QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Hai doanh nhân vào Top 50 người giàu nhất Malaysia nhờ khủng hoảng chip toàn cầu

Vốn hóa thị trường của công ty dịch vụ kỹ thuật UWC gấp ba lần lên 1,6 tỷ USD trong năm 2020 đã đưa hai nhà đồng sáng lập Ng Chai Eng và Lau Chee Kheong lần đầu tiên có mặt trong danh sách 50 người giàu nhất Malaysia của Forbes.

Thế giới đang đối mặt với khủng hoảng thiếu hụt chip (Ảnh: Getty)

Ông Ng Chai Eng sở hữu khối tài sản trị giá 450 triệu USD, trong khi ông Lau Chee Kheong có 445 triệu USD.

Công ty UWC có trụ sở ở Penang sản xuất thiết bị kiểm tra tự động cho chất bán dẫn, đang chứng kiến một lượng đơn đặt hàng tăng vọt từ các nhà sản xuất chip toàn cầu khi nhu cầu về mặt hàng này bùng nổ. Nhu cầu gia tăng cũng đến từ các nhà sản xuất máy tách chiết virus, được sử dụng để xét nghiệm Covid-19.

Bất chấp việc đóng cửa công ty 3 tháng do đại dịch Covid 19 vào năm ngoái, doanh thu hàng năm của UWC tăng 52% lên mức kỷ lục 219 triệu ringgit (52 triệu USD) cho năm tài chính kết thúc vào tháng 7. Lợi nhuận ròng tăng 59% lên 58 triệu ringgit.

Ông Ng Chai Eng – Giám đốc điều hành UWC, xuất thân là một thợ điện còn Lau Chee Kheong, đảm nhiệm vị trí COO, từng làm kiểm soát tại một công ty phụ tùng ôtô. Hai người gặp nhau khi làm việc cho một hãng sản xuất quạt và đèn chiếu sáng tại Penang. Năm 1990, hai người đã tích lũy khoản tiết kiệm được 20.000 ringgit (khoảng 7.400 USD) để thành lập Unique Wire Cut, một công ty kinh doanh và chế tạo kim loại. Họ mở rộng sang sản xuất các bộ phận thang máy, sau đó bổ sung chế tạo máy kiểm tra chip và thiết bị y tế. Vào năm 2019, UWC phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng và huy động được 57 triệu ringgit.

UWC tiếp tục gia tăng doanh thu do nhu cầu về sản phẩm tăng. Trong 6 tháng kết thúc vào tháng 1/2021, doanh thu của UWC tăng 46% lên 149 triệu ringgit (khoảng 36 triệu USD) trong khi lợi nhuận ròng tăng gấp đôi lên 49 triệu ringgit.

Bên cạnh đó, các đại gia chip đang kiếm bộn nhờ nguồn cung khan hiếm

Tổng doanh thu quý của các nhà sản xuất chip – cũng được gọi các xưởng đúc – đã tăng lên mức cao kỷ lục 22,75 tỷ USD trong quý đầu tiên, theo một bài viết trên blog của TrendForce được xuất bản vào hôm thứ Hai.

Chip được sử dụng trong mọi thứ, từ ô tô, máy chơi game, đến máy giặt và bàn chải đánh răng. Chúng tạo thành một phần huyết mạch của nền kinh tế toàn cầu và rất quan trọng đối với nhiều ngành công nghiệp lớn nhất của thế giới. Tuy nhiên, nguồn cung chip đang thiếu hụt – và sự thiếu hụt này có thể kéo dài đến năm 2023.

“Do nhu cầu tăng vọt đối với những thiết bị cảm biến khác nhau, các nhà sản xuất đã tăng cường hoạt động mua sắm linh kiện của họ. Do đó, năng lực của xưởng đúc đã bị thiếu hụt kể từ năm 2020, với nhiều xưởng đúc khác nhau tăng giá tấm lót chip (chip wafer) và điều chỉnh danh mục sản phẩm của họ để đảm bảo lợi nhuận”, chuyên gia phân tích Joanne Chiao của TrendForce viết.

Khoảng 57% doanh thu của các xưởng đúc chip trên thế giới trong quý vừa qua được tạo ra bởi một nhà sản xuất chip đến từ Đài Loan: TSMC (Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Đài Loan).

Công ty có trụ sở tại Đài Bắc này đã chứng kiến ​​doanh thu của mình tăng lên 12,9 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2021, tăng 2%, theo TrendForce.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ muốn tự chủ hơn khi nói đến chất bán dẫn vì phần lớn chip trên thế giới hiện được sản xuất ở châu Á.

Những con chip của TSMC

Theo TrendForce, các con chip 7, 12 và 16 nanomet (nm) của TSMC là động lực thúc đẩy doanh thu chính của công ty này.

“Doanh thu từ dịch vụ đúc chip 7nm đã tiếp tục tăng với tốc độ ổn định nhờ các đơn đặt hàng từ AMD, MediaTek và Qualcomm”, Chiao nói, đồng thời cho biết thêm rằng doanh số bán hàng đã tăng 23% trong quý vừa qua.

Trong khi đó, doanh thu của chip 12nm và 16nm đã “tăng lên do nhu cầu liên quan đến bộ thu phát sóng RF (tần số vô tuyến) 5G của MediaTek và những chiếc máy đào tiền điện tử của Bitmain”, TrendForce cho biết thêm, và nhấn mạnh doanh số bán hàng đã tăng gần 10% trong quý vừa qua.

Tuy nhiên, doanh số bán chip 5nm nhỏ nhất và sáng tạo nhất của TSMC thực sự đã giảm nếu tính theo quý. Chiao cho biết thêm rằng lý do chính là vì Apple (khách hàng chip 5nm lớn nhất của TSMC) “bước vào mùa ít sản xuất thiết bị hơn”.

Cơn bão khiến Samsung bị ảnh hưởng

Trong một diễn biến khác, gã khổng lồ chip của Hàn Quốc là Samsung đã chứng kiến ​​doanh thu từ xưởng đúc của mình giảm 2% trong quý vừa qua xuống còn 4,1 tỷ USD.

Chiao cho biết điều đó một phần là do cơn bão mùa đông kinh hoàng vào tháng 2 ở Texas đã gây ra tình trạng mất điện ở Austin và buộc Samsung phải tạm thời ngừng sản xuất chip tại một trong những nhà máy của họ ở bang này.

Trong khi đó, tập đoàn điện tử UMC của Đài Loan đã chứng kiến ​​doanh thu hàng quý của mình tăng 5% lên 1,6 tỷ USD so với quý trước, còn công ty sản xuất chip SMIC của Trung Quốc tăng 15% lên 1,1 tỷ USD.

TrendForce hy vọng các xưởng đúc chip sẽ tăng trưởng doanh thu hơn nữa khi giá của tấm lót chip mà họ sản xuất tiếp tục tăng và nhu cầu vẫn duy trì.

Họ cho biết tổng doanh thu hàng quý của 10 xưởng đúc hàng đầu sẽ “một lần nữa đạt mức cao lịch sử” bằng cách tăng 1-3% (tính theo quý) trong quý 2 năm 2021.

Theo Thu Uyên/Kinh tế Chưng khoán Việt Nam

Nguồn:https://kinhtechungkhoan.vn/hai-doanh-nhan-vao-top-50-nguoi-giau-nhat-malaysia-nho-khung-hoang-chip-toan-cau-95406.html