QC 1
Thứ 5, ngày 10/10/2024 | Hotline: 0889.066.066

Dragon Capital lựa chọn cổ phiếu 3 nhóm ngành cho chiến lược đến năm 2025

Với bối cảnh hiện tại, Dragon Capital cho rằng, chiến lược cân bằng và tránh các mức định giá cao sẽ giúp giảm thiểu rủi ro từ thị trường quốc tế, đồng thời tận dụng cơ hội tăng trưởng trong nước.

Trong báo cáo mới đây, Dragon Capital đánh giá kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tháng 8, với nhiều chỉ số tích cực trên các lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư và sản xuất. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục 37,6 tỷ USD, tạo ra thặng dư thương mại 4,5 tỷ USD. Chỉ số PMI (Chỉ số Nhà quản trị mua hàng) đạt 52,4, cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục mở rộng và có dấu hiệu lạc quan.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký trong 8 tháng đạt 20,5 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn FDI giải ngân đạt 14,2 tỷ USD, tăng 8%. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy môi trường đầu tư tại Việt Nam vẫn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong tháng 8, giải ngân đầu tư công đạt 62,1 nghìn tỷ đồng, mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Một số dự án bất động sản gặp khó khăn về pháp lý như Vinhomes Cổ Loa và Gem Riverside đã có những tín hiệu tích cực, hứa hẹn sớm được triển khai trở lại.

Về mặt chính sách tiền tệ, lạm phát trong 8 tháng đầu năm tăng 4% so với cùng kỳ, nhưng vẫn ở mức kiểm soát. Tỷ giá hối đoái đã phục hồi tích cực, từ 25.300 VND/USD xuống 24.600 VND/USD vào đầu tháng 9, nghĩa là đồng Việt Nam chỉ mất giá hơn 1% từ đầu năm. Điều này tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước giảm bớt áp lực và tập trung vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong khi duy trì mức lãi suất hỗ trợ.

Trên thị trường chứng khoán, VN-Index tăng 2,6% trong tháng 8, đánh dấu sự hồi phục ổn định sau một giai đoạn biến động. Trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế đối mặt với nhiều bất định, chuyên gia Dragon Capital nhận định rằng hiệu suất đầu tư của VN-Index sẽ phụ thuộc vào các động lực tăng trưởng nội địa, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.

VN-Index tăng 2,6% trong tháng 8, đánh dấu sự hồi phục ổn định sau một giai đoạn biến động

Ngoài ra, việc triển khai Thông tư về non-prefunding (không ký quỹ trước giao dịch), dự kiến vào cuối năm, có thể trở thành động lực thu hút dòng vốn vào thị trường chứng khoán.

Trong bối cảnh thị trường quốc tế đầy biến động, tâm lý nhà đầu tư có xu hướng thận trọng hơn. Các chiến lược đầu tư chuyển dịch từ cổ phiếu vốn hóa nhỏ sang các cổ phiếu vốn hóa lớn, ưu tiên tính bền vững. Chiến lược cân bằng và tránh các mức định giá cao sẽ giúp giảm thiểu rủi ro từ thị trường quốc tế, đồng thời tận dụng cơ hội tăng trưởng trong nước.

Dragon Capital dự báo các ngành Ngân hàng, Công nghệ thông tin và Bán lẻ sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng đến năm 2025, với mức P/E dự phóng (hệ số giá trên lợi nhuận) vẫn ở mức định giá hấp dẫn.

Góc nhìn của các tổ chức trong nước

Về phía các tổ chức trong nước, nhóm phân tích nhiều công ty chứng khoán cũng tin rằng thị trường sẽ nới rộng đà tăng những tháng cuối năm.

Trong báo cáo chiến lược mới đây, SSI Research cho biết nghiêng về kịch bản chứng khoán tiếp tục xu hướng tăng, dù các biến số rủi ro vẫn hiện diện. Định giá P/E (hệ số giá trên lợi nhuận cổ phiếu) của VN-Index năm nay dự báo ở mức 11,5 lần, thấp hơn trung bình 5 năm (13,4 lần). “Với mức định giá này thì ‘cửa tăng’ của VN-Index vẫn sáng trong nửa cuối năm và sang 2025”, nhóm phân tích từ SSI Research nhận xét.

Chứng khoán MiraeAsset dự báo VN-Index hướng tới ngưỡng 1.320-1.340 điểm. Thậm chí, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) kỳ vọng chỉ số của sàn HoSE có thể cán mốc 1.400 điểm trong nửa cuối năm nay.

Báo cáo của Chứng khoán MB (MBS) và Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tuy cùng nêu quan điểm tích cực về thị trường, đội ngũ phân tích của cả hai vẫn lưu ý về hai rủi ro chính là tỷ giá và lạm phát. Với tác động trái chiều của hai yếu tố trên, VDSC cho rằng thị trường nửa cuối năm vẫn giữ mức biến động như hai tháng qua. Cụ thể, mùa công bố kết quả kinh doanh quý II sắp tới có thể giúp VN-Index có cơ hội quay lại ngưỡng 1.300 điểm. Tuy nhiên, vấn đề tỷ giá và rủi ro tăng lãi suất điều hành có thể khiến chỉ số quay về ngưỡng 1.240 điểm hoặc thậm chí 1.180-1.220 điểm trong quý III.

Với các yếu tố tác động trái chiều, nhóm phân tích của SSI Research cho rằng sự thận trọng quan sát trong giai đoạn này là cần thiết khi rủi ro thị trường chung đang gia tăng. “Nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi vùng giá thật sự hấp dẫn, tập trung câu chuyện riêng của từng cổ phiếu để giải ngân, trong khi vẫn giữ các cổ phiếu được kỳ vọng tăng trưởng mạnh”, chuyên gia của SSI Research khuyến nghị.

Theo Linh Đan/Kinh tế Chứng khoán