QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Động lực nào sẽ giúp GDP năm 2023 của Việt Nam đạt mục tiêu 6,5% như Quốc hội đã đề ra?

Năm 2023 được dự báo là một năm khó khăn đối với nền kinh tế thế giới và sẽ tác động không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong bối cảnh này, Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế – GDP năm 2023 là 6,5 %.

Những khó khăn của thế giới trong năm 2023 ảnh hưởng tới Việt Nam

Kết thúc năm 2022, bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2023 dần hiện rõ với dự báo tăng trưởng chậm lại trước những biến động của thế giới như tình hình lạm phát cao, xung đột chính trị, vũ trang, thiên tai, dịch bệnh,…

Theo phân tích của các chuyên gia, thế giới đang phải trải qua một giai đoạn chưa từng có, với hàng loạt các cuộc khủng hoảng chồng chéo, từ những căng thẳng địa chính trị, xung đột, lạm phát gia tăng, gián đoạn nguồn cung, năng lượng, cho tới thời tiết cực đoan, dịch bệnh,…

Những thách thức này tạo ra một môi trường không thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế thế giới, đồng thời có thể tạo ra những biến động ngoài dự đoán trên các thị trường vốn, tài chính, tiền tệ trên toàn cầu. Ví dụ, dịch COVID-19 hay xung đột giữa Nga – Ukraine, khiến các nước trên thế giới không kịp có sự chuẩn bị và trở tay.

Phát biểu trên Đài Truyền hình CBS vào ngày 1/1/2023, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bà Kristalina Georgieva dự đoán năm 2023 sẽ còn khó khăn hơn so với năm 2022.

Do các nền kinh tế lớn là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều đang trong giai đoạn giảm tốc. Cụ thể, đối với phần lớn nền kinh tế thế giới, năm 2023 sẽ là một năm khó khăn, khó khăn hơn cả năm chúng ta bỏ lại phía sau.

GDP năm 2023
Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam đang phải chịu nhiều khó khăn, sức ép từ thế giới

Bà Kristalina Georgieva cho rằng, lần đầu tiên sau 40 năm, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 có thể sẽ bằng hoặc thấp hơn tốc độ tăng trưởng toàn cầu. Đặc biệt, sự bùng phát các ca nhiễm COVID-19 vẫn diễn biến theo chiều hướng phức tạp theo như dự báo ở nước này, thì trong những tháng tới nhiều khả năng sẽ tác động hơn nữa đến nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay. Nó sẽ khiến tốc độ tăng trưởng của khu vực và thế giới chậm lại.

Trong khi, các ngân hàng trung ương thế giới sẽ vẫn tiếp tục thắt chặt tiền tệ nhằm đối phó với lạm phát. Và thời sẽ là một trong những chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất trong thời gian gần đây, các ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại vào năm 2023.

Điều này khiến một số tổ chức quốc tế đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ mức tăng trưởng trung bình của thế giới từ 2,9% xuống còn 2,7% so với thời điểm hồi tháng 7/2022; Fitch Ratings điều chỉnh so với dự báo hồi tháng 9/2022, từ mức 1,7% xuống còn 1,4%.

Ngay cả Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới – GDP năm 2023 xuống mức 2,2% thay vì 2,8% như trong dự báo hồi tháng 6.

Điều này sẽ tác động không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2022 ước tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước. Cả năm 2022, GDP ước tăng 8,02%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Với sự phát triển như hiện nay của nước ta, Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 là 6,5 %. Tuy bị giảm so với năm 2022 là 8,02% và còn đầy thách thức, nhưng kết quả này vẫn được dự báo là tươi sáng so với nhiều nước trên thế giới.

Động lực thúc đẩy GDP năm 2023 của Việt Nam

Tổng cục Thống kê cho rằng, để đạt được mục tiêu này thì kinh tế Việt Nam sẽ dựa trên các động lực chính sau:

Đông lực thứ nhất, hoạt động Nông, lâm nghiệp và thủy sản: Bất chấp mọi khó khăn trong năm 2022 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng toàn cầu; nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất như xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn… nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định.

Động lực thứ hai, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản: Tiếp tục thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước mà còn khẳng định vị trí là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu. Đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Với sự nỗ lực không ngừng của Chính phủ, các Bộ ngành và doanh nghiệp, người dân, năm 2023 được dự báo vẫn sẽ một năm gặt hái nhiều thành công của ngành này.

GDP năm 2023
GDP năm 2022 của Việt Nam ước tăng 8,02%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây

Động lực thứ ba, ngành công nghiệp: Mặc dù có dấu hiệu sụt giảm trong quý 4/2022, nhưng một số lĩnh vực chế biến vẫn duy trì được mức tăng trưởng giá trị sản xuất khá tốt nên đã giúp kiềm chế đà rơi mạnh của toàn ngành.

Cụ thể như: Sản xuất đồ uống tăng 33%; chế biến thực phẩm tăng gần 12%; chế biến gỗ tăng 19%; sản xuất phương tiện vận tải tăng 16%; sản xuất khoáng phi kim loại tăng gần 12%; sản xuất thuốc, hóa dược tăng 18%; sản xuất trang phục tăng 22%; sản xuất da giầy tăng 15%,… Theo Tổng cục Thống kê, đây sẽ tiếp tục là động lực của khu vực này trong năm 2023.

Động lực thứ tư là du lịch: Du lịch phục hồi ấn tượng, đặc biệt đối với du lịch nội địa (dự kiến tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ) đã kéo theo các hoạt động du lịch lữ hành, vận tải kho bãi, lưu trú ăn uống, bán buôn bán lẻ tăng trưởng mạnh, đang dần về mức như trước đại dịch.

Động lực thứ năm là cầu tiêu dùng hồi phục sau đại dịch và được hỗ trợ tối đa từ nhu cầu du lịch trong nước tăng mạnh từ giữa và nửa cuối năm 2022 đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023.

Động lực thứ sáu là xuất khẩu hàng hóa nông sản: Năm 2022 tiếp tục là năm thành công trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khi cà phê tăng 28,3%; cao su tăng 1,4%; gạo tăng 6,2%; hồ tiêu tăng 2,7%; sắn và sản phẩm sắn tăng 17,1%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 7%.

Đáng chú ý, năm 2022 là năm đầu tiên xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt mốc 10,9 tỷ USD, tăng 22,9% so với năm 2021. Động lực này sẽ tiếp tục phát huy vào năm 2023, hứa hẹn vẫn sẽ một năm thành công của xuất khẩu các sản phẩm nông sản.

Động lực thứ bẩy là đầu tư công: Đầu tư công sẽ là kích cầu hoạt động sản xuất, kích cầu của nền kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, đầu tư công sẽ giúp tăng tổng cầu, tạo việc làm nhờ thúc đẩy hoạt động xây dựng, mở rộng năng lực sản xuất cho các ngành kinh tế. Trong dài hạn, đầu tư công sẽ giúp phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia, thúc đẩy tốc độ hồi phục kinh tế và tạo nền tảng cho tăng trưởng trong những năm tiếp theo.

Hiện, đầu tư công vẫn là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế năm 2023. Nhất là với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong đầu tư công thời gian vừa qua. Ngay ngày đầu tiên của năm 2023 (ngày 1/1), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã bấm nút khởi công 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc – Nam.

Động lực thứ tám là ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội: Ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội thông qua đẩy mạnh và điều chỉnh có hiệu quả Chương trình phục hồi kinh tế trong năm 2023; lạm phát được kiểm soát là yếu tố giúp cho kinh tế Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng tốt.

Theo Thiên Ân/Thương Gia

Nguồn: https://thuonggiaonline.vn/dong-luc-nao-se-giup-gdp-nam-2023-cua-viet-nam-dat-muc-tieu-65-nhu-quoc-hoi-da-de-ra-53955.htm