QC 1
Thứ 5, ngày 18/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

EU ‘đồng sàng dị mộng’ trong chính sách đối ngoại với Nga

Một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) một mặt hoan nghênh việc tiến hành hội nghị thượng đỉnh giữa Pháp, Đức, Ukraine và Nga, mặt khác lại tỏ ra lo ngại EU có thể dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga kể từ khi Moscow sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea hồi năm 2014.

EU ‘đồng sàng dị mộng’ trong chính sách đối ngoại với Nga (Ảnh minh họa)

Nga và Ukraine hồi giữa tháng 9 đã tiến hành trao đổi tù nhân và lên kế hoạch tổ chức các cuộc đối thoại mới. Đây được đánh giá là những bước tiến tích cực, giúp phá băng mối quan hệ vốn nhiều căng thẳng giữa hai nước láng giềng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá thỏa thuận trao đổi tù nhân là “một bước đi lớn hướng tới bình thường hóa quan hệ” giữa Moscow và Kiev. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định, đây là bước tiến trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua tại khu vực Donbas, miền đông Ukraine.

Ngay sau khi cuộc trao đổi tù nhân kết thúc, Tổng thống Putin và người đồng cấp Ukraine V.Zelensky đã có cuộc điện đàm tích cực, theo đó nhất trí sẽ sớm thảo luận về thời điểm tổ chức một hội nghị cấp cao theo định dạng Normandy (gồm Pháp, Đức, Nga và Ukraine), nhằm tiếp tục thực hiện Thỏa thuận Minsk về giải quyết xung đột ở miền đông Ukraine.

Những động thái của Nga và Ukraine ngay lập tức nhận được phản ứng tích cực của cộng đồng quốc tế. Thủ tướng Đức Angela Merkel hoan nghênh việc trao đổi tù nhân giữa hai bên, coi đây là “dấu hiệu của niềm hy vọng”. Bà Merkel cũng kêu gọi các bên thực thi đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 2015 mà Pháp và Đức đóng vai trò trung gian.

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian thì nhận định Nga và Ukraine đã có bước đột phá, đồng thời kêu gọi hai bên có thêm những bước đi mới, hướng tới chấm dứt cuộc xung đột ở miền đông Ukraine. Người đứng đầu ngành ngoại giao Pháp cũng coi đây là hành động thiện chí, chứng tỏ sự sẵn sàng đối thoại của Nga và Ukraine về các bất đồng còn tồn tại.

Tuy nhiên, một số quốc gia EU mặc dù hoan nghênh một hội nghị thượng đỉnh giữa Pháp, Đức, Ukraine và Nga, lại tỏ ra lo ngại việc EU có thể dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt đối với Nga kể từ khi nước này sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014.

Các mâu thuẫn trong EU về cách đối xử với Moscow ngày càng bị khoét sâu trong những tháng gần đây, đặc biệt trong bối cảnh Pháp là nước đi tiên phong có động thái “mở cửa” với Nga.

Trước đó, chuyến thăm làm việc ngày 19/8 của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Pháp không chỉ tạo được cú hích quan trọng thúc đẩy quan hệ song phương phát triển, mà còn làm dấy lên hy vọng hợp tác giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) để giải quyết các thách thức chung cũng sẽ sớm được tái khởi động.

Mặc dù không đưa ra tuyên bố chung sau hội đàm, song trong cuộc họp báo trước đó, lãnh đạo Nga – Pháp thể hiện mong muốn, quyết tâm đẩy mạnh phát triển hợp tác song phương, đồng thời phối hợp giải quyết các mối đe dọa, thách thức truyền thống và phi truyền thống, cũng như những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên thế giới. 

Tiếp đó, Ngoại trưởng Le Drian và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly đã có cuộc gặp đầu tiên với những người đồng cấp Nga tại thủ đô Moscow hôm 9/9. Đây là cuộc họp lần thứ 12 của Hội đồng Hợp tác An ninh Nga-Pháp theo hình thức 2+2, vốn bị đình chỉ từ năm 2014 khi Nga sáp nhập trở lại Bán đảo Crime.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian khẳng định châu Âu sẽ không thể ổn định hoặc an toàn nếu không có sự rõ ràng trong quan hệ với Nga.

Theo Thanh Tú/VietnamFinance