QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Đồng loạt tăng giá nhiều dịch vụ y tế từ ngày 20/8

Bộ Y tế vừa ban hành 2 Thông tư thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) giữa các bệnh viện, bao gồm giá KCB có bảo hiểm y tế (BHYT) và ngoài phạm vi BHYT, tránh trường hợp dịch vụ chưa tương xứng với chất lượng cung cấp. 

Đồng loạt tăng giá nhiều dịch vụ y tế từ ngày 20/8. Ảnh minh họa

Từ ngày 20/8, giá dịch vụ khám bệnh BHYT tại bệnh viện (BV) hạng đặc biệt và hạng I là 38.700 đồng (quy định cũ là 37.000 đồng); BV hạng II là 34.500 đồng (quy định cũ là 33.000 đồng); BV hạng III là 30.500 đồng (quy định cũ là 29.000 đồng); BV hạng IV, trạm y tế xã là 27.500 đồng (quy định cũ là 26.000 đồng).

Theo đó, giá các dịch vụ khám bệnh, ngày giường bệnh, xét nghiệm… sẽ tăng thêm 2 – 10%. Cụ thể, giá dịch vụ giường bệnh BHYT cũng tăng lên mức tối đa là 782.000 đồng/ngày đối với BV hạng đặc biệt (hiện là 753.000 đồng/ngày). Đối với BV hạng I, mức giá dịch vụ giường bệnh tối đa là 705.000 đồng/ngày, BV hạng II là 602.000 đồng/ngày.

Bên cạnh đó, một số dịch vụ khác ngoài phạm vi chi trả của BHYT cũng được điều chỉnh tăng, như: Giá dịch vụ khám cấp giấy chứng thương, giám định y khoa, khám sức khỏe toàn diện lao động, lái xe, khám sức khỏe định kỳ (không kể xét nghiệm, X-quang) tăng lên 160.000 đồng (giá cũ là 145.000 đồng); Giá khám sức khỏe toàn diện cho người đi xuất khẩu lao động tăng lên mức 450.000 đồng (giá cũ là 420.000 đồng)…

Theo Thông tư số 13/2019/TT-BYT, người bệnh đang điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh (KCB) trước thời điểm ngày 20/8/2019 và ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú sau ngày 20/8/2019 tiếp tục áp dụng mức giá hiện hành cho đến khi ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Y tế), cho biết, cơ quan này đang rà soát lại lần cuối trước khi chính thức ban hành thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, KCB theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp, quy định về tiêu chuẩn và KCB trong BV công.

Theo ông Liên, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ phù hợp với giá dịch vụ, tránh trường hợp dịch vụ chưa tương xứng với chất lượng cung cấp. Theo đó, sẽ quy định về tiêu chuẩn diện tích buồng bệnh, số giường, cơ sở vật chất.

Tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện đổi mới thái độ, phong cách phục vụ người bệnh, BV xanh sạch đẹp; Nâng cao chất lượng KCB, đổi mới cơ chế tài chính – BHYT khu vực phía Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các BV phấn đấu trở thành BV không giấy, không xài tiền mặt và BV như… công viên.
Về đổi mới thái độ, phong cách phục vụ người bệnh, Bộ trưởng y tế đề nghị các BV tiếp tục cải tiến; 100% nhà vệ sinh BV đạt 3 sao trở lên; Giảm thời gian chờ đợi gây phiền hà cho bệnh nhân, vận động người dân khám bệnh hẹn giờ; Phòng chờ bệnh nhân phải có ti vi…
Về đổi mới quản lý chất lượng, theo Bộ trưởng, năm 2018 đã có 300.000 lượt người nước ngoài KCB tại Việt Nam, chủ yếu là can thiệp tim mạch, nha khoa và thẩm mỹ.
Bộ trưởng nêu vấn đề: Hiện rất nhiều người nước ngoài làm việc ở Việt Nam, nhưng tại sao khi kiểm tra sức khỏe thì họ sang Thái Lan, Singapore… mặc dù chất lượng KCB ở Việt Nam tốt? “Nhiều người thấy BV ở Việt Nam nhếch nhác quá họ không vào. Nhưng quan trọng nhất là thái độ và BV xanh sạch đẹp, đầu tư kỹ thuật cao. Bộ Y tế sẽ ban hành Đề án giảm người nước ngoài tại Việt Nam ra nước ngoài KCB và thu hút Việt kiều về nước KCB”, Bộ trưởng nói.

Theo Minh Phương/Môi trường và Đô thị