QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Giá vàng hôm nay 14/5/2021: Vàng sụt giảm do áp lực từ đồng USD

Giá vàng hôm nay trên thị trường quốc tế chịu áp lực giảm do đồng USD đi lên sau khi Mỹ công bố lạm phát tăng kỷ lục và thị trường lao động tích cực.

Tại thị trường vàng trong nước, chốt phiên ngày 13/5 đa số các cửa hàng vàng tại Hà Nội giảm nhẹ giá vàng 9999 ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.

Kết thúc phiên giao dịch 13/5, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC khu vực Hà Nội ở mức: 55,70 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,10 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 55,72 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,08 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tại Sài Gòn, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 55,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,05 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 55,72 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,10 triệu đồng/lượng (bán ra).

Ảnh minh họa

Đêm ngày 13/5 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.819 USD/ounce. Vàng giao tháng 6 trên sàn Comex New York ở mức 1.818 USD/ounce.

Giá vàng thế giới đêm 13/5 cao hơn khoảng 19,6% (298 USD/ounce) so với đầu năm 2020. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 51,5 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 4,6 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 13/5.

Giá vàng trên thị trường quốc tế chịu áp lực giảm do đồng USD đi lên sau khi Mỹ công bố lạm phát tăng kỷ lục và thị trường lao động tích cực.

Theo Bộ Lao động Mỹ, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần giảm mạnh xuống chỉ còn 473 nghìn đơn, thấp hơn so với mức 507 nghìn trường hợp trong tuần trước đó và cao hơn so với dự báo 487 nghìn đơn.

Thông tin này ngay lập tức tác động tiêu cực lên vàng.

Trong phiên liền trước, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 4/2021 đã tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng theo năm lớn nhất kể từ năm 2008, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.

Lạm phát gây áp lực đẩy giá vàng lên 2.000 USD?

Theo một nhà phân tích thị trường, sự bứt phá gần đây của thị trường vàng trên 1.800 USD/ounce có thể là khởi đầu cho một động thái quan trọng hơn trong nửa cuối năm, có thể đẩy giá trở lại mức 2.000 USD.

Trong một cuộc phỏng vấn với Kitco News, Steven Dunn, người đứng đầu bộ phận sản phẩm giao dịch trao đổi tại Aberdeen Standard Investments cho rằng, vàng đang thu hút sự chú ý như một biện pháp bảo vệ chống lại lạm phát, kim loại quý này cũng vẫn là một yếu tố đa dạng hóa quan trọng khi sự biến động tăng lên trên thị trường chứng khoán đang được định giá quá cao.

Theo dự đoán của chuyên gia này, “Vàng vẫn chưa chứng kiến ​​những ngày tốt nhất của nó trong năm 2021. Tôi luôn kỳ vọng, nửa cuối năm sẽ thú vị hơn rất nhiều đối với vàng và có lẽ chúng ta sẽ bắt đầu thấy điều đó diễn ra sớm hơn một vài tháng.”

Triển vọng tăng giá của Steven Dunn đối với vàng vào khoảng 1.850 USD. Dunn nói rằng, cuộc tranh luận lạm phát đang kìm hãm thị trường vàng một chút vì các nhà đầu tư và Fed đều không có một bức tranh rõ ràng về mối đe dọa lạm phát đang rình rập.

Theo Minh Phương/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/gia-vang-hom-nay-1452021-vang-sut-giam-do-ap-luc-tu-dong-usd-93638.html