QC 1
Thứ 3, ngày 23/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Giảm áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong quý 1/2023

Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn của 3 tháng đầu năm mới xấp xỉ 40.000 tỷ đồng, con số này còn chưa bằng giá trị của riêng tháng 12/2022.

Theo thống kê của Thương Gia, tháng 12/2022 có gần 43.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (không bao gồm ngân hàng) đã đáo hạn. Thực tế, giá trị phát hành của các lô trái phiếu này lên tới hơn 56.000 tỷ đồng nhưng đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn gần 13.600 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp còn mua lại trước hạn ngay trong tháng, chỉ vài ngày trước thời điểm đáo hạn.

Nếu tính về giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn thì lớn nhất thuộc về CTCP Wealth Power (2.880 tỷ) và CTCP Bách Hưng Vương (2.680 tỷ). Hai công ty này thuộc nhóm Masterise nổi đình nổi đám suốt năm 2021 và không có hoạt động mua lại trước hạn. Được biết, đây là 2 lô trái phiếu phát hành vào tháng 12/2021 nhằm huy động vốn để phục vụ cho siêu dự án Global City.

Nếu tính về giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong tháng 12/2022 thì lớn nhất thuộc về CTCP Wealth Power (2.880 tỷ)

Nếu tính quy mô nhóm, lớn nhất phải là VinFast và Vingroup với tổng giá trị trái phiếu đáo hạn là 8.305 tỷ đồng. Trong đó, lô của Vingroup là 2.000 tỷ đồng và đã được mua lại tới 1.500 tỷ đồng vào ngày 19/12.

Các công ty thuộc nhóm Novaland xếp thứ 2 với giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là 4.600 tỷ đồng. Trong đó, giá trị phát hành 7.260 tỷ đồng và giá trị mua lại 2.660 tỷ và đều được thực hiện dồn dập trong tháng 12.

Riêng, NovaGroup phát hành 4 lô có giá trị 2.500 tỷ đồng trong năm 2019 và 2021 đến hạn vào cuối năm 2022, nhưng đơn vị này đã mua lại trước hạn 1.500 tỷ trọn 3 lô NVLH2122008, NVL2019.200 và NVLH2122015.

Bên cạnh đó là trái phiếu của các doanh nghiệp thành viên của NovaGroup như CTCP Đầu tư và phát triển BĐS Thuận Phát, BĐS Đà lạt Valley, Kinh doanh BĐS Thái Bình, Công ty TNHH Thành phố Aqua và CTCP Cao ốc Phương Đông.

Đứng thứ 3 phải kể đến là CTCP Bất động sản Greenwich, với giá trị đáo hạn 2.000 tỷ trái phiếu. Lô trái phiếu doanh nghiệp này được phát hành từ tháng 12/2020 với lãi suất 10%/năm.

Trong nhóm này đáng chú ý còn có MIK với 3 lô trái phiếu tổng giá trị trước mua lại là 4.148 tỷ đồng. Lô lớn nhất giá trị là 3.550 tỷ đồng do Công ty TNHH Khu Đông – Phú Quốc phát hành vào ngày 25/12/2020, nhưng công ty đã mua lại trước hạn 2.900 tỷ đồng. Do đó, giá trị đáo hạn lô trái phiếu này trong tháng 12 chỉ còn 1.248 tỷ đồng.

18 lô trái phiếu thuộc nhóm Sovico, bao gồm 1 lô của Địa ốc Phú Long và 17 lô của Sovico Group có tổng giá trị phát hành 2.000 tỷ đồng cũng đã đáo hạn. Tuy nhiên, hóm này giống nhóm Masterise không thực hiện hoạt động mua lại nào.

Theo thống kê, quý 1/2023 có tổng 40.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Con số này chưa bằng giá trị của riêng tháng 12/2022. Do đó, áp lực cho các doanh nghiệp cũng có phần nhẹ nhàng hơn trước.Nhưng các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với một áp lực nặng nề hơn, vì theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, Thanh tra Chính phủ đang nắm tình hình để chuẩn bị thanh tra chuyên đề về việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp.

Theo Thiên Ân /Thương Gia

Nguồn: https://thuonggiaonline.vn/giam-ap-luc-dao-han-trai-phieu-doanh-nghiep-trong-quy-12023-53934.htm