QC 1
Thứ 5, ngày 18/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Dự báo kinh tế: Việt Nam tiếp tục nhập siêu vào năm 2020?

Tiếp tục phiên họp thứ 38, sáng 15/10 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về các báo cáo kinh tế, xã hội, ngân sách và đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019, xây dựng kế hoạch 2020, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội…

Theo đánh giá của cơ quan thẩm tra, lạm phát diễn biến tương đối ổn định. Mặc dù giá thực phẩm (thịt lợn) trong nước tăng cao do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng đầu năm chỉ tăng 2,5% so với bình quân cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây và thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 4% của Quốc hội.

Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ phân tích cụ thể kinh nghiệm kiềm chế lạm phát trong bối cảnh giá một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước quản lý tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình tăng giá, giá thực phẩm có xu hướng tăng mạnh hơn do nguồn cung giảm…

Theo Bộ Công Thương, giá bán điện bình quân tăng 8,36% từ ngày 20/3/2019 làm chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 0,29%. Từ ngày 1/5/2019, 10 dịch vụ khám chữa bệnh, 6 dịch vụ ngày giường bệnh, 1.937 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm tại các bệnh viện ở Hà Nội được điều chỉnh giá, phần lớn tăng giá… cơ quan thẩm tra nêu thông tin cụ thể.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, trong lĩnh vực ngân hàng, một số ý kiến cho rằng việc triển khai cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc, việc yêu cầu tăng vốn điều lệ để đáp ứng chuẩn mực vốn theo thông lệ quốc tế đặt ra thách thức không nhỏ đối với các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.

Việc thực hiện nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vẫn chưa mang lại nhiều hiệu quả như mong đợi; còn một số khó khăn, vướng mắc nhất là công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp và địa phương.

Theo đó, một số ý kiến cho rằng, cần báo cáo rõ hơn về tính hiệu quả của các chính sách hỗ trợ vốn tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa; việc kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, đầu tư kinh doanh chứng khoán; báo cáo cụ thể về việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động của các doanh nghiệp công nghệ tài chính và những tác động, rủi ro tiềm tàng trong bối cảnh lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) phát triển mạnh hiện nay cũng là ý kiến được nêu tại báo cáo thẩm tra.

Xem xét các chỉ tiêu chủ yếu Chính phủ trình cho năm sau, về chỉ tiêu tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 7%, cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ cơ sở của chỉ tiêu này. Vì năm 2019 tổng kim ngạch xuất khẩu ước tăng 7,9% trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu thụ chậm lại dẫn đến kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của nước ta giảm hoặc tăng chậm lại như hàng thủy sản, rau quả, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Có ý kiến đề nghị cân nhắc giữ mục tiêu tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 7-8% (tương tự như mục tiêu đề ra của năm 2019).

Bên cạnh đó, chỉ tiêu tăng GDP năm 2020 là khoảng 6,8% (tương tự như kết quả ước đạt năm 2019), trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 khoảng 7% (thấp hơn kết quả ước đạt năm 2019).

Cơ quan thẩm tra đề nghị phân tích rõ hơn căn cứ xây dựng chỉ tiêu tăng GDP thông qua các yếu tố đóng góp vào GDP năm 2020 (so sánh với năm 2019) như tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, chi tiêu của Chính phủ, đầu tư tích lũy tài sản.

Đáng chú ý năm 2020, Chính phủ xác định tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.

Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị làm rõ cơ sở của việc xác định chỉ tiêu này hàng năm (chỉ tiêu này không thay đổi trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội) để phù hợp kết quả thực tế.

“Trong 3 năm gần đây, Chính phủ đều trình Quốc hội tỷ lệ nhập siêu bằng 3% tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng kết quả thực tế là xuất siêu”, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên
Trước đó tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội chiều 4/10, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên đã đặt câu hỏi: Ba năm liền đều dự báo nhập siêu, nhưng kết quả là cả 3 năm liền xuất siêu. Vậy thì dự báo này để làm gì, giúp cho việc gì?… Cụ thể, mục tiêu Quốc hội giao là tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%, ước thực hiện cả năm xuất siêu 0,4%. Báo cáo cũng nêu lại kết quả của năm 2018 là xuất siêu 2,8%.
Thời điểm đó, cơ quan thẩm tra đã lưu ý là năm 2019 chỉ tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 – 8% và tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3% đều thấp hơn so với năm 2018. Trong khi chỉ tiêu tăng trưởng GDP đặt ra ở mức 6,6 – 6,8% (tương đương với mục tiêu ước đạt của năm 2018). Sau đó Chính phủ vẫn trình và Quốc hội vẫn quyết định chỉ tiêu cho năm 2019 là GDP tăng 6,6 – 6,8%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu là dưới 3%.
Liên quan đến vấn đề này, trước thềm kỳ họp thứ sáu của Quốc hội (tháng 10/2018) Uỷ ban Kinh tế cũng từng đặt vấn đề khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ là: Kết quả của các năm 2016, 2017 và 2018 đều là xuất siêu nhưng 2019 Chính phủ lại nêu chỉ tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.
Nếu nhìn vào chỉ tiêu dự kiến cho năm 2020 là GDP tăng 6,8%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3% (như năm 2018), có thể thấy sự cần thiết của câu hỏi mà Phó chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên đặt ra ở trên, rằng năm nào cũng dự báo nhập siêu, kết quả đều xuất siêu thì dự báo để làm gì?
Theo Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh thì Chính phủ cần phân tích rõ hơn một số chỉ tiêu. Ông Sinh phân tích: Nhìn vào cơ cấu nền kinh tế thì thấy sản xuất công nghiệp tăng, trong đó dựa vào 3 trụ cột chính là điện tử, da giày và dệt may. Nhưng điện tử chủ yếu là của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, còn da giày và dệt may thì chủ yếu gia công. Dịch vụ tăng thấp, nông lâm thuỷ sản thì giảm.
Dựa trên con số tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2019 là 33,8% (mục tiêu 33-34%), ông Sinh băn khoăn: Tổng mức đầu tư toàn xã hội không tăng mấy mà GDP tăng cao như vậy thì tăng trưởng lấy từ đâu ra?.
Nhận định nếu không có khai khoáng thì tăng trưởng chung chưa chắc đã đạt được, đại biểu Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) phân tích: Tổng thu ngân sách cho thấy thu từ tài nguyên rất nhiều. Bản chất của vấn đề này là bán nguồn thu chứ không phải là tăng trưởng của nền kinh tế.
Từ đó, ông Chung đề nghị khi tính GDP nên tách những phần này ra để thấy rõ bức tranh tăng và có điều kiện phân tích kỹ thêm chỉ số phát triển.Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế Phùng Văn Hùng cho rằng cần đánh giá các trụ cột tăng trưởng là gì, từ đó mới biết tăng trưởng này có bền vững hay không.

Quân Vương/Thời báo Chứng khoán