QC 1
Thứ 4, ngày 24/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Dự án chống ngập gần 10.000 tỷ: Tập đoàn Trung Nam sẽ có mặt bằng sạch trước ngày 30/06?

UBND TP. HCM vừa giao các cơ quan, đơn vị liên quan sớm triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ Dự án Giải quyết ngập do triều cường có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (Giai đoạn 1).

Theo đó, Sở Xây dựng được giao sớm bố trí quỹ nhà, đất phục vụ tái định cư cho cư dân vùng Dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ tả thượng lưu cầu Xóm Củi, huyện Bình Chánh và các dự án khác trên địa bàn huyện.

Sau khi tái khởi động lại dự án, hiện nay tất cả các hạng mục đã được triển khai, tiến độ đạt 72%. Cụ thể, cống Bến Nghé đạt 70%, dự kiến xong trong năm 2019; cống Tân Thuận đạt 62%, dự kiến hoàn thành đầu năm 2020.

TP. HCM thúc tiến độ dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng

Riêng cống Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định mới chỉ đạt tiến độ từ 60 đến 85% do vướng mặt bằng. Cống Phú Định đạt tiến độ 65%; tiến độ đê – kè đạt 60%, dự kiến hoàn thành trong năm 2019.

Theo đại diện Tập đoàn Trung Nam, vướng mắc lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải đó là khâu đền bù giải phóng mặt bằng.

Hiện tại, còn hơn 100 hộ dân và một số tổ chức chưa di dời, bàn giao mặt bằng.

Cam kết bàn giao mặt bằng trước ngày 30/06

Trước đó, liên quan đến dự án này, sáng ngày 29/05, Thường trực HĐND TP. HCM đã có buổi làm việc với lãnh đạo 5 quận, huyện có dự án đi qua và Công ty Trung Nam BT 1547 – đơn vị thực hiện dự án, để thúc đẩy tiến độ bàn giao mặt bằng.

Được biết, dự án trên (có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng) đang chậm thi công nhiều hạng mục do vướng mặt bằng thi công và vấn đề đền bù, tái định cư cho người dân sau khi giải phóng mặt bằng.

Tại buổi làm việc, quận 4 và huyện Nhà Bè, Bình Chánh cho biết, sẽ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư theo đúng cam kết vào ngày 30/06/2019.

Tuy nhiên, còn một số hộ chưa nhận được tiền bồi thường nên đề nghị Trung Nam chuyển tiền sớm để địa phương chi cho người dân. Với quận 7 và quận 8, một số trường hợp bị vướng về pháp lý nên khả năng bàn giao mặt bằng đúng hạn là rất khó khăn.

Cụ thể, quận 7 còn vướng 16 hộ đều thuộc diện lấn chiếm kênh rạch nên chỉ nhận được hỗ trợ. Tuy nhiên hiện vẫn chưa xong thủ tục chi trả khiến việc thu hồi mặt bằng bị chậm.

Quận 8 hiện vướng mặt bằng 13 hộ nằm ngay khu vực xây dựng nhà điều hành công trình cống Phú Định. Một trong số 13 hộ này ban đầu kiểm tra thuộc đất ở nhưng sau đó phát hiện là đất nông nghiệp nên quận phải điều chỉnh pháp lý và đang đợi hướng dẫn đơn giá đền bù.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, đây là dự án lớn, có nhiều khó khăn, phức tạp nhưng đến nay đã tạm thời tháo gỡ vướng mắc về thủ tục và sắp tới có nhiều công việc phải làm. Do đó, ông yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện liên quan vào cuộc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư triển khai thực hiện, sớm đưa dự án vào sử dụng.

Kết lại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TP. HCM tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, giao ban hàng tuần để kiểm tra tiến độ thực hiện nhằm có chỉ đạo tháo gỡ kịp thời. Đây là công trình trọng điểm phải sớm đẩy nhanh tiến độ đưa vào hoạt động.

Đối với các quận, huyện, sở, ngành phải tập trung quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án.

“Việc vận động người dân không được máy móc, khô khan mà phải tiếp xúc, chia sẻ về dự án, cái lợi cho cho người dân để người dân hiểu. Tránh trường hợp làm căng, người dân cũng căng thì không hay”, bà Lệ nói.

Bên cạnh đó, giữa thành phố và các quận, huyện phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, cùng tháo gỡ vướng mắc với quyết tâm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đúng ngày 30/0/2019 như cam kết tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy thành phố Nguyễn Thiện Nhân hôm 12/03.

Sau hơn 10 tháng tạm ngừng thi công, mới đây, dự án đã bắt đầu thi công trở lại ở nhiều hạng mục
Dự án trọng điểm chống ngập

Hiện nay hệ thống tiêu thoát nước tại TP. HCM đã khá cũ kỹ, chắp vá; hệ thống quản lý và cải thiện hệ thống cống chưa đồng bộ và không khoa học. Hơn nữa, thành phố lại nằm ở vùng trũng thấp của khu vực Đông Nam Bộ, nơi tập trung nhiều cửa sông lớn thuộc hệ thống sông Đồng Nai, lại sát với biển nên luôn chịu sự ảnh hưởng biến động từ dòng chảy của sông và triều cường từ biển; 60% đất đai có cao trình thấp dưới 2m, cao trình ở vùng trũng chỉ từ 0 – 5m nên luôn chịu sự ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của triều cường. 8% diện tích là sông ngòi, kênh rạch khiến thủy triều dễ dàng ảnh hưởng và gây ngập nước.

Diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, xuất hiện nhiều cơn mưa lớn, kéo dài, trong khi cống rãnh thường xuyên bị tắc do rác thải sinh hoạt, dẫn đến việc ngập nặng các con đường trong thành phố. Hiện nay, ngập úng trong thành phố là do nguyên nhân mưa lớn và triều cao từ biển.Vì vậy, dự án chống ngập trị giá 10.000 tỷ đồng khi hoàn thành sẽ giúp TP. HCM kiểm soát được triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực trung tâm thành phố và phía bờ hữu sông Sài Gòn. Các hạng mục của dự án triển khai tại 4 quận và 2 huyện gồm: quận 1, quận 4, quận 7, quận 8 và huyện Nhà Bè, Bình Chánh.

Khi hoàn thành, dự án còn chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị thông qua hệ thống trạm bơm đặt tại các cống kiểm soát triều; hỗ trợ trữ nước mưa khi có mưa kết hợp với triều cường; góp phần cải tạo cảnh quan và môi trường nước trong khu vực dự án; khống chế mực nước cao nhất phía thượng lưu các cống lớn không cao hơn +1.0m và mực nước cao nhất trên các kênh trục chính ở khu vực trung tâm (cầu Chữ Y, Tân Hóa – Lò Gốm…) không vượt quá +1,3 m, đồng thời cải thiện khả năng tiêu thoát nước chống ngập do mưa của hệ thống tuyến cống cấp 1.

Được biết dự án động thổ vào tháng 06/2016, nhưng do gặp một số vướng mắc nên dự án tạm ngừng thi công 10 tháng và hiện đã triển khai thi công trở lại các hạng mục công trình.

Theo Văn Thắng/Thời báo chứng khoán