QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Giá thép hôm nay 11/8/2021: Thép thanh vượt mức 5.500 nhân dân tệ/tấn

Ghi nhận vào lúc 10h20 ngày 11/8 (theo giờ Việt Nam), giá thép hôm nay giao tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 123 nhân dân tệ lên mức 5.549 nhân dân tệ/tấn. Lượng khí thải carbon trong lĩnh vực sản xuất thép phải giảm 75% so với mức hiện tại để hạn chế sự nóng lên toàn cầu trong khoảng 2°C.

Giá quặng sắt Đại Liên và Singapore tiếp tục giảm trong phiên đầu tuần, bởi triển vọng về nguồn cung được cải thiện và nhu cầu yếu của Trung Quốc

Quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 4,4% xuống 852,5 CNY (131,67 USD)/tấn, trong phiên giá đã giảm xuống 845 CNY, thấp nhất kể từ ngày 1/4.

Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 tại Singapore giảm 4,3% xuống 160,6 USD/tấn.

Giá thép hôm nay duy trì đà tăng (Ảnh minh họa)

Theo công ty tư vấn SteelHome, quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% Fe ở Trung Quốc có giá 175 USD/tấn trong ngày 6/8, gần mức thấp nhất 4 tháng tại 174,5 USD/tấn đã chạm tới trong ngày trước đó.

Giá quặng sắt đã sụt giảm kể từ khi đạt mức cao kỷ lục hồi tháng 5, với việc bán tháo đặc biệt mạnh mẽ trong ba tuần qua do lo ngại gia tăng về quyết tâm giảm sản lượng thép của Trung Quốc.

Wood Mackenzie, một doanh nghiệp của Verisk, cho biết, lượng khí thải carbon trong lĩnh vực thép phải giảm 75% so với mức hiện tại để hạn chế sự nóng lên toàn cầu trong khoảng 2°C.

Điều này có nghĩa là, cần phải giảm lượng khí thải thép toàn cầu từ hơn 3.000 triệu tấn carbon dioxide (CO2) vào năm 2020 xuống chỉ còn 780 triệu tấn CO2 vào năm 2050.

Ông Mihir Vora, Nhà phân tích cấp cao của Wood Mackenzie, nhận định: “Đây là một mục tiêu cực kỳ thách thức, chứa đựng nhiều trở ngại lớn. Ngành công nghiệp thép sẽ cần phải tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa việc quản lý nhu cầu gia tăng và áp lực khử cacbon”.

Trong giai đoạn 2020 – 2050, nhu cầu thép dự kiến sẽ tăng 23% lên 2.300 triệu tấn. Các nền kinh tế đang phát triển như Ấn Độ, Đông Nam Á và Nam Mỹ dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu, trong khi Trung Quốc và châu Âu sẽ giảm tiêu thụ.

Wood Mackenzie đã vạch ra 5 kết quả chính cần đạt được đối với ngành thép để đạt được lộ trình giảm khí thải. Trước hết, ngành thép cần tăng gấp đôi việc sử dụng phế liệu trong luyện thép, đồng thời cần nâng mức sản xuất và sử dụng sắt giảm trực tiếp (DRI) lên gấp ba lần.

Song song đó, ngành cần giảm cường độ phát thải của lò điện hồ quang (EAF) trung bình toàn cầu xuống 70% và giảm cường độ phát thải của lò cao – lò oxy cơ bản (BF-BOF) xuống 30%, gần với mức tối thiểu về mặt lý thuyết.

Cuối cùng, ngành thép cần phải thu giữ và lưu trữ 45% lượng khí thải carbon còn lại, tương đương khoảng 500 triệu tấn mỗi năm.

Việc thay đổi để phù hợp với mục tiêu hạn chế khí thải trong ngành thép đồng nghĩa với việc thị trường quặng sắt và than luyện kim sẽ bị gián đoạn. Tuy nhiên, đây được xem là lợi ích cho nhu cầu hydro trong sản xuất thép cũng như thu giữ và lưu trữ carbon, theo Wood Mackenzie.

Theo dữ liệu thương mại mới nhất của Trung Quốc, được công bố vào cuối tuần trước, nhập khẩu quặng sắt từ Australia đã giảm xuống 88,51 triệu tấn trong tháng 7 so với con số 89,41 triệu tấn của tháng trước.

Còn theo dữ liệu của MySteel, trên cơ sở từng năm, khối lượng quặng sắt nhập khẩu đã giảm 21% so với mức cao kỷ lục 112,6 triệu tấn một năm trước đó.

Kể từ tháng 3, nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc đã giảm mặc dù một phần là do hạn chế về nguồn cung. Theo ghi nhận, Trung Quốc nhập khẩu 102,1 triệu tấn quặng sắt trong tháng 3; 98,56 triệu tấn trong tháng 4; 89,79 triệu tấn trong tháng 5 và 89,41 triệu tấn trong tháng 6.

Các nhà phân tích nhận định, dữ liệu mới nhất là dấu hiệu cho thấy, các chính sách của chính phủ nhằm giảm sản lượng thép để đáp ứng mục tiêu phát thải carbon của Chủ tịch Tập Cận Bình đang bắt đầu có tác động trên thị trường.

Theo Hạ Vy/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/gia-thep-hom-nay-1182021-thep-thanh-vuot-muc-5500-nhan-dan-tetan-100065.html