QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Giá thép hôm nay 11/10/2021: Thép thanh tiếp đà đi lên trong phiên giao dịch đầu tuần

Ghi nhận vào lúc 9h50 ngày 11/10 (theo giờ Việt Nam), giá thép hôm nay giao tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 18 nhân dân tệ lên mức 5.783 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát.

Giá thép Thượng Hải

Giá quặng sắt châu Á sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực giảm do sản lượng thép của Trung Quốc hạn chế và tình trạng thiếu điện trong quý IV sau đợt điều chỉnh giá mạnh trong quý III, S&P Global Platts đưa tin.

Chỉ số quặng sắt IODEX đã giảm 46% trong quý III do thiếu hụt sản lượng thép ở Trung Quốc, buộc các nhà máy phải bán lại khối lượng quặng sắt theo hợp đồng, khiến thị trường rơi vào tình trạng dư cung.

Tuy nhiên, các loại quặng khác nhau lại có giá khác nhau, không chỉ do động lực cung cầu của chính chúng mà còn do các yếu tố bên ngoài như giá than cốc tăng cao ở Trung Quốc.

Giá thép hôm nay tiếp tục tăng (Ảnh minh họa)

S&P Global Platts đã quan sát thấy 88 giao dịch giao ngay cho các loại quặng trung cấp phổ biến từ ba công ty khai thác hàng đầu, gồm Rio Tinto, BHP và Vale, trong quý III.

Con số này thấp hơn một chút so với 91 giao dịch được quan sát trong quý II, với sự sụt giảm doanh số giao ngay từ Rio Tinto được bù đắp một phần bởi sự gia tăng từ BHP.

Cụ thể, Rio Tinto đã bán được 18 chuyến hàng giao ngay của Pilbara Blend Fines, (PBF) trong quý III, giảm hơn một nửa so với con số 41 trong quý II. Trong khi đó, BHP đã bán 59 chuyến hàng giao ngay trong cùng thời điểm.

Khi thị trường chứng kiến tình trạng cung vượt quá cầu, phí bảo hiểm cho các thương hiệu hạng trung đã giảm mạnh, ngay cả thương hiệu có tính thanh khoản cao nhất PBF cũng ghi nhận phí bảo hiểm giảm từ 13,35 USD/dmt vào tháng 7 xuống khoảng -1,30 USD/dmt vào giữa tháng 9.

Nguồn cung giao ngay tăng vọt từ BHP trong bối cảnh nhu cầu yếu trong tháng 9 đã gây ra sự điều chỉnh đối với các thương hiệu cấp trung bình có hàm lượng Fe thấp hơn.

So với chỉ số 62% Fe của tháng trước, JMBF và MACF đã chứng kiến mức giảm giá lớn nhất trong ba năm qua, lần lượt là -21,90 USD/dmt và -15,90 USD/dmt vào giữa tháng 9, mặc dù mức chiết khấu đã thu hẹp phần nào vào cuối quý.

Đối với triển vọng cho năm 2022, các nhà phân tích cho biết, họ chủ yếu mong muốn giá quặng sắt sẽ duy trì ở mức thấp là 100 USD/tấn, mặc dù những cú sốc về nguồn cung quặng sắt có thể làm tăng thêm sự biến động.

Nhà phân tích John Tumazos của Very Independent Research nêu lên kỳ vọng rằng, việc hạn chế sản xuất thép của Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì đến năm 2022, và điều này phù hợp với mục đích giữ sản lượng ở mức thấp vào năm 2022, tạo tiền đề cho sự phục hồi vào năm 2023, 2024.

Thép Việt xuất khẩu sang Philippines sẽ không bị điều tra tự vệ

Theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) ngày 4/10 vừa qua, Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines (DTI) đã có thông báo dừng điều tra tự vệ toàn cầu đối với các sản phẩm thép nhập khẩu gồm thép mạ kẽm, thép mạ hợp kim nhôm kẽm và thép phủ màu.

Trước đó, vào tháng 6/2020, DTI khởi xướng điều tra sau khi ngành sản xuất trong nước nộp đơn kiện cáo buộc hàng hóa nhập khẩu từ các nước tăng đột biến, là nguyên nhân gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa Philippines.

Sau đó, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) đề nghị Cơ quan điều tra của Philippines tuân thủ nghiêm túc các điều kiện khởi xướng điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ theo quy định tại Hiệp định Tự vệ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Yêu cầu Cơ quan điều tra Philippines cần xem xét các số liệu nhập khẩu cập nhật nhất khi phân tích, đánh giá việc nhập khẩu có gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước hay không.

Theo các số liệu nhập khẩu cập nhật, Cục PVTM cho rằng kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm thép mạ kẽm, thép mạ nhôm kẽm và thép phủ màu của Philippiness từ Việt Nam ở mức không đáng kể, đủ điều kiện để được loại trừ khỏi các biện pháp tự vệ của Philippines căn cứ theo quy định.

Như vậy, với kết luận mới này của DTI, các doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam sang Philippines vẫn có thể tiếp tục hoạt động xuất khẩu mà không bị ảnh hưởng bởi nguy cơ Philippines áp dụng thuế tự vệ đối với các sản phẩm này.

Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Philippines năm 2020 đạt hơn 3,5 tỷ USD, chiếm 1,26% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; trong đó kim ngạch bị ảnh hưởng bởi các vụ kiện phòng vệ thương mại khởi xướng mới hoặc rà soát năm 2020 khoảng 2 triệu USD.

Theo Minh Phương/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/gia-thep-hom-nay-11102021-thep-thanh-tiep-da-di-len-trong-phien-giao-dich-dau-tuan-103627.html