QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Giảm nợ xấu dưới 1% bằng phương pháp “dịch chuyển”

Để kéo tỷ lệ nợ xấu giảm xuống, ngân hàng có thể dịch chuyển nhóm nợ hoặc dịch chuyển cơ cấu nguồn thu về ngành ít chịu tác động của dịch bệnh.

Năm 2020, lợi nhuận của 2/3 số ngân hàng trong hệ thống tăng trưởng hai con số, nằm ngoài kỳ vọng trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy vậy, tình hình nợ xấu lại có biến động trái chiều. Dưới tác động của Thông tư 01/2020/TT-NHNN, một số ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh nhưng cũng có thêm nhiều ngân hàng kiểm soát tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 1%.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Gần 10 ngân hàng báo giảm nợ xấu xuống dưới mốc 1%

Ngân hàng đang có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Nợ xấu của Techcombank đứng ở mức 0,5%, giảm mạnh so với mức 1,3% một năm trước đó.

Trong năm 2020, ngân hàng này cho biết đã chủ động xử lý một số khoản nợ xấu. Chi phí dự phòng của năm 2020 tăng lên mức 2.600 tỷ đồng so với mức 917 tỷ đồng của năm 2019. Chi phí tín dụng được duy trì ở mức 1,1% cho cả năm 2020.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nghiêm Xuân Thành cho biết, đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng chỉ còn 0,6%/tổng dư nợ – mức thấp nhất trong lịch sử của ngân hàng này.

Năm 2020 cũng là năm quỹ dự phòng rủi ro của Vietcombank lên mức kỷ lục 19.344 tỷ đồng. Việc đẩy mạnh trích lập khiến tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng gần 380%, tức là 100 đồng nợ xấu thì ngân hàng dự phòng gần 380 đồng.

Vietcombank cũng là ngân hàng có tỷ lệ bao nợ xấu cao nhất trong hệ thống. Ngoài mạnh tay trích lập dự phòng, ngân hàng đã chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng bán lẻ nhằm tăng hiệu quả kinh doanh do lãi suất cho bán lẻ cao hơn bán buôn mà rủi ro lại thấp hơn vì có tài sản thế chấp. Mặt khác, chính sách quản trị rủi ro tín dụng của Vietcombank khá thận trọng, giúp ngân hàng này giảm áp lực nợ xấu mới phát sinh.

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Lê Đức Thọ mới đây cho biết, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này đã giảm mạnh xuống dưới 1%. Trong năm 2020, VietinBank cũng đã tất toán toàn bộ nợ xấu tại VAMC. Ngoài ra, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cho vay và trái phiếu nội bảng cũng được cải thiện, tăng lên 130%.

Năm qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á (BacABank) đã kiểm soát nợ xấu dưới 1% khá thành công. Nợ xấu cuối năm 2020 của ngân hàng này là 0,79%.

Trong hệ thống, Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) cũng đã kéo tỷ lệ nợ xấu hạ từ 1,97% cuối năm 2019 xuống còn 0,83% cuối năm 2020. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) có tỷ lệ nợ xấu tính tới cuối năm 2020 là 0,6%. Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) có tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ là 0,93% và Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) có tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ là 0,92%.

Các ngân hàng đã giảm nợ xấu bằng cách nào?

Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, nợ xấu nội bảng năm 2021 sẽ không đổi so với năm 2020. Tổng nợ xấu và trái phiếu VAMC các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu của SSI sẽ giảm còn 1,98% vào năm 2021.

Tỷ lệ này có thể cao hơn tại nhóm các ngân hàng nhỏ hơn trong hệ thống. Cơ sở nhận định trên là hệ thống ngân hàng đang ở vị thế tốt hơn so với chu kỳ tín dụng trước đây, khi hầu hết các ngân hàng đã giải quyết hết hoặc gần hết tài sản có vấn đề.

Song SSI cũng lưu ý rằng, một số rủi ro tín dụng vẫn có thể bị trì hoãn trong ghi nhận do các biện pháp hỗ trợ từ Thông tư 01. Nợ xấu còn tiềm ẩn từ khoản nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 01 cũng là vấn đề mà giới chuyên môn khuyến nghị các ngân hàng đặc biệt lưu tâm trong thời gian tới.

Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, các chuyên gia kiến nghị, nên cho phép các TCTD thực hiện Thông tư kéo dài ít nhất đến hết tháng 6/2021 hoặc kéo dài đến đầu năm sau.

Khi nền kinh tế có sự phục hồi, doanh nghiệp hoạt động tốt và có khả năng trả nợ ngân hàng cao hơn. Rủi ro nợ xấu giảm nhưng rõ ràng số lượng nợ cơ cấu lại vẫn tương đối cao. Chưa kể tình hình giải quyết nợ xấu của các ngân hàng chưa đồng đều. Nhiều ngân hàng xử lý rất tốt, nhưng cũng có một số ngân hàng vẫn đang vật lộn với nợ xấu.

Tuy nhiên, hiện việc thanh lý tài sản đảm bảo trong xử lý nợ xấu không phải dễ dàng bán được. Nhiều khoản nợ xấu được rao bán hàng chục lần, với mức giá giảm hàng trăm tỷ đồng so với giá khởi điểm, mà vẫn không bán được. Vì vậy tới đây, các ngân hàng nên đa dạng hóa giải pháp xử lý nợ xấu.

Nhìn từ trường hợp của Vietcombank, để hạn chế nợ xấu mới phát sinh, các ngân hàng đẩy mạnh dịch chuyển cơ cấu lợi nhuận sang dịch vụ và hoạt động kinh doanh khác thay vì tập trung nhiều vào mảng tín dụng. Song song với đó, các ngân hàng phải tăng hoạt động kiểm soát rủi ro, quản trị rủi ro đối với danh mục tín dụng đang có và sẽ có trong thời gian tới.

Một hướng đi có thể đẩy nhanh xử lý nợ xấu được giới chuyên gia đề cập tới đó là sớm vận hành sàn giao dịch mua bán nợ xấu. Tại Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu VAMC phải hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành Sàn giao dịch nợ giai đoạn 2021 – 2025.

Theo Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/giam-no-xau-duoi-1-bang-phuong-phap-dich-chuyen-88295.html