QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Giá điện tăng gấp vài lần mức tăng 8,3% công bố?

Từ ngày 20/3/2019, Bộ Công Thương điều chỉnh giá điện tăng thêm 8,36%, thế nhưng sau khi nhận hoá đơn tiền điện, người dân mới tá hoả khi con số không chỉ là 8,36% mà lên tới 50-70%. 

Thời gian qua, nhiều người dân phản ánh hoá đơn tiền điện tăng mạnh, gấp 2-3 lần so với tháng trước.

Đơn cử, chị Tuệ Thư (quận 8, TP.HCM) phản ánh trước thời điểm tăng giá điện, số tiền điện hàng tháng mà gia đình trả chỉ quanh mức 950.000-1.060.000 đồng/tháng. Nhưng từ tháng 4, tổng tiền đã lên 1.544.000 đồng, nghĩa là tăng 49% so với trước đó.

Còn anh Phạm Duy (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết hóa đơn tiền điện tháng 4 đã cao hơn 46% so với trước đó. Gia đình anh Duy phải trả 1,01 triệu đồng, trong khi tháng 3 là 688.000 đồng. Trong khi mới đầu mùa nóng, gia đình vẫn chưa sử dụng điều hoà.

Theo lý giải của ngành điện, hoá đơn tiền điện tăng do thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao và giá điện đã chính thức tăng 8,36% kể từ 20/3/2019.

Biểu giá điện sinh hoạt được chia làm 6 bậc

Bộ Công thương đưa ra Biểu giá điện mới chia làm 6 bậc: Bậc 1 từ 0-50 kWh được tính giá 1.678 đồng/kWh. Bậc 2 được tính giá 1.734 đồng cho mức tiêu thụ 51-100 kWh. Bậc 3 giá bán là 2.014 đồng cho mức tiêu thụ 101-200 kWh.

Giá bậc 4 là 2.536 đồng cho 201-300 kWh; bậc 5 có giá 2.834 đồng cho 301-400 kWh; bậc 6 được tính 2.927 đồng cho 401 kWh trở lên.

Theo tính toán của EVN, khách hàng dùng dưới 50 kWh sẽ phải trả thêm khoảng 7.000 đồng. Với khách hàng dùng 51-100 kWh, sẽ phải trả thêm 14.000 đồng. Bậc 2, khách dùng 101-200 kWh phải trả thêm 31.600 đồng; nếu dùng 201-300 kWh thì phải trả cao hơn 53.100 đồng. Với khách hàng dùng trên 400 kWh thì phải trả thêm 77.200 đồng.

Một hộ gia đình dùng 250 kWh, cộng hưởng với việc tăng giá, sẽ phải trả là 499.000 đồng, cao hơn 45% so với trước khi tăng giá…

Phía EVN còn lý giải một yếu tố nữa là số ngày sử dụng điện trong tháng 4 dài hơn (31 ngày) so với tháng 3 (28 ngày) nên lượng điện năng tiêu thụ sẽ nhiều hơn. Cùng với việc giá bán điện điều chỉnh làm tổng số tiền điện tăng hơn so với tháng trước.

Thế nhưng, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long chỉ ra sự bất hợp lý của biểu giá điện của Bộ Công thương. Về nguyên tắc, Chính phủ chỉ quy định mức giá điện bình quân. Từ ngày 20/3, mức giá bình quân sau khi được điều chỉnh là 1.864 đồng/kWh. Chính phủ giao cho Bộ Công Thương xây dựng biểu giá điện đạt được 2 mục đích: Thứ nhất là đảm bảo chính sách an sinh xã hội (tạo điều kiện cho người nghèo); thứ 2 khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm điện.

Bộ Công Thương đã chia giá điện thành nhiều bậc để tránh tình trạng người nghèo chịu giá điện quá cao, mà người giàu lại chịu giá điện rẻ, dẫn đến việc sử dụng lãng phí.

Theo ông Long, chỉ có giá điện bán lẻ sinh hoạt bậc 1 (từ 0 -50kWh) và bậc 2 (từ 51-100kWh) là thấp hơn so với giá điện bán lẻ bình quân (1.864 đồng/kWh), còn lại từ bậc 3 đến bậc 6, giá điện bán lẻ lại cao hơn nhiều so với giá điện bình quân.

Thực tế, đa phần các hộ gia đình đều phải sử dụng điện trong mức từ trên 100kWh trở lên, nhất là vào mùa nóng… Người dân càng dùng nhiều điện thì càng có lợi cho ngành điện.

“Chính phủ giao cho ngành điện tính toán để doanh thu bán điện chia cho sản lượng điện thương phẩm phải bằng giá điện bình quân (1.864 đồng/kWh) nhưng với biểu giá điện 6 bậc như hiện nay thì người hưởng lợi là ngành điện, người dân sẽ chịu thiệt”, ông Long nói, cho rằng biểu giá điện cần xây dựng nhiều bậc hơn và phù hợp.

Theo Hải Nam/Kinh tế môi trường