QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Góc nhìn chứng khoán: Chạm đỉnh ngắn hạn, lực bán tăng mạnh

Diễn biến khá xấu trên thị trường tương lai của Mỹ có lẽ đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư, cộng với việc VN-Index quay lại sát đỉnh cao 871,28 điểm của ngày 22/6 nên nhà đầu tư đã bán ra mạnh tay.

Thị trường có dấu hiệu bị xả hàng lớn khi VN-Index kiểm định lại đỉnh cao gần nhất hồi tháng 6.

Thị trường tăng tốt trong 5 phiên gần nhất nên nhiều cổ phiếu được bắt đáy cũng có lãi khá và rất dễ bị chốt lời. Lực bán phiên này mạnh đẩy giá cổ phiếu tụt dần suốt từ gần 11h đến hết phiên.

Cơ hội để VN-Index kiểm tra đỉnh cao cũ ngày 22/6 vừa qua là khoảng giữa phiên sáng nhờ động lực vẫn còn tại các mã vốn hóa lớn. VHM là ví dụ, vẫn kịp tăng tiếp 1,36% nữa sau mức bùng nổ 3,86% hôm qua, trước khi bị xả lùi xuống tận tham chiếu lúc đóng cửa. VNM yếu hơn đáng kể, không tăng thêm được nhiều và đóng cửa lại giảm 0,43%. VIC bật tăng 0,88% rồi lại quay xuống dưới tham chiếu, giảm 0,44%. GAS vọt tăng 2,62% nhưng cuối cùng để mất toàn bộ, chốt về tham chiếu…

VN-Index may mắn vẫn còn vài mã lớn khá tăng tốt, trong đó có SAB đóng cửa tăng 2,55%, BID tăng 1,25%, CTG tăng 1,74%, HPG tăng 2,72%. Tuy vậy cũng không mã nào trong số này đóng cửa duy trì được mức tăng cao nhất, đều phải trả lại thị trường ít nhiều: SAB ban đầu tăng 4,49%, BID tăng 1,87%, CTG tăng 2,82%, HPG tăng 4,71%.

Nhu cầu chốt lời cũng đẩy thanh khoản phiên này tăng vọt với khối lượng khớp lệnh sàn HSX lên cao nhất 5 phiên, giá trị cao nhất 10 phiên. Đặc biệt HPG giao dịch lập kỷ lục lịch sử với 28,04 triệu cổ phiếu tương đương giá trị xấp xỉ 797 tỷ đồng.

VN-Index lập đỉnh cao nhất trong buổi sáng tại mức 870,6 điểm, tăng 1,1% so với tham chiếu hay 9,47 điểm khi các blue-chips sung sức nhất. Như vậy chỉ số này cũng đã tiến sát đến đỉnh cao ngày 22/6 (871,28 điểm) trước khi xuất hiện lực bán lớn đẩy giá lùi xuống. Chỉ số đóng cửa chỉ còn tăng 0,26% tương đương 2,26 điểm. Hơn 7 điểm đã phải trả lại thị trường cuối phiên.

Phiên giao dịch hôm nay có thanh khoản rất cao cho thấy đã có thêm nhiều nhà đầu tư quay lại thị trường và mua rất mạnh. Tuy vậy chiều ngược lại cũng có rất nhiều nhà đầu tư tranh thủ cơ hội để chốt lời. Các chỉ số vẫn đóng cửa cao hơn ngày hôm qua nhờ một số mã lớn còn tăng, nhưng cổ phiếu tăng giảm khá cân bằng. Như vậy thị trường đạt điểm cân bằng cung cầu phiên này.

Khi VN-Index để mất tới hơn 7 điểm và yếu đi cũng là lúc các thị trường chứng khoán thế giới quay đầu điều chỉnh, nhất là thị trường tương lai của chứng khoán châu Âu và Mỹ. Các chỉ số tương lai giảm khoảng 1% báo hiệu một phiên điều chỉnh sau khi thị trường châu Á đóng cửa. Điều này phần nào tác động tới tâm lý chốt lời ngắn hạn. Mặt khác, VN-Index cũng chưa chắc đã có thể vượt qua đỉnh cao cũ trong tháng 6 nghĩa là xu thế giảm ngắn hạn vẫn có khả năng xảy ra.

Mặc dù áp lực bán đã gia tăng đáng kể hôm nay nhưng tác động lên thị trường cũng chưa rõ ràng. Tuy nhiên khi thị trường tăng như ngày hôm qua chủ yếu xuất phải từ sự kích thích của các mã lớn (VHM và VNM) thì lúc các mã này suy yếu, thị trường cũng sẽ suy yếu chung. Mặt khác, tâm lý thị trường trong nước vẫn đang theo sát diễn biến quốc tế. Hôm qua chứng khoán thế giới mạnh kéo theo thị trường trong nước tăng cao, sáng nay thị trường vẫn còn rất tốt cho đến khi các chỉ số tương lại quốc tế quay đầu giảm mạnh.

Điểm tích cực là đã có thêm các nhà đầu tư quay lại mua trên thị trường mới có thể tạo nên mức thanh khoản cải thiện đáng kể hôm nay. Hạn chế của thanh khoản là giao dịch dồn quá nhiều vào số ít cổ phiếu như HPG, HSG, CTG, DBC, FLC, FPT, VRE, VNM, VHM (chiếm 38,4% cả hai sàn) trong khi mã nào cũng bị lực xả lớn dồn ép đến tận lúc đóng cửa.

Theo Song Tử/VietnamFinance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/goc-nhin-chung-khoan-cham-dinh-ngan-han-luc-ban-tang-manh-20180504224240767.htm