QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Fed cảnh báo thảm họa có thể xảy ra nếu Mỹ không nâng trần nợ

Cục Dự trữ Liên bang Fed cho rằng khủng hoảng sẽ xảy ra nếu Quốc Hội Mỹ không điều chỉnh mức trần nợ vào tháng 6…

Quan chức Cục Dự trữ Liên bang Fed, ông Neel Kashkari đã nhắc lại mối lo ngại của Bộ Tài chính về cuộc khủng hoảng trần nợ sắp xảy ra của quốc gia.

Phát biểu với truyền thông vào thứ Ba, ông Kashkari cho biết ông hoàn toàn đồng ý với Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen rằng việc Mỹ vỡ nợ sẽ là “một thảm họa” nếu Quốc hội không tăng hoặc đình chỉ giới hạn nợ vào tháng 6. Mỹ đã chạm trần mức giới hạn 31,4 nghìn tỷ USD này vào ngày 19/1 năm nay.

Theo dữ liệu của Bộ Tài chính, từ năm 2013 đến cuối năm 2022, nợ của Hoa Kỳ đã tăng gần 86%. Tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thước đo quan trọng nhất về khả năng trả nợ của một quốc gia, cũng tăng từ 100% năm 2013 lên 124% vào năm 2022.

Khủng hoảng nợ trần nổi bật nhất gần đây xảy ra vào năm 2011, khi các cuộc thảo luận của Quốc hội về quy trình điều chỉnh ngân sách bị đình trệ trong các cuộc họp của Hạ viện và Thượng viện. Tình trạng bế tắc sau đó đã khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên tồi tệ và chỉ số S&P 500 đã giảm mạnh 17,4% từ 5 tháng từ 2/5 năm 2011.

Ngoài ra, xếp hạng tín dụng của Mỹ đã bị Standard & Poor’s hạ bậc từ AAA xuống AA+ lần đầu tiên kể từ năm 1917 vào ngày 6 tháng 8 năm đó. Các tài sản rủi ro như đồng USD bị bán tháo, chứng khoán sụt giảm và chênh lệch tín dụng tăng. Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng ước tính rằng cuộc tranh luận về giới hạn nợ trong năm 2011 đã làm tăng chi phí đi vay của Hoa Kỳ thêm 18,9 tỷ USD.

Mỹ đạt giới hạn nợ trần từ tháng 1/2023

Mặc dù ông Kashkari không cho biết liệu tình trạng vỡ nợ hiện nay có  rủi ro hơn trường hợp của năm 2011 hay không, nhưng ông đã nhắc lại lời cảnh báo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Yellen vào tháng trước.

Bà Yellen cảnh báo rằng việc vỡ nợ sẽ gây ra “tác hại không thể khắc phục được” cho nền kinh tế, gây nguy hiểm cho các chức năng cơ bản của chính phủ (chẳng hạn như quốc phòng) và làm suy yết đồng USD và chứng khoán. Bà Yellen sau đó cho biết, “khủng hoảng tài chính toàn cầu” có thể xảy ra nếu không có thỏa thuận điều chỉnh giới hạn nợ.

Đồng thời, bà cho biết thêm rằng bộ Tài chính hiện đang thực hiện “các biện pháp đặc biệt” để tiếp tục thanh toán các hóa đơn nợ đúng hạn. Trong đó, Bộ Tài chính đang thiết lập một “thời gian đình chỉ phát hành nợ” bắt đầu từ thứ Năm tới và kéo dài đến ngày 5/6. Ngoài ra, Kho bạc sẽ không thể thực hiện một số khoản đầu tư nhất định.

Đến hiện tại, Quốc hội vẫn đang tiếp tục tranh cãi về việc tăng trần nợ, hay số tiền mà chính phủ Hoa Kỳ có thể vay để thanh toán hóa đơn đúng hạn. Do đó, việc vỡ nợ của quốc gia vẫn là một khả năng không thể bỏ qua. Và điều này có nghĩa là các công ty và ngân hàng Mỹ phải sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất.

“Có sự khác biệt lớn giữa những người Cộng hòa muốn cắt giảm chi tiêu và những người Dân chủ muốn tăng trần nợ, điều này cho thấy một cuộc chiến lâu dài về ngân sách và trần nợ.” Lauren Goodwin, nhà kinh tế học và giám đốc chiến lược danh mục đầu tư tại New York Life Investments, cho biết.

Các thị trường nói chung đều nhận thức sâu sắc về những diễn biến liên quan đến trần nợ. Scott Knapp, giám đốc chiến lược thị trường tại CUNA Mutual Group, cho biết: “Thị trường trái phiếu đã trải qua một cuộc tàn sát hoàn toàn vào năm 2022 vì nhiều lý do, bao gồm cả những lo ngại dài hạn về nợ chính phủ mới tích lũy”.

Bank of America, ngân hàng lớn thứ 2 nước Mỹ tuyến bố họ đang chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra nếu các nhà lập pháp không đạt được thỏa thuận nâng trần nợ vào tháng 6.

“Chúng ta phải chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng tài chính, không chỉ ở đất nước này mà còn ở các nước khác trên thế giới, dù chúng ta đều hi vọng điều này sẽ không xảy ra”, Brian Moynihan, CEO của Bank of America cho biết.

Theo Thảo Hương/Thương Gia

Nguồn: https://thuonggiaonline.vn/fed-canh-bao-tham-hoa-co-the-xay-ra-neu-my-khong-nang-tran-no-54622.htm