QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

GDP quý I tăng 6,79%: Công nghiệp chế biến chế tạo làm trụ cột, thủy sản ‘lên đỉnh’

Động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong quý I/2019 là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,35%, đóng góp vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm với 2,72 điểm phần trăm. Trong khi đó, ngành thủy sản có tốc độ tăng trưởng quý I cao nhất trong 9 năm trở lại đây.

Dấu ấn của thủy sản, công nghiệp chế biến chế tạo và bán buôn bán lẻ

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, quý I/2019, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này tuy thấp hơn mức tăng trưởng của quý I/2018 nhưng vẫn cao hơn tăng trưởng quý I các năm 2011-2017.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 4,9% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%, đóng góp 51,2%; khu vực dịch vụ tăng 6,5%, đóng góp 43,9%.

Trong khu vực nông, lâm, thủy sản, ngành nông nghiệp tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong khi đó, ngành lâm nghiệp tăng 4,2%, góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 5,1%, đạt mức tăng trưởng cao nhất của quý I trong 9 năm trở lại đây, đóng góp 0,14 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 8,95% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,14 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong quý I/2019 là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,35%, tuy thấp hơn mức tăng 14,3% của quý I/2018 nhưng cao hơn mức tăng quý I các năm 2012-2017, đóng góp lớn vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm với 2,72 điểm phần trăm.

Ngành khai khoáng quý I năm nay tăng trưởng âm (giảm 2,2%), làm giảm 0,15 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do sản lượng dầu thô khai thác giảm 10,3% và khí đốt tự nhiên giảm 2,4%.

Ngành xây dựng 3 tháng đầu năm nay duy trì mức tăng trưởng khá với 6,68%, đóng góp 0,39 điểm phần trăm.

Trong khu vực dịch vụ, ngành bán buôn và bán lẻ tăng 7,82%, là ngành có đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung với 0,95 điểm phần trăm. Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,22%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,71%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm. Hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,75%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm.

Tính theo tỷ trọng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 10,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,25%; khu vực dịch vụ chiếm 44,04%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,55% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2018 là: 10,35%; 35,31%; 43,72%; 10,62%).

Mỗi ngày có 1.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh hoặc chờ giải thể

Trong quý I năm nay, cả nước có 28.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 375,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% về số doanh nghiệp và tăng 34,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh đó, còn có 15.050 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 78,1% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm nay lên hơn 43.500 doanh nghiệp.

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong quý I năm nay là 14.761 doanh nghiệp, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 15.331 doanh nghiệp. Như vậy, trung bình một ngày, có khoảng 1.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh hoặc chờ thủ tục giải thể.

Thặng dư ngân sách 24.000 tỷ đồng

Tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2019 ước tính đạt 278,6 nghìn tỷ đồng, bằng 19,7% dự toán năm. Trong đó thu nội địa 221,7 nghìn tỷ đồng, bằng 18,9%; thu từ dầu thô 9,9 nghìn tỷ đồng, bằng 22,3%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 47 nghìn tỷ đồng, bằng 24,9%.

Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2019 ước tính đạt 254,5 nghìn tỷ đồng, bằng 15,6% dự toán năm. Trong đó, chi thường xuyên đạt 192,7 nghìn tỷ đồng, bằng 19,3%; chi đầu tư phát triển 33,5 nghìn tỷ đồng, bằng 7,8%; chi trả nợ lãi 27,7 nghìn tỷ đồng, bằng 22,2%.

Như vậy, quý I/2019, thặng dư ngân sách là 24 nghìn tỷ đồng.

Về xuất nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I/2019 ước tính đạt 58,51 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quý I/2019 tính đạt 57,98 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Như vậy, quý I, cả nước xuất siêu 530 triệu USD.

Theo Tào Minh/Vietnam Finance