QC 1
Thứ 4, ngày 24/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Giải ngân gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Thực tiễn chưa đáp ứng kỳ vọng

Đến trung tuần tháng 10/2020, tỷ lệ giải ngân gói hỗ trợ an sinh theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP còn thấp trong đó tỷ lệ giải ngân trực tiếp đạt khoảng 35% dự toán; tỷ lệ giải ngân gián tiếp mới đạt 1,24%.

Thảo luận về kinh tế – xã hội gần trọn ngày 3/11, mặc dù đều đánh giá cao kết quả chống dịch COVID-19, song một số vị đại biểu cho rằng, một số chính sách hỗ trợ, mà điển hình là gói 62.000 tỷ đồng chưa thực sự hiệu quả.

Theo báo cáo của Ủy ban Về các vấn đề xã hội hoàn thành trước thềm phiên thảo luận, một số đề xuất hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 chưa sát với thực tiễn và chưa lường hết các khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện dẫn đến một số bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.

Đến trung tuần tháng 10/2020, tỷ lệ giải ngân gói hỗ trợ an sinh theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP còn thấp trong đó tỷ lệ giải ngân trực tiếp đạt khoảng 35% dự toán; tỷ lệ giải ngân gián tiếp còn quá thấp, mới đạt 1,24%.

Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), thực tế số doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ này không nhiều. Đại biểu Tuyết đề nghị “Chính phủ cần đánh giá đầy đủ chính sách, kết quả đạt được và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó đưa ra chính sách phù hợp với từng ngành, lĩnh vực”.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, việc thiết kế và triển khai gói hỗ trợ khẩn cấp 62.000 tỷ đồng cho người lao động và các đối tượng yếu thế còn lúng túng và kém hiệu lực cũng là việc cần phải rút kinh nghiệm và điều chỉnh.

Nhìn rộng hơn, ông Lộc so sánh, trong khi các chính sách kinh tế vĩ mô như tài khóa, tiền tệ và các chính sách phát triển như nông nghiệp, xuất khẩu… được hoạch định tương đối tốt thì đại dịch COVID-19 cũng là phép thử cho thấy, mạng lưới an sinh xã hội của Việt Nam vẫn còn nhiều lỗ hổng. Mặc dù đã tăng 1,3 lần trong 5 năm qua nhưng cho đến nay mới chỉ có 1/3 lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Điều này cho thấy một phần là do khu vực kinh tế phi chính thức trong nền kinh tế nước ta còn quá lớn, mặt khác cũng có nghĩa là phần lớn người lao động đã và sẽ không nhận được những hỗ trợ cần thiết vào đúng thời điểm họ cần được hỗ trợ nhất – Chủ tịch Vũ Tiến Lộc nhận định.

Về định hướng phát triển cho 5 năm tới, ông Lộc đồng tình với mục tiêu tăng trưởng kinh tế được Chính phủ đề xuất nhưng cho rằng, đây là một mục tiêu đầy thách thức nếu như nhìn vào thực tiễn tăng trưởng suốt hơn một thập kỷ qua.

“Từ năm 2010 đến năm 2019, GDP của Việt Nam chỉ tăng trung bình 6,3%/năm. Nếu tính thêm cả năm 2009 và năm 2020, con số còn thấp hơn nữa. Bởi vậy, việc đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình 6,5 – 7% trong 5 năm tới theo tôi là mục tiêu rất gian nan. Tương tự, mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt 4.700 – 5.000 USD vào năm 2025 cũng sẽ cần phải có rất nhiều nỗ lực”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Theo ông Lộc, có khát vọng là cần thiết, đặt ra mục tiêu cao sẽ thúc đẩy cả hệ thống nỗ lực hơn, nhưng cũng sẽ gây sức ép lên các chính sách tài khóa và tiền tệ và có thể đẩy nền kinh tế rơi vào tình trạng bất ổn vĩ mô như đã từng xảy ra trong quá khứ.

“Đây là điều rất cần cẩn trọng và tôi đề nghị Chính phủ trong chỉ đạo điều hành cần ưu tiên mục tiêu ổn định, coi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng cho mọi kế hoạch phát triển, là bệ đỡ cho mọi khát vọng bay lên”, ông Lộc nói.

Theo Yến Thanh/ Kinh tế chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/giai-ngan-goi-ho-tro-62000-ty-dong-thuc-tien-chua-dap-ung-ky-vong-81003.html