QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi: Nhiều điểm còn băn khoăn

Có ý kiến cho rằng việc tăng vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 tỷ lên 30 tỷ đồng sẽ hạn chế quyền huy động vốn của doanh nghiệp, khi có tới 98% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa với mức vốn trung bình khoảng 11 tỷ đồng…

Theo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi hiện nay còn nhiều băn khoăn, ý kiến trái chiều cần được làm rõ.

Cụ thể, về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng và điều kiện trở thành công ty đại chúng (Khoản 1 Điều 12 và Khoản 1 Điều 29 của dự thảo Luật), hiện có 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất là đồng tình với quy định nâng điều kiện về mức vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 tỷ lên 30 tỷ đồng để phù hợp với quy mô thị trường chứng khoán (TTCK) hiện tại và nâng cao chất lượng của các công ty đại chúng.

Loại ý kiến thứ hai là không đồng tình và cho rằng quy định tăng vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 tỷ lên 30 tỷ đồng sẽ hạn chế quyền huy động vốn của doanh nghiệp.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với dự thảo Luật và cho rằng việc nâng điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng và điều kiện trở thành công ty đại chúng là cần thiết để nâng cao chất lượng, sự ổn định của cổ phiếu đưa ra TTCK và phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như quy mô TTCK hiện tại.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hiện tại có 81,04% công ty đại chúng có mức vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên, do đó việc tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ lên 30 tỷ đồng sẽ chỉ tác động đến hơn 18% các công ty đại chúng đang hoạt động.

Tuy vậy, một số ý kiến nhất trí với loại ý kiến thứ hai và cho rằng, hiện nay hơn 98% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa với mức vốn trung bình khoảng 11 tỷ đồng. Việc quy định tăng mức vốn điều lệ như dự thảo Luật sẽ là rào cản đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu huy động vốn trên TTCK.

Về điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng (Khoản 2 Điều 12 của dự thảo Luật), có ý kiến cho rằng, điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng tại dự thảo Luật phải được quy định chặt chẽ như phát hành lần đầu để bảo đảm chất lượng của cổ phiếu đưa ra TTCK, hạn chế rủi cho cho nhà đầu tư.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng ý kiến trên là hợp lý và đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát, bổ sung quy định chặt chẽ hơn đối với chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng.

Đối với điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ (Khoản 2 Điều 27 và Điều 28 của dự thảo Luật), có ý kiến cho rằng, quy định tại dự thảo Luật về điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ đang có sự nới lỏng hơn so với quy định hiện hành. Điều này gây ra những rủi ro cho các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng.

Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành ý kiến trên và cho rằng vấn đề phát hành trái phiếu là vấn đề rất quan trọng và tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư nếu không được quản lý và kiểm soát chặt chẽ từ khâu phát hành.

“Quy định tại dự thảo Luật hiện nay chưa bảo đảm kiểm soát được chất lượng trái phiếu doanh nghiệp đưa ra thị trường. Do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát, bổ sung các điều kiện đối với chào bán trái phiếu riêng lẻ trên nguyên tắc ít nhất phải đảm bảo các điều kiện theo quy định hiện hành”, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho hay.

Về Đề án thành lập Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) Việt Nam theo mô hình công ty mẹ – công ty con do Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng về thực chất vẫn duy trì hai công ty con (là SGDCK Hà Nội và TP. HCM) hoạt động cùng một ngành nghề, với chức năng, nhiệm vụ tương tự nhau là chưa phù hợp, đi ngược với xu thế của thế giới, “nhất là trong bối cảnh cuộc cánh mạng công nghiệp 4.0 đang triển khai mạnh mẽ trong lĩnh vực chứng khoán”.

Mặt khác, thời gian qua mô hình công ty mẹ – công ty con cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại hạn chế.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc tổ chức SGDCK Việt Nam theo mô hình công ty mẹ – công ty con vừa phát sinh thêm đầu mối trung gian là SGDCK Việt Nam, vừa gây bất cập đối với công tác quản lý, giám sát 2 SGDCK Hà Nội và TP. HCM của cơ quan nhà nước do phải chỉ đạo thông qua công ty mẹ là SGDCK Việt Nam.

“Điều này không bảo đảm việc chỉ đạo giám sát kịp thời đối với hoạt động của TTCK, đặc biệt trong các trường hợp xảy ra các biến động cần có sự can thiệp ngay để bảo đảm an toàn của thị trường”, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận định. Do đó, ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo thuyết minh, làm rõ cơ sở đề xuất mô hình này.

Một ý kiến rất đáng chú ý được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra là vị trí, vai trò của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Các đại biểu chung quan điểm rằng UBCKNN nên là cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ.

Theo Ủy ban Kinh tế, trước đây cơ quan này trực thuộc Bộ Tài chính nhằm có sự hỗ trợ trong thời kỳ đầu phát triển TTCK, tuy nhiên hiện nay, thị trường đã mở rộng với tốc độ tăng trưởng nhanh, cùng yêu cầu đổi mới, tái cấu trúc, thu hút nhiều hơn nguồn vốn trung – dài hạn, do đó UBCKNN cần vị thế độc lập trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, UBCKNN độc lập sẽ đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO).

Tuy vậy, có ý kiến cho rằng nên sớm có quy định về việc này, trong khi ý kiến khác thì cho rằng trước mắt vẫn để UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính nhưng cần có lộ trình rõ ràng để chuyển thành cơ quan độc lập trong tương lai.

Theo Thanh Long/VietNamFinance