QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Fed khẳng định lập trường cứng rắn về lạm phát, Phố Wall ‘buồn vui lẫn lộn’

Các chỉ số chính tại Phố Wall đã trải qua phiên giao dịch “buồn vui lẫn lộn” vào thứ Tư (22/2), khi các nhà giao dịch phân tích bản tóm tắt cuộc họp gần đây nhất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), nhằm tìm kiếm manh mối về động thái tiếp theo của ngân hàng trung ương đối với lạm phát.

Chỉ số S&P 500 đã giảm 4 phiên liên tiếp tính tới ngày 22/2.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư (22/2), chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 84,50 điểm, tương đương 0,26%, kết thúc ở mức 33.045,09. S&P 500 giảm 0,16% và đóng cửa ở mức 3.991,05. Trái lại, chỉ có Nasdaq Composite tăng 0,13%, đóng cửa ở mức 11.507,07.

Bất chấp sự sụt giảm của S&P và chỉ số Dow, mức giảm mới nhất không mạnh như trong phiên 21/2 – phiên hoạt động tệ nhất của Phố Wall tính từ đầu năm 2023.

Đối với chỉ số S&P, mức giảm ngày 22/2 đánh dấu chuỗi 4 ngày giảm điểm liên tiếp, ngày thứ 2 liên tiếp kết thúc dưới mức 4.000 điểm và chỉ số này hiện đang ở mức âm dài nhất kể từ giữa tháng 12/2022.  

Hầu hết trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500 đều giảm, trong đó năng lượng (.SPNY) và bất động sản (.SPLRCR) là những lĩnh vực hoạt động kém nhất. Bộ đôi này lần lượt giảm 0,8% và 1%. Chỉ số năng lượng đã kết thúc ở vùng tiêu cực trong 7 phiên liên tiếp do giá hàng hóa chịu áp lực từ những lo ngại của nhà đầu tư về tăng trưởng kinh tế trong tương lai và nhu cầu nhiên liệu.

Trong ngày, cổ phiếu CoStar Group giảm 5,1% sau khi nhà cung cấp thị trường bất động sản trực tuyến cho biết họ không còn đàm phán để mua chủ sở hữu Realtor.com Move từ News Corp – công ty cũng đóng cửa với cổ phiếu giảm 3,2 %.

Cổ phiếu của Palo Alto Networks tăng 12,5% sau khi công ty an ninh mạng nâng dự báo thu nhập trong năm. Trong khi đó, nền tảng trao đổi tiền điện tử Coinbase cũng công bố doanh thu vượt kỳ vọng, nhưng cổ phiếu giảm 1,4%.

Theo xu hướng thị trường đã ghi nhận vào năm 2022, ba chỉ số chính đã ghi nhận mức tăng hàng tháng vào tháng 1/2023, khi các nhà đầu tư hy vọng Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất và có thể xoay trục vào khoảng cuối năm.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đã có một đợt biến động mạnh trong tháng 2, do các nhà giao dịch dự kiến Fed sẽ để mức lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, với giả định rằng lạm phát vẫn cao hơn mốc mục tiêu trong khi nền kinh tế phát triển ổn định. 

Trong biên bản cuộc họp mới nhất của Fed được công bố hôm 22/2, lạm phát vẫn “cao hơn” mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương, đồng thời cho biết thêm rằng thị trường lao động vẫn “rất căng thẳng, góp phần tiếp tục gây áp lực tăng lương và giá cả”.

Được biết, tại cuộc hop của Fed diễn ra ngày 31/1-1/2, “gần như tất cả” các quan chức Fed đã đồng ý giảm tốc độ tăng lãi suất xuống 0,25%.

Các quan chức của Fed cũng lưu ý rằng “dữ liệu lạm phát nhận được trong ba tháng qua cho thấy tốc độ tăng giá hàng tháng đã giảm đáng hoan nghênh nhưng nhấn mạnh rằng cần có thêm bằng chứng đáng kể về sự tiến triển trên một phạm vi giá rộng hơn để tin chắc rằng lạm phát đang ở mức ổn định và có đà giảm bền vững”, trích biên bản cuộc hop của Fed được CNBC đăng tải. 

Biên bản được công bố sau khi Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard cảnh báo trước đó rằng cuộc chiến chống lạm phát của ngân hàng trung ương còn lâu mới kết thúc.

Chiến lược gia trưởng toàn cầu của LPL Financial Quincy Krosby nói rằng việc công bố biên bản cuộc họp không làm thay đổi quỹ đạo của thị trường, vì các nhà đầu tư vẫn kiên định với niềm tin rằng Fed sẽ không tiếp tục tăng lãi suất thêm nữa.

“Đây không phải là thị trường cho rằng Fed sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất sau tháng 6. Đây là một thị trường quan tâm đến thu nhập về tỷ suất lợi nhuận, áp lực ký quỹ và nén tỷ suất lợi nhuận”, ôngKrosby nói.

Theo Thuỷ Bình/Vietnam Finance/CNBC, Reuters

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/fed-khang-dinh-lap-truong-cung-ran-ve-lam-phat-pho-wall-buon-vui-lan-lon-20180504224281142.htm