QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Fitch Solutions: VinSmart có thể theo đuổi chiến lược ‘nhiều tính năng với mức giá thấp’

Hãng nghiên cứu Fitch Solutions cho rằng chi phí vẫn là điều cần cân nhắc chính trong thị trường điện thoại Việt Nam và VinSmart có thể sẽ theo đuổi chiến lược đã được thực hiện thành công bởi nhiều thương hiệu: nhiều tính năng với mức giá thấp.

Ngày 14/12 tới, điện thoại thương hiệu Vsmart của VinSmart sẽ chính thức ra mắt thị trường

Vingroup, doanh nghiệp niêm yết lớn nhất Việt Nam theo vốn hóa thị trường sẽ chính thức ra mắt điện thoại thông minh mang thương hiệu Vsmart thông qua công ty con VinSmart vào ngày 14/12 tới đây.

“Nỗ lực này cho thấy sự tập trung của Vingroup nhằm đa dạng hóa doanh thu, từ các lĩnh vực cốt lõi như bất động sản, bán lẻ đến lĩnh vực sản xuất điện thoại thông minh mà phần lớn đang thống trị bởi thương hiệu ngoại. Động thái này, đáng kể hơn, làm nổi bật sức hấp dẫn của Việt Nam như là trung tâm sản xuất điện tử tiêu dùng sắp tới ở châu Á”, hãng nghiên cứu Fitch Solutions nhận định trong một báo cáo mới đây.

Fitch Solutions cho hay tại Việt Nam, điện thoại thông minh nội địa phần lớn không đạt được sức hút, khi các thương hiệu như MobiiStar, Masscom và Bavapen, tất cả đều theo đuổi chiến lược chi phí cực thấp, cuối cùng đã bị “siết chặt” trước quy mô của các thương hiệu lớn hơn, trong đó các các thương hiệu Trung Quốc.

Nhiều “ông trùm” trong nước, bao gồm gã khổng lồ FPT với thiết bị di động F-Mobile và tập đoàn công nghiệp – viễn thông quân đội Viettel với Viettel Phone đã không giành được thị phần đáng kể.

“Các nhà sản xuất điện thoại Việt Nam phần lớn thiếu quy mô và khả năng đổi mới, thay vào đó họ buộc phải dựa vào dây chuyền sản xuất của Trung Quốc để sản xuất thiết bị cầm tay thương hiệu của riêng họ”, Fitch Solutions nhấn mạnh.

Theo Fitch Solutions, chi phí vẫn là điều cần cân nhắc chính trong thị trường điện thoại Việt Nam và VinSmart có thể sẽ theo đuổi chiến lược đã được thực hiện thành công bởi nhiều thương hiệu: nhiều tính năng với mức giá thấp. Chìa khóa của chiến lược này là phải có nhà máy sản xuất quy mô lớn.

Cùng với đó, tháng 6/2018, Vingroup đã mua lại phần lớn cổ phần (51%) trong nhà sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng Tây Ban Nha BQ, đồng thời nhấn mạnh rằng sẽ tận dụng tài sản trí tuệ của công ty để sản xuất thiết bị di động. BQ đã là một nhà sản xuất điện thoại thông minh có uy tín có thị phần đáng kể ở thị trường châu Âu.

“Chúng tôi tin rằng VinSmart sẽ tận dụng thương hiệu mạnh của Vingroup, nổi tiếng ở lĩnh vực bất động sản và bán lẻ, để tạo sức hút cho các sản phẩm của mình. Để bắt đầu, Vingroup có thể sẽ tìm cách bán điện thoại thông minh của mình thông qua hơn 1.200 siêu thị và cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc”, Fitch Solutions nêu quan điểm.

Hãng nghiên cứu này tin rằng trước tiên, VinSmart sẽ tập trung mạnh vào thị trường quê nhà và các thị trường mới nổi khác trong khu vực, như Myanmar, Lào và Campuchia, trước khi tiếp tục thâm nhập vào các thị trường nước ngoài khác.

Đồng thời, Fitch Solutions cho hay VinSmart cũng có khả năng tham gia vào các phân khúc sản phẩm khác. Công ty này đã tuyên bố đặt mục tiêu sản xuất các “sản phẩm thông minh”, chẳng hạn như TV thông minh (SmartTV). VinSmart cũng có thể sản xuất máy tính bảng, một phân khúc mà BQ đã có mặt.

Tuy vậy, hãng nghiên cứu Fitch Solutions vẫn tin rằng Samsung sẽ tiếp tục là công ty dẫn đầu thị trường Việt Nam, từng thành công trong việc tiếp cận người dùng Việt Nam với loạt thiết bị Galaxy J cấp thấp. Samsung đã chọn Việt Nam làm cơ sở sản xuất chủ chốt bên ngoài Trung Quốc và hiện đang vận hành 8 cơ sở sản xuất và một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại nước này. Công ty này đóng góp đáng kể vào tổng xuất khẩu điện thoại thông minh của Việt Nam, đạt 42,74 tỷ USD trong năm 2017.

Dù tiềm năng của ngành công nghiệp điện tử đang bùng nổ của Việt Nam, tuy nhiên Fitch Solutions nhấn mạnh rằng chi phí lao động tăng có thể cản trở sự tăng trưởng của ngành.

Theo Minh Tâm/VietnamFinance