QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Góc nhìn chứng khoán: Phập phù cùng thế giới

Diễn biến bất lợi từ chứng khoán thế giới bất ngờ có ảnh hưởng lớn đến thị trường trong nước phiên cuối tuần. Giao dịch không còn chút hưng phấn nào sót lại của phiên hôm qua, bất kể là nhóm đầu cơ hay các blue-chips ngân hàng.

SAB (màu xanh) là cổ phiếu hiếm hoi vượt qua đỉnh cao tháng 6 trong khi VN-Index vẫn chưa có cơ hội kiểm định đỉnh cao này. Đại đa số cổ phiếu vẫn còn kém xa mức tăng trưởng của chỉ số.

Thị trường dường như đang thay đổi rất dễ theo cảm xúc từng ngày với các giao dịch lướt sóng siêu ngắn T+3 hay T+5. Ảnh hưởng của thị trường quốc tế cũng chi phối đáng kể.

Đêm qua chứng khoán Mỹ sụt giảm khá mạnh với chỉ số DJA mất khoảng 1,39%. Hôm nay chứng khoán châu Á cũng đỏ nặng: Nhật giảm 1,06%, Trung Quốc giảm 1,95%, HongKong giảm 1,99%, Hàn Quốc giảm 0,88%. Trong phiên châu Á, thị trường tương lai của Mỹ cũng giảm hơn 1%.

Trong nước, các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng giao dịch rất phập phù. Hôm qua cổ phiếu ngân hàng tăng tưng bừng, hôm nay lại đồng loạt giảm: CTG giảm 1,24%, MBB giảm 1,15%, STB giảm 2,12%, TCB giảm 2,39%, VCB giảm 1,08%, VPB giảm 0,88%. Các trụ khỏe hôm qua như GAS cũng giảm 1,2%. Hiện tượng chốt lời nhanh xuất hiện nhiều đẩy đa số cổ phiếu quay đầu giảm dù mức tăng trước đó chưa bao nhiêu.

Số cổ phiếu giảm giá hôm nay nhiều gấp đôi số tăng mặc dù hôm qua giao dịch cực kỳ hưng phấn. Hiện tượng mua bán nhanh là một dấu hiệu của sự thiếu tin tưởng vào một xu hướng bền vững vì VN-Index sau khi vượt qua được đỉnh 871 điểm thì cơ hội tiến tới ngưỡng 900 điểm là không nhỏ. Tuy vậy yếu tố đẩy trụ như SAB đã không đem lại lợi ích nhiều đối với các cổ phiếu khác, dẫn tới nhu cầu chốt lời với hàng bắt đáy hoặc tranh thủ cắt lỗ.

Ngay cả trụ SAB hôm nay cũng bị bán ra tạo sức ép khá lớn. SAB đầu phiên có bước tăng nhảy vọt thêm 5,37% nữa, lên 216.000 đồng/cổ phiếu nâng tổng mức tăng của nhịp hiện tại từ cuối tháng 6 đến hôm nay lên tới trên 37%. Nhà đầu cơ nhanh chóng chốt lời khiến giá lui dần và cuối phiên tăng không đáng kể 0,49% so với tham chiếu.

Nếu như các cổ phiếu vốn hóa lớn không còn động lực kéo thị trường lên nữa mà quay đầu giảm, nguy cơ VN-Index tụt xuống theo là rất cao. VN-Index tăng nhờ SAB thì cũng có thể gục ngã vì SAB. Trong khi đó đại đa số cổ phiếu tăng giá kém xa VN-Index lẫn SAB và lại có nguy cơ giảm nhanh hơn nếu thị trường quay đầu.

Một thực tế là sau khi thị trường đạt đỉnh đầu tháng 6 thì rất nhiều cổ phiếu cũng đạt đỉnh và quay đầu giảm mạnh đến cuối tháng. Những ngày tăng đầu tháng 7 này tuy khá tốt đối với VN-Index nhưng lại không tốt tương xứng với cổ phiếu. Nói đơn giản, đa số cổ phiếu đã không theo kịp thị trường, mới chỉ phục hồi 3-5% trong mức độ hồi kỹ thuật ở xu hướng giảm, thậm chí nhiều mã tăng dưới 1%. Vì vậy nhà đầu tư sẽ không kỳ vọng nhiều mà chỉ coi những phiên tăng như một cơ hội để lướt sóng ngắn hạn và những người mắc kẹt tại đỉnh cao tháng 6 coi đó là cơ hội để cắt lỗ bớt thiệt hại.

Khi nhìn vào thanh khoản cũng có thể thấy động lực mua bắt đáy không nhiều nên thanh khoản những ngày đầu tháng 7 khi VN-Index đi lên là khá thấp. Thế nhưng khi VN-Index tiếp cận đỉnh cao gần nhất, thanh khoản lại tăng cao. Rõ ràng là nhà đầu tư đang có sẵn cổ phiếu đã canh để bán ra, còn rất ít nhà đầu tư mua được ở giá thấp nhất mà chủ yếu là mua khi nhiều phiên tăng đã diễn ra. Việc hành động chậm khiến các giao dịch ngắn hạn khi bắt đầu có thanh khoản tốt đem lại rất ít lợi nhuận.

Mức độ nhạy cảm với thị trường thế giới chủ yếu là do tâm lý nhà đầu tư nhìn vào ngắn hạn. Nếu thị trường Việt Nam đã kết thúc nhịp điều chỉnh để bước vào một sóng tăng mới thì mức độ tự tin cần phải chắc chắn hơn. Khi SAB kéo VN-Index tăng nhà đầu tư nghi ngờ về sức mạnh trong khi nếu SAB hay các cổ phiếu lớn điều chỉnh đẩy VN-Index giảm, thị trường chung cũng lại quay đầu giảm. Vì vậy rất ít nhà đầu tư được hưởng lợi từ 8 phiên tăng vừa qua nếu như mở vị thế mua mới hoàn toàn.

Do tính chi phối của một số cổ phiếu lớn là khá rõ lúc này nên VN-Index mang nhiều yếu tố thiếu chắc chắn. Chỉ số này vẫn có cơ hội kiểm định lại đỉnh cao 900 điểm đầu tháng 6 nhưng rất hiếm cổ phiếu có cơ hội kiểm định đỉnh cao tương ứng. Vì vậy rất khó để nói thị trường thật sự bước vào xu thế tăng mới hay vẫn chỉ là loanh quanh dao động trong vùng đi ngang. Đối với cổ phiếu, sự phân hóa sức mạnh là quá rõ, đỉnh cao tháng 6 vẫn là niềm mơ ước của rất nhiều nhà đầu tư mắc kẹt.

Theo Song Tử/VietnamFinance

Nguồn:https://vietnamfinance.vn/goc-nhin-chung-khoan-phap-phu-cung-the-gioi-20180504224240896.htm