QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Giá tiêu liên tục tăng mạnh, liệu có lập “đỉnh” trong năm 2021?

Sau khi liên tiếp giảm giá từ năm 2016 đến năm 2020, giá tiêu bước sang năm 2021 đảo chiều tăng, đặc biệt tăng dựng đứng kể từ đầu tháng 3/2021.

Đầu tháng 3, giá hạt tiêu tại các vùng trồng tiêu nguyên liệu ở mức trung bình 55,2 nghìn đồng/kg, chỉ gần 20 ngày sau đó đã lên sát 80 nghìn đồng/kg, tương đương tăng trên 40%. Cụ thể tại các địa phương như sau:

Nguồn Tin Tây Nguyên

Mức giá đỉnh cao của năm nay ghi nhận vào ngày 19/3/2021. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, ngày 20/3, giá đột ngột giảm mạnh, tính đến cuối ngày giảm khoảng 4 nghìn đồng/kg so với hôm trước.

Trên thế giới, giá tiêu tại Ấn Độ cũng tăng mặc dù tốc độ chậm hơn và có độ trễ hơn so với tiêu Việt Nam. Theo đó, ngày 19/3, giá tiêu trên sàn Kochi (Ấn Độ) ở mức 383 rupee/kg, so với mức 315 – 320 rupee/kg cuối tháng 2/2021.

Ảnh minh họa

Giá tiêu tăng mạnh như vậy được lý giải bởi một số lý do như:

Dịch Covid-19 giảm dần khiến nhu cầu tiêu trên toàn cầu tăng lên ở hầu hết các thị trường, từ Mỹ, Châu Âu đến Châu Á…;Sản lượng hạt tiêu thế giới năm 2021 dự báo giảm do yếu tố thời tiết và do giá thấp kéo dài nhiều năm qua khiến các vườn tiêu không được chăm sóc, đầu tư nhiều; Diện tích tiêu ở Việt Nam bị thu hẹp, tồn trữ từ năm ngoái sang năm nay không nhiều.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) ước tính sản lượng tiêu cả nước năm nay có thể giảm 25-30% so với năm 2020 xuống khoảng 168.000 – 180.000 tấn do nhiều vườn tiêu già cỗi và người dân giảm đầu tư chăm sóc. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), sản lượng tiêu của tỉnh niên vụ 2020 – 2021 dự kiến giảm 60 -70%.

Thu hoạch tiêu năm nay muộn hơn mọi năm cũng khiến nguồn cung tiêu vụ mới ra thị trường không đúng dịp mà các nhà xuất khẩu tính toán lúc ký đơn hàng.

Diễn biến giá tiêu tính đến ngày 20/3

Tuy nhiên, có một yếu tố khác nữa tác động mạnh đến thị trường thời gian qua, đó là hiện tượng găm hàng của người trồng tiêu và gom hàng của một số nhà đầu cơ. Việc giá tiêu đột ngột giảm đã cho thấy điều đó. Một số đơn vị xuất khẩu tiêu ký đơn hàng giao xa từ trước khi giá tăng đến nay đã không có tiêu để giao hoặc dù mua được tiêu thì với giá cao quá sẽ lỗ lớn.

Tuy nhiên, khi giá tiêu gần chạm 80.000 đồng/kg thì có đơn vị đã phải hủy đơn, bồi thường cho đối tác hoặc nhập tiêu từ các nước khác như Indonesia, Brazil…để tránh bị phạt hợp đồng. Giá tiêu đen trong nước dao động quanh mức 3.200 – 3.300 USD/tấn, trong khi giá xuất khẩu chỉ khoảng 2.400 – 2.500 USD/tấn. Sau khi giải quyết các đơn hàng xuất khẩu xong, lực đẩy của khối xuất khẩu giảm đi khiến giá tiêu chững lại.

Về phía người trồng tiêu cũng vậy, khi thấy giá lên cao như hiện nay cũng bắt đầu bán ra, khiến nguồn cung trở nên dồi dào hơn, ngăn giá tăng thêm nữa.

Việc giá tiêu trong nước tăng mạnh hơn nhiều so với giá quốc tế đã chi phối xu hướng xuất nhập khẩu hạt tiêu của Việt Nam.

Đối với các địa phương và người nông dân cần cân nhắc việc bán hàng đúng thời điểm hiệu quả, không thu hái tiêu xanh, không vì giá tăng cao mà vay ngân hàng hoặc các nguồn vay khác để trữ hàng, tránh rủi ro khi thị trường giá xuống, hạn chế việc giá lên mở rộng diện tích trồng tiêu như những năm 2015-2016.

Tâm lý lo ngại giá tiêu trên thị trường sẽ có xu hướng quay đầu giảm, lúc này người dân có tâm lý lo ngại sẽ bán mạnh, điều này dễ dẫn đến giá tiêu “tuột dốc không phanh”. Nhưng thực tế vụ tiêu năm nay sản lượng giảm nghiêm trọng, trong khi dự báo nhu cầu tăng sẽ tiếp tục kéo giá tiêu đi lên những tháng tiếp theo. Vì vậy người dân nên cân nhắc khi bán ra, ai cần trang trải thì bán trước, ai không gấp thì cứ để trong kho.

Theo Thu Uyên/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/gia-tieu-lien-tuc-tang-manh-lieu-co-lap-dinh-trong-nam-2021-90404.html