QC 1
Thứ 4, ngày 24/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Dự án đội vốn, chậm tiến độ kéo dài và câu chuyện của Bộ GTVT

“Trong khi thực hiện các dự án đường sắt đô thị, Bộ thấy rằng tổng thầu xây dựng rất tốt nhưng khi vận hành đường sắt thì thiếu kinh nghiệm bởi khi thi công đường sắt với vận hành các tàu đường sắt đô thị khác nhau. Hiện, Bộ đang làm việc với các bên của Trung Quốc để làm sao cải thiện tình hình để sớm đưa dự án đi vào vận hành”.

Rót 2.200 tỷ cho 69 dự án đội vốn

Sáng 05/06, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã trả lời chất vấn của các đại biểu tại phiên làm việc của Quốc hội.

Ông Thể cho biết, giao thông vận tải là ngành có vai trò quan trọng của đời sống kinh tế – xã hội. Trong những năm qua, Bộ đã cố gắng đầu tư thực hiện nhiều dự án hạ tầng quan trọng. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông của nhiều khu vực vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Với nguồn vốn được bố trí hạn hẹp, Bộ sẽ ưu tiên cho các dự án trọng điểm trước.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể

Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (đoàn Hoà Bình) đặt câu hỏi: Hiện cả nước có 69 dự án hạ tầng giao thông bị đội vốn, nợ đọng. Vấn đề này sẽ được Bộ Giao thông xử lý ra sao?

Bộ trưởng cho biết, 69 dự án giao thông trọng điểm này nằm rải rác ở nhiều địa phương trên cả nước. Các dự án này đều đã thực hiện xong. Bộ đang đề xuất bố trí vốn khoảng 2.200 tỷ đồng để giải quyết dứt điểm nợ đọng đối với các dự án này.

Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) đặt câu hỏi: Hiện nay Bộ đang tập trung đầu tư nhiều dự án trọng điểm tại các thành phố lớn tuy nhiên những vùng như Đồng bằng sông Cửu Long hay vùng núi phía Bắc lại chưa được đầu tư tương xứng. Bộ có giải pháp gì để khắc phục?

Bộ trưởng Thể trả lời, hiện nay vùng Đồng bằng sông Cửu Long và miền núi phía Bắc chất lượng. Tuy nhiên để xây dựng dự án ở những vùng này thì chi phí đầu tư lại cao hơn rất nhiều do phải vận chuyển nguyên vật liệu, di chuyển khó khăn… để khắc phục Bộ sẽ kiến nghị Quốc hội bố trí vốn nhiều hơn để xây dựng, nâng cấp chất lượng giao thông của những vùng này.

Dự án án chậm tiến độ, đội vốn nghìn tỷ: Bộ trưởng nói gì?

Cũng tại phiên thảo luận, Các đại biểu yêu cầu Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm khiến các dự án giao thông liên tục đội vốn, chậm tiến độ, đặc biệt là các dự án đường sắt đô thị tại TP. HCM, Hà Nội.

Về việc dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông do Bộ GTVT là chủ đầu tư và phê duyệt từ 2009 với số vốn ban đầu là 8.769 tỷ, sau đó được điều chỉnh nâng lên thành 18.000 tỷ đồng vào năm 2016; dự án dự kiến đưa vào vận hành năm 2013 nhưng đến nay chưa đưa vào vận hành thương mại, Đại biểu Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) đặt vấn đề: “Xin hỏi Bộ trưởng lý do gì mà đến nay chạy thử rồi mà vẫn chưa được đưa vào vận hành? Có xem xét trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc đội vốn, kéo dài hay không?”.

Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông chưa thể biết ngày vận hành chính thức

Bộ trưởng Thể cho biết, trong khi thực hiện các dự án đường sắt đô thị, Bộ thấy rằng tổng thầu xây dựng rất tốt nhưng khi vận hành đường sắt thì thiếu kinh nghiệm bởi khi thi công đường sắt với vận hành các tàu đường sắt đô thị khác nhau. Hiện, Bộ đang làm việc với các bên của Trung Quốc để làm sao cải thiện tình hình để sớm đưa dự án đi vào vận hành.

Hiện nay thiết bị đã cung cấp 99%, các hạng mục cũng đã xong 99%, còn lại là một số hạng mục nhỏ, các công tác xây lắp và đặc biệt là phải chứng minh được an toàn hệ thống. Bộ Giao thông đã thuê một tư vấn nước ngoài trong đó Pháp là chủ trì sẽ đánh giá an toàn hệ thống, nếu như tổng thầu cung cấp thông tin không chuẩn thì tư vấn sẽ không thông qua được phương án an toàn hệ thống. Do đó hiện nay, Bộ cùng với Tổng thầu cùng với các cơ quan liên quan cố gắng kết thúc các công việc còn lại, khi đảm bảo an toàn hệ thống thì chúng ta mới có thể vận hành thương mại được.

Theo tư lệnh ngành giao thông, đa số các dự án đội vốn đa rơi vào các dự án đường sắt đô thị và đây là công nghệ mới, chủ yếu được phê duyệt trước giai đoạn 2008. Giai đoạn 2008 – 2009 là thời gian khủng hoảng nghiêm trọng, riêng năm 2009 trượt giá gần 20%. Theo thống kê từ 2009 – 2013 trượt giá đến 49%.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoạn Nghệ An) tranh luận, Bộ trưởng trả lời còn né tránh, bởi không phải chỉ có 5 dự án đường sắt bị đội vốn mà trong tài liệu kiểm toán được đại biểu nghiên cứu còn nhiều dự án đội vốn rất lớn như dự án đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh có 6 lần điều chỉnh và tăng mức đầu tư lên 3.956 tỷ, dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ của Ninh Thuận điều chỉnh 3 lần tăng 2.687 tỷ đồng, dự án tỉnh lộ Lộ tẻ và Rạch Giỏi là điều chỉnh 3 lần tăng 147 tỷ.

“Quan điểm của tôi là phải quy trách nhiệm đến cùng những cá nhân nào để gây ra tình trạng thất thoát lãng phí này”, đại biểu Cầu nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn thể cho biết, trong 3 dự án mà đại biểu Cầu nêu thì có 2 dự án là địa phương quản lý. Bộ chỉ nêu một số dự án có mức vượt lớn còn những dự án mấy chục tỷ hoặc là một hai trăm tỷ được thể hiện trong báo cáo kiểm toán thì tất các cơ quan từ Bộ GTVT, UBND các địa phương, chủ đầu tư căn cứ vào kết quả kiểm toán để xứ lý các tổ chức, cá nhân sai phạm.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Ðông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5 km. Tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD sau đó bị đội lên 891,9 triệu USD (sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc và đối ứng của Việt Nam).

Dự án khởi công tháng 10/2011; ban đầu dự kiến dự án hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại từ tháng 06/2015; sau đó lùi tới: tháng 06/2016, rồi tháng 12/2016, tháng 02/2017, tháng 10/2017, quý II/2018, cuối năm 2018, tháng 04/2019. Tuy nhiên, tới nay dự án vẫn chưa hẹn ngày về đích.

Dự án metro Bến Thành – Suối Tiên có chiều dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP. HCM) và thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương), trong đó có 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Đây là tuyến metro đầu tiên của TP. HCM được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của JICA gồm 3 gói thầu và được khởi công từ tháng 08/2012. Ban đầu metro số 1 dự kiến đưa vào khai thác năm 2018, nhưng trong quá trình thi công dự án bị đội vốn từ 17.388 tỷ lên 47.325 tỷ đồng. Thời gian vận hành dự kiến đẩy lùi sang năm 2020.

Theo Yến Thanh/Thời báo chứng khoán