QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Đường sắt đô thị Ngọc Hồi – Yên Viên đội vốn gấp 9 lần, Bộ GTVT muốn ‘trả’ dự án về cho Hà Nội

Dù chưa thể triển khai thi công nhưng đến nay, dự án đường sắt đô thị tuyến Yên Viên – Ngọc Hồi đã tăng vốn gấp 9 lần so với ban đầu. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kiến nghị Chính phủ chuyển chủ đầu tư dự án sang UBND TP. Hà Nội, Bộ GTVT chỉ làm chủ đầu tư phần đường sât trong khu tổ hợp ga Ngọc Hồi.

Phối cảnh tổ hợp ga Ngọc Hồi của tuyến metro Yên Viên – Ngọc Hồi

Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị TP. Hà Nội, tuyến số 1 Ngọc Hồi – Yên Viên.

Văn bản của Bộ GTVT cho biết, dự án được Chính phủ chấp thuận báo cáo nghiên cứu tiền khả thi từ năm 2004, với quy mô xây dựng tổ hợp ga và đoạn cầu cạn từ Giáp Bát – Gia Lâm và cầu vượt sông Hồng. Chiều dài toàn tuyến 28,7 km, với tổng mức đầu tư 9.197 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2007-2017.

Dự án sau đó được điều chỉnh và phân kỳ đầu tư lại, trong đó giai đoạn 1 chỉ tập trung đầu tư xây dựng khu tổ hợp ga Ngọc Hồi (tổng mức đầu tư 19.046 tỷ đồng, mục tiêu hoàn thành vào năm 2024).

Dù vậy, đến nay dự án vẫn chỉ đang tập trung công tác giải phóng mặt bằng, thiết kế, lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu chính của dự án và chưa triển khai được gói thầu thi công, xây lắp nào.

Khó khăn về nguồn vốn đối ứng để giải phóng mặt bằng khu tổ hợp ga Ngọc Hồi nên việc hoàn thành giai đoạn 1 của dự án theo điều chỉnh là không khả thi. Do đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội có ý kiến về chủ trương thực hiện đối với tổng thể dự án.

Bộ GTVT kiến nghị chỉ làm chủ đầu tư với phần đường sắt quốc gia trong khu tổ hợp ga Ngọc Hồi. Đối với các hạng mục còn lại thuộc tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi – Yên Viên (gồm cả phần đường sắt đô thị tại tổ hợp ga Ngọc Hồi) giao UBND TP. Hà Nội làm chủ đầu tư.

Bộ GTVT ước tính tổng mức đầu tư toàn bộ dự án đường sắt độ thị Ngọc Hồi – Yên Viên đã lên đến khoảng 81.537 tỷ đồng, tăng 9 lần so với số vốn ban đầu.

“Dự án có quá trình triển khai dài, phát sinh nhiều hạng mục, phải bổ sung, điều chỉnh thiết kế cơ sở, thay đổi quy mô đầu tư nhằm phù hợp với Luật Quy hoạch, Luật Thủ đô và các điều kiện thực tế, chịu ảnh hưởng của trượt giá xây dựng, tăng tỷ giá giữa tiền Yên và tiền Việt Nam; ảnh hưởng của vụ việc liên quan đến Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (nhà thầu JTC) khiến dự án bị tạm dừng… dẫn đến tổng mức đầu tư dự án tăng”, Bộ GTVT lý giải về nguyên nhân dự án tăng vốn.

Theo Chí Bình/VietnamFinance