QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Dự báo xuất khẩu tôm quý II/2021 tăng trưởng 20%

Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) 4 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 962 triệu USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo trong quý II, tổng giá trị xuất khẩu tôm có thể tăng hơn 20%.

VASEP đánh giá kết quả tích cực này phản ánh sự nắm bắt nhạy bén thị trường của các doanh nghiệp tôm Việt Nam để vượt qua trở ngại của nhiều làn sóng COVID-19.

Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm, khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, tổng giá trị xuất khẩu đạt 297 triệu USD, tăng 7,6%, chiếm gần 31%, so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, trong tháng 4, giá trị xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 178 triệu USD, tăng gần 6% so với tháng 3. Đây được coi là cú lội ngược dòng khi trước đó, trong quý I, giá trị xuất khẩu giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.

Một thị trường nổi bật trong khối thị trường CPTPP là Australia, giá trị xuất khẩu tôm trong tháng 4 tăng mạnh hơn 177% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 4 tháng đầu năm, Australia có giá trị xuất khẩu khá ấn tượng đạt 55%, tăng 65,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh trong quý II/2021 (Ảnh minh họa)

Bên cạnh CPTPP, Mỹ và EU là 2 thị trường xuất khẩu tôm lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, theo dự đoán của nhiều nhà nhập khẩu, trong quý I, nhu cầu nhập khẩu của hai thị trường lớn này sẽ là hai thái cực trái ngược hoàn toàn.

Tính tới hết tháng 4, tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU vẫn đạt gần 146 triệu USD, tăng 18,5%. Riêng tháng 4, giá trị xuất khẩu đạt gần 50 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

4 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc 98,5 triệu USD, giảm nhẹ 0,7% so với cùng kỳ năm 2020. Còn, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc – Hồng Kông đạt 98 triệu USD, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước.

Hai thị trường nhập khẩu tôm khá lớn tại Châu Á với sức tiêu thụ khá lớn và ổn định. Tuy nhiên, xu hướng gia tăng sản phẩm tôm nhập khẩu khá khác biệt nhau, trong khi Hàn Quốc đang gia tăng nhập khẩu tôm chân trắng thì Trung Quốc lại tăng nhập khẩu các sản phẩm tôm biển.

Theo VASEP, tính riêng trong tháng 4, duy chỉ giá trị xuất khẩu tôm sang Trung Quốc – Hồng Kông và Nga giảm lần lượt 9,4% và 9% so với cùng kỳ năm 2020. Các thị trường xuất khẩu khác trong top 10 đều tăng trưởng dương khả quan.

Xuất khẩu tôm Việt Nam có nhiều dấu hiệu tích cực ở một số thị trường lớn. Dự báo trong quý II, tổng giá trị xuất khẩu tôm có thể tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước do giá trị xuất khẩu ở hầu hết thị trường sẽ phục hồi hoặc tăng trưởng dương.

4 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu tôm của top 10 doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam đạt 452 triệu USD, chiếm 47% tổng xuất khẩu tôm của cả nước. Trong đó, Minh Phu Seafood Corp, Stapimex và Minh Phu Hau Giang vẫn tiếp tục là 3 doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu dẫn đầu.

Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam, tháng 1 đến tháng 4 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)

Xuất khẩu thủy sản dự báo tăng trưởng khả quan ở Mỹ và EU

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 4 xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt 149 triệu USD, tăng 2% so với tháng 3/2021.

Xuất khẩu thủy sản tháng 4 tiếp tục phục hồi sau khi gặp khó khăn trong năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021 do dịch COVID-19 làm giảm nhu cầu tiêu thụ của nhiều thị trường và ảnh hưởng đến hoạt động logistics.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn và nhiều tiềm năng nhất trong 4 tháng đầu năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu đạt 484 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Với sự tăng trưởng khả quan trong tháng 3 và tháng 4, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 đã phục hồi về mức trước đại dịch khi tăng 2,7% so với 4 tháng đầu năm 2019.

Tỷ trọng xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ tăng từ 15,9% trong tổng trị giá xuất khẩu mặt hàng của cả nước 4 tháng đầu năm 2019, lên 19,5% trong 4 tháng đầu năm 2021.

Mặc dù, dịch COVID-19 tại Mỹ diễn biến phức tạp trong cả năm 2020 và đầu năm 2021, nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ thủy sản của nước này vẫn tăng cho thấy người tiêu dùng Mỹ có xu hướng tăng lựa chọn thủy sản trong bữa ăn.

Cục Xuất nhập khẩu nhận định kinh tế Mỹ có tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của người tiêu dùng tăng cao. Cục dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong các tháng tới sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan ở Mỹ và EU, đặc biệt khi các nhà hàng được mở cửa trở lại.

Bên cạnh đó, khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát, cơ cấu sản phẩm tiêu dùng sẽ có những thay đổi nhất định. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần chủ động liên hệ với đối tác và xây dựng phương án để bắt kịp xu hướng thay đổi của thị trường trong thời gian tới.

Theo Thu Uyên/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/du-bao-xuat-khau-tom-quy-ii2021-tang-truong-20-94635.html