QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Du lịch 2022 khởi sắc, góp phần phục hồi kinh tế

Sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, ngành du lịch quốc tế đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ khi nhiều nước dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại và mở cửa biên giới.

Sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục. Một số nước gỡ bỏ giãn cách xã hội, xây dựng chính sách, thúc đẩy du lịch phát triển. Năm 2022, ngành du lịch nhiều quốc gia đã phát triển trở lại, đóng góp vào quá trình phục hồi kinh tế trên thế giới. 

Thái Lan tạo điều kiện cho du khách nước ngoài ở lại lâu hơn

Thái Lan đã tạo điều kiện dễ dàng hơn để khách quốc tế có mức chi tiêu cao ở lại nước này lâu hơn, khi lượng lớn du khách Trung Quốc chưa thể đến Thái Lan do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vừa nới lỏng chính sách phòng chống dịch; trong khi đó, du khách từ Mỹ và châu Âu đã giảm do khủng hoảng kinh tế.

Chùa thuyền Wat Yannawa – một trong những điểm đến không thể bỏ qua khi tới Thái Lan. Ảnh minh họa 

Từ tháng 9, nhà chức trách Thái Lan bắt đầu cấp thị thực cư trú dài hạn, cho phép người nước ngoài, chủ yếu là lao động có tay nghề cao, những người có tài sản và đầu tư ở Thái Lan ít nhất 1 triệu đô la Mỹ và những người nghỉ hưu từ 50 tuổi trở lên có lương hưu hằng năm hoặc thu nhập ổn định, lưu trú tới 10 năm.

Chính phủ Thái Lan hy vọng chính sách mới sẽ thu hút khoảng 1 triệu người nước ngoài trong vòng 5 năm và đem về cho “xứ sở chùa Vàng” khoảng 26 tỉ đô la Mỹ/năm từ các khoản đầu tư, mua nhà…

Kế hoạch quảng bá du lịch năm 2023 của Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cho thấy rõ mục tiêu đa đạng hóa các thị trường và phân khúc khách hàng. Thông qua chiến dịch đồng quảng cáo với các thương hiệu hàng đầu, Thái Lan chú trọng quảng bá đất nước như một điểm đến thường xuyên cho những người du lịch chữa bệnh, các gia đình có trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người vừa du lịch vừa làm việc.

Các hoạt động tiếp thị chiến lược dự kiến được triển khai tại các thị trường mới, như Saudi Arabia và các thành phố lớn của Mỹ, thông qua quan hệ đối tác với các hãng hàng không. Kế hoạch trên cũng phù hợp với mô hình kinh tế “Xanh – Tuần hoàn – Sinh học” mà chính phủ đang thúc đẩy, nhằm vực dậy ngành du lịch theo hướng an toàn và bền vững.

Indonesia giảm 15% giá vé máy bay nội địa

Từ tháng 9, quốc gia Đông Nam Á này đã giảm 15% giá vé máy bay nội địa như một phần của kế hoạch tiếp thêm sức mạnh cho ngành du lịch.

Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia kêu gọi các hãng hàng không bổ sung các đường bay mới, trong khi giá nhiên liệu hàng không sẽ được giữ nguyên để hỗ trợ các hãng bay duy trì mức giá rẻ cho du khách.

Du lịch Indonesia.

Indonesia còn giới thiệu những món ăn truyền thống tới du khách quốc tế ngay tại cửa khẩu hàng không ở đảo du lịch Bali. Khi mua mỗi món ăn, du khách được tặng thêm một gói các gia vị khác nhau của Indonesia. Đây là một phần trong chương trình “Thêm gia vị cho thế giới” nhằm quảng bá văn hóa ẩm thực và nâng cao giá trị xuất khẩu các loại gia vị nổi tiếng lên 2 tỉ đô la Mỹ.

Tháng 9 vừa qua, Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo nước này cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với công ty phát trực tuyến Netflix (Mỹ) nhằm giới thiệu và quảng bá văn hóa của Indonesia tới khán giả toàn cầu.

Lào khuyến khích du lịch thân thiện với môi trường

Khách với Thái Lan và Indonesia, Lào thu hút khách du lịch quốc tế bằng cách khuyến khích du lịch chậm và thân thiện với môi trường.

Du lịch chậm chỉ cách đi du lịch có ý thức hơn, ở đó du khách đắm mình vào văn hóa, ẩm thực, âm nhạc và con người địa phương, với những kỷ niệm khó quên, thay vì chỉ ghé thăm các địa điểm du lịch nổi tiếng tại địa phương.

Một địa điểm du lịch tại tỉnh Luang Prabang được du khách nước ngoài ưa thích khi đi du lịch Lào. (Ảnh: Xuân Sơn) 

Theo tạp chí National Geographic, Lào là điểm đến đầu tiên được đánh giá cao vì những nỗ lực bảo tồn; những đổi mới trong du lịch sinh thái, bền vững và du lịch hòa nhập; những biện pháp có ý nghĩa để khách du lịch nhớ đến và trở lại.

Lào đã được tạp chí uy tín trên bình chọn vào danh sách 5 địa điểm thích hợp nhất cho du lịch chậm và là quốc gia châu Á duy nhất góp mặt trong bảng xếp hạng mới của National Geographic.

Tỷ lệ phục hồi du lịch của Việt Nam đạt 18,1%

Việt Nam đã là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa trở lại sau mùa dịch Covid-19, thế nhưng lại có tỷ lệ phục hồi ngành du lịch thấp nhất so với các nước trong vùng. Theo trang VisaGuide.World ngày 20/12/2022, tỷ lệ phục hồi du lịch của Việt Nam hiện chỉ đạt 18,1%, trong khi các nước láng giềng như Singapore, Malaysia hay Cam Bốt đạt tỷ lệ từ 26 đến 31%.

Du lịch Việt Nam phục hồi 18,1%. 

Tổng thu từ khách du lịch trong 11 tháng của năm 2022 ước đạt 456,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 70% so với cùng kỳ năm 2019, trước khi xảy ra dịch bệnh COVID-19.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy 11 tháng của năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt xấp xỉ 3 triệu người, gấp 21,1 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

Lượng khách du lịch nội địa sau 11 tháng của năm 2022 đạt 96,3 triệu lượt, cao hơn tổng lượng khách cả năm 2019.

Theo khảo sát các doanh nghiệp ngành du lịch, lữ hành và vận tải của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) trong tháng 10-11/2022, cho thấy, có đến 32,6% số doanh nghiệp cho biết, doanh thu đã tăng lên trong 9 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước. Chỉ có 14% số doanh nghiệp cho biết doanh thu giảm. 60% doanh nghiệp ghi nhận số lượt hành khách phục vụ hiện tại đang ở dưới mức trước đại dịch, 44,4% trong số đó kỳ vọng sẽ đạt và vượt mức trước đại dịch vào quý 2/2023.

Theo Linh Chi/Kinh tế Môi trường

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/du-lich-2022-khoi-sac-gop-phan-phuc-hoi-kinh-te-74801.html