QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

‘EVN cần phát triển thủy điện mà không tàn phá môi trường, không tạo ra lũ lụt’

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định: “Trong khi nhu cầu về điện ngày càng lớn, còn các nguồn nhiên liệu sơ cấp ngày càng cạn kiệt… EVN phải phát triển thủy điện mà không tàn phá môi trường, không tạo ra lũ lụt gây ảnh hưởng đến người dân”.

‘EVN phải phát triển thủy điện mà không tàn phá môi trường, không tạo ra lũ lụt’

“Sản phẩm Việt Nam khó cạnh tranh nếu giá điện quá cao”

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) diễn ra ngày 12/1, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2020, song cơ bản EVN đã hoàn thành được các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Một trong những thành công mà đơn vị thực hiện được, đó là đưa chỉ số tổn thất điện năng giảm xuống mức 6,42%, đứng thứ 3 khu vực Asean và đã tiệm cận với tổn thất điện năng của các nước phát triển.

Bên cạnh đó, EVN đã thực hiện tốt hoạt động đầu tư xây dựng các dự án điện, với tổng giá trị đầu tư đạt 88.400 tỷ đồng. Đồng thời, tập đoàn điện lực quốc gia cũng đưa vào vận hành nhiều dự án quan trọng góp phần nâng cao năng lực hạ tầng cung cấp điện, giải toả công suất nguồn điện năng lượng tái tạo.

Bước sang năm 2021, cũng là năm khởi đầu giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, EVN sẽ phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức.

Đầu tiên, là hệ thống pháp luật liên quan, bao gồm các cơ chế, chính sách cho phát triển ngành điện đang còn nhiều bấp cập. Đặc biệt là vấn đề bảo lãnh vay vốn của tập đoàn, trong khi vốn đầu tư cho phát triển ngành điện rất lớn, tuy nhiên việc huy động vốn lại gặp nhiều khó khăn.

Tiếp đó, yêu cầu bảo vệ môi trường đang ngày càng cao, thế nhưng công nghệ của một số nhà máy đã lạc hậu, chính vì vậy để đáp ứng yêu cầu phải đầu tư các nguồn điện sạch, giá cao như điện mặt trời…

“Các nguồn nhiên liệu sơ cấp truyền thống trong nước như than, thuỷ điện, khí tự nhiên ngày càng cạn kiệt… trong khi nhu cầu phát triển nguồn điện ngày càng lớn. Do đó EVN phải đảm bảo phát triển thủy điện mà không phá môi trường, không tạo ra lũ lụt gây ảnh hưởng tới người dân”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Thêm vào đó, EVN cần đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc nguồn nguyên liệu sơ cấp nước ngoài. Đồng thời tập trung bảo đảm vững chắc an ninh cung ứng điện, cung cấp đầy đủ điện năng ổn định, chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế xã hội.

Phó thủ tướng cũng nhận định, trong trường hợp giá điện quá cao, thì chắc chắn sản phẩm Việt Nam sẽ không cạnh tranh được trên thị trường.

Hệ thống điện Việt Nam có quy mô lớn thứ 2 Đông Nam Á

Báo cáo tại hội nghị, Phó tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho biết, tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 69.300MW, tăng gần 14.000MW so với năm 2019. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 23 thế giới.

Trong đó, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2020 là 247 tỷ kWh, điện thương phẩm đạt gần 217 tỷ kWh, lần lượt tăng 3% và 3,4% so với năm 2019.

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 và diễn biến bất thường của thủy văn, công tác vận hành hệ thống điện có nhiều biến động, phụ tải điện tăng trưởng thấp.

Tỷ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao cũng gây khó khăn trong điều hành hệ thống và dẫn đến tình trạng “thừa nguồn” trong các thời điểm buổi trưa và các ngày lễ, cuối tuần.

Tuy nhiên, thị trường điện vẫn đảm bảo sự liên tục, ổn định theo đúng quy định trong năm qua. Mặt khác, tập đoàn cũng nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành về việc thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện trong hai đợt với tổng số tiền xấp xỉ 12.300 tỷ đồng.

Trong công tác đầu tư cấp điện nông thôn, miền núi, đặc biệt khu vực chưa có điện, các đơn vị của EVN đã chủ động thu xếp vốn với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng để cấp điện cho gần 14.000 hộ dân chưa có điện thuộc các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Kon Tum, Bạc Liêu…

Ở khu vực hải đảo, các đơn vị thành viên của EVN đã hoàn thành một số dự án cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm cho xã đảo, đơn cử như xã đảo Nhơn Châu (Bình Định), đảo Trần (Quảng Ninh)… Đồng thời, đơn vị cũng triển khai dự án cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) và tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống cấp điện tại huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

Tính đến cuối năm 2020, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,54%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,3%.

Trong năm 2021, EVN tiếp tục đẩy mạnh lộ trình ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động và tích hợp công nghệ kỹ thuật số, mô hình quản trị phù hợp với quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn…

Theo Việt Anh/ Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/evn-can-phat-trien-thuy-dien-ma-khong-tan-pha-moi-truong-khong-tao-ra-lu-lut-20180504224248267.htm