QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Giá thép hôm nay 31/8/2021: Ghi nhận mức 5.356 nhân dân tệ/tấn

Ghi nhận vào lúc 10h30 ngày 31/8 (theo giờ Việt Nam), giá thép hôm nay giao tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 65 nhân dân tệ lên mức 5.356 nhân dân tệ/tấn. Tại Trung Quốc, giá thép kỳ hạn đi lên do tồn kho kim loại công nghiệp giảm tuần thứ 4 liên tiếp trong khi nhu cầu ở hạ nguồn tăng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/8, giá thép kỳ hạn của Trung Quốc tăng khoảng 4% do tồn kho kim loại công nghiệp giảm tuần thứ 4 liên tiếp trong khi nhu cầu ở hạ nguồn tăng lên, theo Reuters.

Cụ thể, giá thép thanh vằn SRBcv1 giao tháng 1/2021, được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải (SHFE), đã tăng 4% lên 5.354 nhân dân tệ/tấn (tương đương 827,68 USD/tấn).

Trong cùng ngày, giá thép cuộn cán nóng SHHCcv1, được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất, tăng 3,8% lên mức 5.637 nhân dân tệ/tấn vào lúc đóng cửa.

Tương tự, giá thép không gỉ kỳ hạn SHSScv1 trên Sàn SHFE cũng được điều chỉnh tăng 3,9%, ghi nhận mức 18.125 nhân dân tệ/tấn.

Giá thép hôm nay tiếp tục tăng (Ảnh minh họa)

Dữ liệu từ Công ty tư vấn Mysteel cho thấy, dự trữ 5 sản phẩm thép chính, bao gồm thép cây và thép cuộn cán nóng, đã giảm 1,1% so với một tuần trước đó xuống còn 21 triệu tấn. Trong khi đó, mức tiêu thụ rõ ràng tăng 1,2% lên 10,36 triệu tấn.

Theo GF Futures, với sự xuất hiện của mùa cao điểm, nhu cầu dự kiến sẽ tốt hơn và chính sách cắt giảm thép thô được thắt chặt sẽ có lợi cho các hợp đồng thép có thời gian giao hàng xa.

Fitch Solutions cho biết: “Tăng trưởng sản lượng quặng sắt toàn cầu sẽ tăng tốc trong giai đoạn 2021 – 2025 sau khi trì trệ trong 5 năm trước đó. Đồng thời, sản lượng quặng sắt của Trung Quốc cũng sẽ tăng lên”.

Nhà sản xuất thép niêm yết hàng đầu của Trung Quốc Baoshan Iron & Steel cho biết, các biện pháp kiểm soát sản xuất thép có thể giảm bớt áp lực chi phí.

Khu vực phía Nam Quảng Tây cam kết sẽ kiểm soát chặt chẽ “sự phát triển mù quáng” của các dự án tiêu thụ nhiều năng lượng, đồng thời trấn áp các dự án bất hợp pháp. Trong nửa đầu năm nay, khu vực này đã không đạt được mục tiêu năng lượng đề ra.

Công ty nghiên cứu Fitch Solutions Country Risk and Industry Research cho biết, điều này sẽ chấm dứt tình trạng trì trệ kéo dài do giá quặng sắt đạt mức trung bình thấp nhất trong thập kỷ là 55 USD/tấn vào năm 2015.

Công ty này dự báo rằng, tăng trưởng sản lượng mỏ toàn cầu sẽ đạt mức trung bình là 3,6% trong giai đoạn 2021 – 2025, so với mức -2,3% trong 5 năm trước đó, giúp nâng sản lượng hàng năm thêm 571 triệu tấn vào năm 2025 so với mức năm 2020.

Trong đó, tăng trưởng nguồn cung sẽ chủ yếu được thúc đẩy nhờ hai quốc gia hàng đầu là Brazil và Australia.

Tại Trung Quốc, sản lượng quặng sắt được dự báo sẽ tăng trở lại trong vòng 3 đến 4 năm tới khi nước này nỗ lực tăng khả năng tự cung tự cấp và giảm nhập khẩu từ Australia.

Tuy nhiên, điều này đòi hỏi các công ty khai thác của Trung Quốc hoạt động với chi phí cao hơn trong các loại quặng trong nước sẽ tiếp tục giảm.

Do đó, Fitch Solutions hy vọng rằng, các công ty khai thác Trung Quốc sẽ ưu tiên đầu tư vào các mỏ quặng sắt ở nước ngoài, chẳng hạn như mỏ Simandou ở Guinea.

Xuất khẩu sắt thép 7 tháng năm 2021 tiếp tục tăng

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2021 xuất khẩu sắt thép tiếp tục tăng cả về lượng, kim ngạch và giá so với tháng 6/2021 với mức tăng tương ứng 12,4%, 16,8% và 3,9%, đạt 1,15 triệu tấn, tương đương 1,09 tỷ USD, giá trung bình 945,6 USD/tấn.

Cộng chung cả 7 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu sắt thép của cả nước tăng 46,4% về khối lượng, tăng 121,3% về kim ngạch và tăng 51,2% về giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 7,02 triệu tấn, thu về trên 5,6 tỷ USD, giá trung bình đạt 798,4 USD/tấn.

Đáng chú ý, trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sắt thép sang thị trường EU – thị trường lớn nhất tiệu thụ các loại sắt thép của Việt Nam, tăng rất mạnh 665,7% về lượng, tăng 824% về kim ngạch và tăng 20,7% về giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 841.594 tấn, tương đương 837,49 triệu USD, giá trung bình 995 USD/tấn; chiếm 12% trong tổng lượng và chiếm 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép của cả nước.

Sắt thép xuất khẩu sang Trung Quốc mặc dù khối lượng lớn nhất 1,32 triệu tấn, nhưng kim ngạch chỉ xếp thứ 2, với 764,59 triệu USD, giá trung bình 578,3 USD/tấn, giảm 9,4% về lượng nhưng tăng 30,6% về kim ngạch và tăng 44% về giá so với cùng kỳ năm 2020; chiếm 19% trong tổng lượng và chiếm 13,7% trong tổng kim ngạch.

Tiếp đến thị trường Campuchia đạt 757.365 tấn, tương đương 545,42 triệu USD, giá 720,2 USD/tấn, giảm 16% về lượng nhưng tăng 14,7% về kim ngạch và tăng 36,5% về giá so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 10,8% trong tổng lượng và chiếm 9,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép của cả nước.

Theo Hạ Vy/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/gia-thep-hom-nay-3182021-ghi-nhan-muc-5356-nhan-dan-tetan-101457.html