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước khi một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dần hồi phục và tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định FTAs đã ký kết và đi vào thực thi.

“Đã có nhiều dấu hiệu tích cực từ thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc khi nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu đến quý III năm nay.

Người tiêu dùng Mỹ và châu Âu đã cho thấy nhu cầu mua sắm hàng hóa tiêu dùng như quần áo và giày dép tăng mạnh khi kinh tế được phục hồi do dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa”, Bộ Công Thương cho biết.

Theo Thu Uyên/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/doanh-thu-det-may-khoi-sac-du-bao-xuat-khau-det-may-phuc-hoi-95616.html