Các địa phương đang tiếp tục nỗ lực thực hiện công tác khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, giúp người dân sớm khôi phục trở lại cuộc sống bình thường.
Yên Bái tập trung cứu trợ người dân bị ngập lũ
Nước trên sông Hồng tại các xã vùng lũ của huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) đã rút nhiều so với cùng thời điểm ngày 10/9, nhưng vẫn ở mức cao là 33,2m, trên báo động 3 là 1,2m. Hàng nghìn ngôi nhà vẫn bị ngập sâu trong nước, bị chia cắt và cô lập. Cụ thể như khu vực thị trấn Cổ Phúc và các xã Nga Quán, Báo Đáp, Đào Thịnh, Việt Thành, Quy Mông, Y Can đều ngập khá sâu trong nước, chỉ có thể tiếp cận bằng đường thủy.
Là huyện giáp ranh, chạy dọc theo bờ sông Hồng, do vậy lưu lượng nước từ sông chảy qua khu vực thị trấn Cổ Phúc và các xã tương đối lớn, chảy xiết nên tiếp cận bằng xuồng máy cũng gặp nhiều trở ngại, công tác cứu hộ, cứu nạn còn nhiều khó khăn. Phương án tiếp cận trong lúc này đã được huyện Trấn Yên khảo sát và bố trí khu vực tiếp giáp với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, thuộc Km 128 + 500 để thống nhất với đơn vị chức năng mở rộng vị trí bãi tập kết, khu vực dừng đỗ cho các phương tiện tiếp cận phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân huyện Trấn Yên.
Huyện Trấn Yên cũng vẫn còn 10 xã bị ảnh hưởng, trong đó có 6 xã và thị trấn dọc theo sông Hồng đang ngập sâu trên 3 mét, nhiều người dân vẫn đang bị cô lập vẫn đang chờ lực lượng đến hỗ trợ. Những xã, thị trấn của huyện Trấn Yên bị úng ngập vẫn chưa có điện sinh hoạt, thông tin liên lạc cũng đang gián đoạn, vì thế khó khăn vẫn ở phía trước.
Huyện Trấn Yên cũng đã huy động tối đa các lực lượng phân đi các địa điểm để ứng cứu người dân về mì tôm, nước uống cũng như các nhu yếu phẩm thiết yếu khác.
Kiểm tra thực tế tại vùng lũ Cổ Phúc, huyện Trấn Yên ngày hôm nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy biểu dương những nỗ lực, cố gắng, kiên cường trước bão lũ của cán bộ, đảng viên, nhân dân huyện Trấn Yên những ngày qua. Trước thực trạng còn nhiều khó khăn, thách thức, Bộ trưởng đề nghị Quân khu 2, tỉnh Yên Bái hỗ trợ thêm cho Trấn Yên các phương tiện đường thủy để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Bổ sung thuyền cỡ lớn và thuyền nhỏ để dễ dàng di chuyển đến các khu vực bị ngập sâu, bị cô lập nhằm tiếp tế các nhu yếu phẩm thiết yếu, hỗ trợ di chuyển người già, phụ nữ, trẻ em, người bị bệnh đến khu vực an toàn. Việc hỗ trợ các thuyền cũng cần bố trí người lái thuyền có đầy đủ giấy phép, có trình độ, kinh nghiệm điều khiển phương tiện trong điều kiện dòng nước lớn, chảy siết và đảm bảo an toàn tính mạng người trên thuyền.
Ông Trần Ngọc Thư, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết, trước tình hình nước lũ diễn biến phức tạp, huyện đã chủ động trong phương châm “4 tại chỗ”, chủ động di dời nhân dân đến nơi an toàn; cụ thể đã tận dụng những khu vực cao, đủ điều kiện vật chất để bố trí người dân tạm trú. Đến nay, huyện đã bố trí di chuyển trên 4.200 hộ gia đình đến nơi an toàn.
Nhiều phương án tiếp tục hỗ trợ bà con đã được thực hiện nhanh chóng, ứng cứu kịp thời những trường hợp khẩn cấp trên địa bàn. Nhiều người dân vui mừng vì đã có chỗ ở an toàn, được hỗ trợ kịp thời những đồ thiết yếu để bớt lo lắng. Ngày 11/9, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã huy động 100% quân số lên hỗ trợ huyện Trấn Yên, tham gia vào việc cứu trợ tại những địa bàn khó khăn của huyện.
Tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở
Nhằm tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa, lũ sau bão, ngày 11/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã với tinh thần khẩn trương nhất, tiếp tục tập trung công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu chữa miễn phí cho người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời thân nhân và hỗ trợ, lo hậu sự chu đáo cho người thiệt mạng; tổ chức cứu trợ, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ mất nhà ở; tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở.
Đáng chú ý, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng yêu cầu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô, Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai lực lượng, phương tiện để hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của các địa phương. Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo cứu chữa người bị thương; kịp thời cung cấp cơ số thuốc, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho người dân tại những vùng bị ảnh hưởng thiên tai, hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt, xử lý môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau bão, lũ. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo khẩn trương vệ sinh trường lớp, khắc phục cơ sở vật chất bị hư hại do bão, lũ; vận động hỗ trợ trang thiết bị giảng dạy, sách vở và đồ dùng học tập cho các trường học, cơ sở giáo dục bị thiệt hại, tạo điều kiện cho học sinh sớm trở lại học bình thường.
Tại Hải Phòng, ngày 11/9, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cũng có công điện yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, quận, thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị tập trung triển khai ứng phó với mưa lũ.
Trong đó, Ủy ban nhân dân các quận, huyện thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến và tình hình mưa lũ, thông tin kịp thời đến các tổ chức và người dân có hoạt động trên sông, ven sông, bão sông, cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy, các bến đò ngang, đò dọc biết để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn. Tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, có phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu, đặc biệt là các vị trí đã xảy ra sự cố, các công trình đang thi công dở dang theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Chủ động rà soát, sẵn sàng các phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết cũng như các điểm sơ tán an toàn, đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân. Các đơn vị liên quan hướng dẫn người dân nắm rõ quy trình, thao tác khi có lệnh sơ tán, đảm bảo không bỏ sót ai.
Thiệt hại về nhà ở tăng, nhiều tuyến phố ngập sâu, nguy cơ thiếu nước sạch
Theo Văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh Bắc Kạn, đến 11 giờ ngày 11/9, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có đến trên 1.700 nhà ở bị thiệt hại. Trong số những nhà bị ngập nước, đến thời điểm này vẫn còn 295 nhà tại xã Nam Cường (huyện Chợ Đồn) và xã Nam Mẫu (huyện Ba Bể) nước vẫn chưa rút.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn còn ghi nhận 3 người bị thương nhẹ do bị sạt lở đất và cột nhà đổ vào người; thiệt hại về nông lâm nghiệp và thủy sản trên 1.900 ha; hư hỏng gần 50 chuồng trại; hàng trăm con trâu, gà, vịt, lợn bị chết, nước cuốn trôi. Về giao thông, có 9 vị trí trên các tuyến quốc lộ bị sạt lở với khối lượng khoảng 2.690 m3 đất, đá. Nhiều điểm, tuyến đang tiếp tục sạt lở chưa ước tính được thiệt hại…
Tại Hải Dương, nhiều tuyến phố và khu vực dân cư ở nội thành thành phố Hải Dương đang ngập sau trận mưa lớn kéo dài ngày 11/9. Đến 18 giờ cùng ngày, nhiều phố vẫn ngập sâu cục bộ khiến việc lưu thông gặp nhiều khó khăn.
Đáng chú ý, do ngập úng cục bộ tại khu vực bến xe Hải Tân, Sở Giao thông vận tải Hải Dương đã ra thông báo tạm dừng hoạt động của bến xe từ 12 giờ trưa ngày 11/9 và hướng dẫn thay đổi lộ trình đối với một số tuyến xe buýt và xe khách qua đây. Các tuyến buýt đang hoạt động tại bến này được điều chuyển tạm thòi sang bãi đỗ xe tĩnh phía Tây thành phố Hải Dương, đường Thanh Bình thuộc phường Thanh Bình.
Việc ngập úng diễn ra trên nhiều tuyến phố, khu vực nội thành trong nhiều giờ một phần do mưa lớn nhưng nguyên nhân chính do mực nước trên các sông ngoài đê đang dâng cao. Để đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, các trạm bơm tiêu úng cho khu vực nội thành phải tạm dừng hoạt động.
Tại Vĩnh Phúc, do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu sau bão, nước lũ trên các sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc dâng cao, không ít công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn tỉnh đã bị hư hỏng hoặc tạm phải ngừng hoạt động do ngập các máy móc thiết bị. Người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước sạch sinh hoạt.
Trong đó, trạm bơm nước sạch đặt tại xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường chỉ cấp nước được đến thời điểm 12 giờ ngày 11/9. Đây là công trình có vùng cấp nước sạch cho khu vực thành phố Vĩnh Yên, các khu công nghiệp Bá Thiện, Xình Xuyên, Khai Quang và hỗ trợ cấp nước cho huyện Bình Xuyên. Do bị dừng hoạt động, nên việc cấp nước đến các khu vực trong vùng phục vụ sẽ bị gián đoạn trong thời gian tới.