QC 1
Thứ 5, ngày 18/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Dự báo nhu cầu dầu tăng trong hai thập niên tới

Ngày 28/9, tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng từ nay đến năm 2045. Hồi tháng 5/2021, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo rằng nhu cầu dầu sẽ giảm trong những thập niên tới để thế giới có thể đạt các mục tiêu về khí hậu.

Triển vọng dầu mỏ thế giới của OPEC đang có xu hướng khác với dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Hồi tháng 5/2021, IEA đã cảnh báo rằng nhu cầu dầu sẽ giảm trong những thập niên tới để thế giới có thể đạt các mục tiêu về khí hậu.

Nhu cầu và giá dầu đã giảm mạnh khi đại dịch bùng phát vào năm 2020, nhưng sau đó đều đã phục hồi trong năm nay trong bối cảnh các nền kinh tế “hồi sức” sau cuộc khủng hoảng COVID-19.

Theo báo cáo Triển vọng Dầu Thế giới của OPEC, các nước đang phát triển sẽ là động lực chính thúc đẩy nhu cầu, trong khi ở các nước phát triển hơn, nhu cầu “vàng đen” sẽ bắt đầu giảm từ năm 2023.

Ảnh minh họa

Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho hay nhu cầu năng lượng và dầu mỏ đã tăng đáng kể trong năm 2021, sau khi giảm mạnh trong năm 2020. OPEC dự báo trong dài hạn, nhu cầu dầu sẽ tiếp tục tăng. Cụ thể, theo OPEC, nhu cầu dầu sẽ tăng từ 90,6 triệu thùng/ngày lên 108,2 triệu thùng/ngày trong giai đoạn năm 2020 – 2045.

Theo OPEC, nhu cầu dầu trên thế giới sẽ tăng nhanh trong vài năm tới trước khi chậm lại và gần như giữ nguyên sau năm 2035, khi đạt 107,9 triệu thùng/ngày.

OPEC cho biết thêm dầu sẽ vẫn “chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng mức tiêu thụ các loại năng lượng trên thế giới” trong giai đoạn năm 2020 – 2045, dù cho năng lượng tái tạo sẽ chứng kiến mức tăng trưởng lớn nhất.

Goldman Sachs: Giá dầu thô có thể thiết lập đỉnh mới 90 USD/thùng

Mới đây, ngân hàng Goldman Sachs đã nâng dự báo giá dầu thô Brent cuối năm lên 90 USD/thùng từ mức 80 USD/thùng nhờ nhu cầu nhiên liệu phục hồi nhanh sau làn sóng biến chủng virus Delta. Đồng thời, cơn bão Ida làm ảnh hưởng đến sản lượng và nguồn cung toàn cầu tiếp tục bị thắt chặt.

Giá dầu Brent giao sau đạt đỉnh 3 năm ở mức 80 USD/thùng vào tuần trước do nguồn cung bị gián đoạn, buộc các công ty năng lượng phải dùng đến lượng lớn dầu thô dự trữ trong kho.

“Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực đối với triển vọng thị trường dầu thô trong thời gian tới. Hiện, sự thiếu hụt cung cầu đang nghiêm trọng hơn những gì chúng tôi dự báo khi nhu cầu toàn cầu đang phục hồi trong khi nguồn cung vẫn đang thấp”, Goldman cho biết.

Đầu tháng 9, OPEC và các nước đồng minh (OPEC+) đồng ý duy trì thỏa thuận tăng sản lượng được ký kết hồi tháng 7.

Tuy nhiên, cơn bão Ida khiến hoạt động khai thác của OPEC+ bị gián đoạn và xóa toàn bộ nỗ lực của các nước trong việc tăng sản lượng kể từ tháng 7 đến nay.

Cơn bão Ida và Nicholas, quét qua Vịnh Mexico vào đầu tháng này đã làm hư hại nhiều giàn khoan, đường ống và các trung tâm chế biến, buộc phải đóng cửa hầu hết các hoạt động sản xuất ngoài khơi trong nhiều tuần lễ.

Goldman dự báo bước sang quý II/2022, giá dầu thô có thể giảm xuống 80 USD/thùng vì khả năng Iran và Mỹ có thể đạt được thỏa thuận hạt nhân váo cuối quý I/2022.

Theo Linh Linh/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/du-bao-nhu-cau-dau-tang-trong-hai-thap-nien-toi-102981.html