Chỉ số CASA hay tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn của ngành ngân hàng tiếp tục phục hồi mạnh trong quý II giúp ngân hàng giảm thiểu chi phí vốn đầu vào. Tuy nhiên, CASA cải thiện đi kèm với xu hướng tăng trưởng tín dụng được dẫn dắt bởi tín dụng cho các doanh nghiệp lớn lại đưa đến những quan ngại.
Bảng xếp hạng đã thay đổi
Tỷ lệ CASA là một trong những chỉ số quan trọng nhất để đánh giá tiềm lực của một ngân hàng nói riêng và toàn hệ thống nói chung. CASA đã tăng mạnh từ đầu năm 2023 ở mức 18% cho đến nay đã trên 23,4%. Đây là mức biến động rất lớn.
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy MBB tiếp tục duy trì CASA dẫn đầu thị trường, xấp xỉ 38,83% nhờ nền tảng khách hàng lớn và giao dịch qua kênh số. Xếp thứ hai là Techcombank với tiền gửi của khách hàng đạt 481,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm và tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ CASA đạt 37,4% với số dư cao nhất trong lịch sử ở mức hơn 180 nghìn tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Hoài Ân, CFA, chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty Cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp, nhận định MBB và Techcombank đã đầu tư mạnh vào công nghệ số và các sản phẩm dịch vụ tiện ích, giúp thu hút lượng lớn khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán thường xuyên, qua đó tăng cường nguồn vốn rẻ. Việc tập trung bơm tín dụng cho các doanh nghiệp lớn cũng là cách giúp CASA của ngân hàng này tăng mạnh khi dòng tiền duy trì ổn định trong hệ sinh thái kinh doanh của những doanh nghiệp này.
“Một điểm đáng lưu ý đó là dòng vốn tín dụng của nhóm ngân hàng này thường được chảy mạnh vào trong lĩnh vực bất động sản, do đó tỷ lệ CASA phục hồi mạnh ở nhóm này cũng phần nào thể hiện dòng tiền hoạt động của các hệ sinh thái bất động sản và các công ty xây dựng đang cải thiện”, ông Ân nói.
Lý giải về CASA giảm khiến “ngôi vương” phải nhường cho MBB, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank, cho biết: “Nhóm khách hàng khá giả (affluent) đang chuyển tiền nhàn rỗi sang đầu tư vào nhiều lớp tài sản khác nhau như bất động sản, trái phiếu. Do tỷ trọng nhóm khách hàng này lớn, CASA của Techcombank có thể biến động nhiều hơn so với các ngân hàng khác”.
Vietcombank vẫn giữ vững vị trí thứ 3 với tỷ lệ CASA đạt 34,2%, tăng nhẹ 0,3 điểm phần trăm so với mức 33,9% vào cuối năm ngoái. MSB vẫn giữ vị trí thứ 4 trong top các ngân hàng có chỉ số CASA cao nhất, đạt 26,2% dù giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với cuối năm 2023. Trong nhóm 10 ngân hàng có CASA cao nhất còn có những tên như VietinBank, ACB, TPBank, Sacombank, BIDV, VPBank
“VietinBank và BIDV đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong tỷ lệ CASA. Tỷ lệ này đã tăng từ 18% lên 23% – 24%, nhờ vào việc đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán và các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút việc gia tăng cấp tín dụng và cung cấp dịch vụ thanh toán cho hệ sinh thái của các khách hàng doanh nghiệp”, ông Ân nhận định.
Có nhiều ngân hàng tăng trưởng mạnh CASA nhưng cũng không ít ngân hàng ghi nhận tỷ lệ này sụt giảm mạnh so với cùng kỳ như như PGBank giảm 2,8 điểm phần trăm; Bac A Bank giảm 1,8 điểm phần trăm; HDBank giảm 1,3 điểm phần trăm; VietA Bank giảm 0,8 điểm phần trăm; SHB giảm 0,6 điểm phần trăm; ABBank và Nam A Bank giảm đồng hạng 0,5 điểm phần trăm.
Rủi ro đến từ tín dụng và thanh khoản
Ông Ân nhận định CASA cải thiện đi kèm với xu hướng tăng trưởng tín dụng, dẫn dắt bởi tín dụng cho các doanh nghiệp lớn, đem đến cho chúng ta những lo ngại trong giai đoạn này. Minh chứng là tăng trưởng tín dụng cuối năm 2023 đã góp phần thúc đẩy CASA tăng mạnh, tuy nhiên khi tăng trưởng tín dụng gặp khó khăn trong quý I vừa rồi thì tỷ lệ CASA lại sụt giảm mạnh. Kế đến, tỷ lệ CASA lại tiếp tục phục hồi mạnh khi tăng trưởng tín dụng được đẩy nhanh trong quý II vừa rồi.
“Việc CASA được tạo ra phần lớn từ tăng trưởng cho vay khiến cho rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản của các ngân hàng trong giai đoạn này có mối liên kết chặt chẽ với nhau, từ đó góp phần gia tăng rủi ro chung của hệ thống”, ông Ân nhấn mạnh.
Trong diễn biến có liên quan, thị trường chứng kiến lần đầu tiên kể từ đầu năm tới nay, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất OMO. Lần gần nhất Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất OMO là vào cuối năm 2023, sau đó có hai lần tăng loại lãi suất này vào tháng 4 và tháng 5/2024, với mức tăng mỗi đợt là 0,25%/năm. Cụ thể, ngày 5/8 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã cho 7 thành viên của thị trường vay gần 13.669 tỷ đồng qua thị trường mở (OMO – cho vay cầm cố giấy tờ có giá), kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 4,25%/năm. So với phiên trước đó, quy mô cho vay OMO của Ngân hàng Nhà nước đã tăng gấp hơn 2 lần và lãi suất cho vay giảm 0,25%/năm. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng phát hành 3.250 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 14 ngày trong phiên 5/8/2024. Lãi suất trúng thầu là 4,25%/năm, giảm 0,25%/năm so với phiên trước đó.
Giám đốc Khối nguồn vốn một ngân hàng thương mại cổ phần nhận định: “Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất OMO nhằm thiết lập mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp trong thời gian tới và cùng với lãi suất tín phiếu giảm cho thấy định hướng hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng”.
Quả vậy, có 6 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 8, gồm Agribank, Eximbank, HDBank, Sacombank, Saigonbank và TPBank. Trước đó, tính đến cuối tháng 7, tổng cộng đã có 16 ngân hàng (bao gồm 4 ngân hàng lớn: MBB, VPB, Sacombank và BIDV) điều chỉnh lãi suất huy động với mức tăng 0,1% – 0,7%/năm, thậm chí lãi suất ở một vài ngân hàng đã vượt mốc 6%/năm trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng của huy động vốn. Điều này đã khiến các ngân hàng ráo riết tăng lãi suất huy động nhằm nâng cao tính cạnh tranh của kênh tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác trên thị trường.
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, phân tích những mức lãi suất mang tính chất thương mại (huy động từ dân cư và doanh nghiệp, thị trường liên ngân hàng…) đang được điều chỉnh để phù hợp hơn với diễn biến cung cầu vốn trên thị trường, tương quan với lãi suất USD trên thị trường thế giới, với cả lợi tức đầu tư so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, kim loại quý…
Cũng theo ông Quang, các mức lãi suất thương mại nêu trên đã ở mức rất thấp trong 6 tháng cuối năm 2023 do nền kinh tế tăng trưởng chậm, nhu cầu vốn từ nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tín dụng hệ thống ngân hàng tăng hạn chế, các kênh đầu tư khác cũng gặp khó khăn không mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư. Tuy nhiên từ quý II/2024, tình hình kinh tế đã có những bước cải thiện rõ rệt và do vậy mặt bằng lãi suất sẽ tìm đến điểm cân bằng mới.
“Chúng tôi nhận thấy mức lãi suất huy động hiện nay vẫn thấp hơn mức lãi suất trong những năm trước dịch bệnh; trong đó lãi suất cho các kỳ hạn dưới 6 tháng (ngắn hạn) vẫn thấp hơn mức trần quy định. Do vậy, chúng tôi dự báo mặt bằng lãi suất VND trong 6 tháng cuối năm vẫn có thể tiếp tục tăng nhẹ thêm 0,25% đến 0,75%”, ông Quang nói.