QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Góc nhìn chuyên gia: Nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài bán ròng liên tiếp

Trong vòng 1 tuần trở lại đây, nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp bán ròng trên toàn thị trường, tổng giá trị lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. Vậy đâu là nguyên nhân?


Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/05, VN-Index tăng 2,84 điểm (+0,27%) lên 1.064,63 điểm với 139 mã tăng và 266 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch trên HSX đạt 669,53 triệu đơn vị, thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với phiên ngày hôm qua. Nhóm VN30 tăng 0,06 điểm với 12 mã tăng và 15 mã giảm.

Các trụ lớn là nhóm giữ được sắc xanh, bao gồm GVR, FPT, GAS, VNM. Điểm nhấn của nhóm VN30 đến từ GVR khi cổ phiếu này tăng 4%. Ở chiều ngược lại, các mã chìm trong sắc đỏ là STB, VPB, TCB là tác nhân gây giảm điểm chính. Các mã còn lại giảm không đáng kể, chưa tới 1%

Trong phiên hôm nay, khối nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng bán ròng với tổng giá trị lên tới 397 tỷ đồng. HPG, VND, HSG là 3 cổ phiếu nước ngoài bán ròng mạnh nhất trong phiên nay, Chỉ tính riêng 3 cổ phiếu này, tổng giá trị bán ròng phiên nay đã lên tới hơn 133 tỷ đồng.

Trên sàn giao dịch HNX, chỉ số chính tăng 0,82 điểm, tương đương 0,38%. Thanh khoản giao dịch đạt 94,2 triệu cổ phiếu với tổng giá trị 1.665 tỷ đồng.

Trên sàn giao dịch UPCOM, chỉ số chính giảm 0.22 điểm, tương đương 0,27%. Thanh khoản giao dịch đạt 59,49 triệu cổ phiếu với tổng giá trị lên tới gần 706 tỷ đồng.

Ông Nghiêm Quang Duy, CEO của DGINVEST.

Như vậy, chỉ trong 1 tuần trở lại đây, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 2.000 tỷ đồng. Lí giải nguyên nhân vì sao nhà đầu tư nước ngoài lại mạnh tay bán ròng trong các phiên giao dịch gần đây, ông Nghiêm Quang Duy, CEO của DGINVEST, người đã có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán chia sẻ:

“Các cổ phiếu khối ngoại nắm giữ nhiều nhất trong danh mục là ngân hàng. Triển vọng tăng trưởng của ngành ngân hàng trong nửa cuối năm 2023 đang là 1 dấu hỏi rất lớn khi mà tăng trưởng tín dụng sau 5 tháng đầu năm vẫn chỉ khoảng 2.5 -3%. Đây là mức tăng trưởng rất thấp và chưa có cải thiện so với quý I/2023. Mục tiêu cả năm 2023 là ~14%. Chưa kể các ngân hàng sẽ phải trích lập nhiều vào cuối năm 2023 vì bài toán nợ xấu. Vì vậy khối ngoại có thể đang muốn giảm tỷ trọng nắm giữ nhóm ngành này.

Khối ngoại đa số nắm giữ các cổ phiếu với góc nhìn dài hạn vì lẽ đó họ không thể bán tất cả danh mục rồi canh rẻ mua lại như phần lớn nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ trên TTCK Việt Nam được. Họ sẽ phải bán dần mỗi ngày để cân đối tỷ trọng tài khoản.

Triển vọng kinh tế toàn cầu đang đặt dấu hỏi khi FED vẫn neo lãi suất cao khiến nền kinh tế Mỹ bắt đầu yếu đi, khiến xuất khẩu của Việt Nam (theo cập nhật mới nhất XK của Việt Nam kỳ 1 tháng 5 ( từ 1 – 15/5/2023) giảm ~21% so với kỳ 2 tháng 4/2023. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang suy yếu thì các cổ phiếu trên sàn chứng khoán có thể sẽ bị hạ định giá và có rủi ro chiết khấu.

Một lý do nữa, nhà đầu tư nước ngoài đang nghe ngóng thông tin nới trần nợ công của Mỹ. Nhiều khả năng nợ công sẽ được nới ra. Tuy nhiên, trước một sự kiện khách quan và không thể kiểm soát, nhiều khả năng các quỹ đầu tư nước ngoài muốn đặt sự an toàn lên trên hết vì trong trường hợp xấu xảy ra họ rất khó để phản kháng. Như tôi đã chia sẻ ở trên, quỹ đầu tư nước ngoài không dễ để bán ồ ạt trên TTCK Việt Nam vì họ cầm rất nhiều cổ phiếu.

Tỷ giá là một vấn đề đáng quan tâm khi gần đây chỉ số DXY có tăng 3% từ vùng 100 lên 103. Tuy nhiên hiện tại, tỷ giá ở Việt Nam tương đối ổn định và chưa quá căng thẳng. Do đó, vấn đề tỷ giá chưa phải yếu tố quan trọng ở thời điểm này nhưng vẫn phải quát sát thêm về sức mạnh đồng USD. Nếu chỉ số này tiếp tục tăng và vượt 110 thì có thể khối ngoại sẽ bán nhiều hơn nữa vì lúc đó rủi ro tỷ giá sẽ ngày một lớn.”

Diễn biến chỉ số DXY. Nguồn: Investing

Theo Thiên Dương/Kinh tế chứng khoán

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/goc-nhin-chuyen-gia-nguyen-nhan-khien-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-ban-rong-lien-tiep-184775.html