QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Hải Dương nhìn từ tâm dịch

Đến tận bây giờ, chúng tôi – những người dân sống giữa tâm dịch vẫn khẳng định rằng, chính quyền và người dân Hải Dương đã tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Trung ương. Đó sự chỉ đạo thống nhất từ trên xuống dưới!

Hãy thử tưởng tượng hệ thống loa truyền thanh từ huyện xuống các xã, thị trấn phát huy hết công suất, hoạt động từ hơn 5h sáng. Mỗi tiếng một lần, thời lượng từ 15- 20 phút, mỗi lần cách nhau một tiếng tuyên truyền từ cách phòng chống dịch, những quy định của chính quyền, những khu cách ly, danh sách các công dân có địa chỉ cụ thể đang bị cách ly, các công dân vi phạm và việc xử phạt cụ thể.

Thậm chí còn có cả hát, đủ các thể loại, từ Remix “Việt Nam ơi! Cùng đoàn kết chống Corona!” đến những bài hát rap với đoạn đầu nghe rất bi thương như “Corona thật đáng ghét nhưng sau đó là khẩu hiệu rộn ràng “Chung tay mình vượt qua nhé. Hãy vì cộng đồng, ta tránh xa đám đông…” đến đọc thơ như “Xuân này anh không về” nói về tâm sự của một người “chiến sĩ” chống giặc trong những khu cách ly nhắn nhủ gia đình tết này không thể về nhà toàn tụ gia đình vì việc nước…

Những bài hát ấy đều đặn vang lên, cứ tầm 500m là lại có một cột phát sóng, đến người như tôi cũng thuộc lòng. Chưa kể còn có cả xe của Ủy ban Thị trấn đi dến từng nhà, từng ngõ tuyên truyền không sót chỗ nào.

Tôi muốn nói rằng, Hải Dương đã rất quyết liệt chống dịch ngay từ đầu. Ngày 27/1, khi phát hiện ổ dịch tại Công ty Poyun thuộc TP. Chí Linh thì chỉ một ngày sau đó, Hải Dương đã phong tỏa thành phố này và cho tất cả học sinh toàn tỉnh nghỉ học.

Cô trò chúng tôi đều ngạc nhiên đến mức gần như không kịp trở tay. Chạy nhao đến trường dặn dò bọn trẻ, tôi vẫn mặc quần áo ở nhà cùng với đôi dép lê để mong kịp giao nhiệm vụ cho các con mang mấy chậu cây leo về chăm lúc nghỉ học, dặn dò nhau chắc sau tết sẽ bình an.

Nhưng không ngờ sự việc diễn biến phức tạp hơn. Công an thị trấn gọi điện cho tôi để thông báo tình hình phụ huynh học sinh là F1, thế là toàn thể bọn trẻ trong lớp được quán triệt cách ly tại nhà.

Tôi để sẵn đồ cần thiết vào balo, quan trọng nhất là cái laptop, cục sạc dự phòng và điện thoại để nếu bọn trẻ phải đi cách ly thì tôi sẽ đi cùng. Luôn cố gắng nghĩ tích cực, cô trò hẹn hò nhau và không có vấn đề gì để phải lo lắng quá mức. 

Rồi sau đó, các huyện lần lượt bị phong toả, bạn bè tôi đều ở những khu vực ấy. Từ lúc bị phong toả cho đến nay, chúng tôi vẫn chủ động giữ liên lạc với nhau, trò chuyện với nhau qua điện thoại, động viên nhau và chúc nhau bình an. Xác định rằng, không cho nhau được vật chất thì cho nhau tinh thần và niềm tin. Điều đó có giá trị hơn vạn lần vật chất.

Qua cơn hoạn nạn mới hiểu những tấm lòng. Trong một buổi sáng, toàn bộ công nhân một nhà máy bị cách ly. Ngay buổi chiều, bạn Đinh Thu Thảo – phóng viên đài truyền hình Hải Dương đã đăng status trên facebook để xin sữa bầu, áo bầu cho một nữ công nhân, xin áo nam… cho những trường hợp đặc biệt trong khu cách ly.

Lập tức ngay sau đó, mọi thứ đều được chuyển đến cho các bạn. Rồi doanh nghiệp ủng hộ nấm ăn, chăn ấm, bình nước… Vẫn biết vật chất này không thấm vào đâu nhưng tích tiểu thành đại, muôn tấm lòng sẽ tạo thành sức mạnh để cùng vượt qua thời điểm khó khăn này.

Nhiều bạn ở ngoài vùng dịch đang so sánh Hải Dương với Đà Nẵng trong công tác khoanh vùng, dập dịch nhưng bạn sẽ không thể phủ nhận làn sóng Covid-19 lần thứ 3 này có tính chất phức tạp, quy mô lớn hơn rất nhiều. Chưa kể, đây lại là biến chủng mới với tốc độ lây lan cao gấp nhiều lần. Không những thế, Hải Dương bùng phát dịch trong bối cảnh dịp Tết nguyên đán – thời điểm mà người dân xa quê từ khắp nơi đổ về ăn tết sau một năm vất vả lao động. Chính vì vậy, cuộc chiến chống dịch đã vất vả lại càng vất vả hơn.

Trong thời khắc này, Hải Dương chúng tôi cần sự động viên, chia sẻ. Chúng tôi cần những bàn tay ấm áp, dẫu những bàn tay tay ấy chỉ chìa ra cho chúng tôi qua không gian. Và quanh tôi, rất may, còn thật nhiều người bạn đang hành động đúng nghĩa như thế.

Rất nhiều cuộc gọi đến hỏi thăm. Điều này khiến tôi thấy mình phải có trách nhiệm trả lời mọi người bằng bài viết này: “Hải Dương – tâm dịch – vẫn bình an”. Chúng tôi nhất loạt đóng cửa các cửa hàng kinh doanh và treo biển “Cơ sở kinh doanh tạm ngừng hoạt động”.

Công an, dân quân, bảo vệ vẫn đi lại và kiểm soát tất cả các tuyến đường. Tất nhiên, vẫn sẽ có người bị phạt nếu sơ ý không tuân thủ quy định phòng chống dịch. Chỉ cần bước qua đường đi đổ rác, nếu bạn không đeo khẩu trang sẽ bị phạt 2 triệu đồng.

Vì có nhiều người dân lao động ở các ngành nghề khác nhau lại đồng loạt ở nhà nên tất nhiên phải có sự giải trí cho khuây khoả. Và không gì bằng hát karaoke. Các gia đình có người cách ly vẫn đóng cửa, treo ngoài cổng tấm biển đỏ của y tế thị trấn: “Gia đình có người cách ly y tế”.

Trẻ con bắt đầu học online. Và hình ảnh đầu tiên tôi nhận được từ các con chính là là những chậu cây mà tôi giao cho chúng chăm sóc rất xanh tươi. Vậy vì lẽ gì mà bạn bè tôi ở ngoài kia lo lắng cho chúng tôi đến thế? Có phải như Phạm Tiến Duật nói “Giữa chiến trường nghe tiếng bom rất nhỏ”? Có lẽ là vậy chăng?

Nhưng còn điều này nữa, tôi phải nói, đó là các bạn tôi đang bị chi phối bởi những tin tức chia sẻ trên mạng. Có những người đang cố tình gieo rắc hoang mang, gây tâm lý kì thị, chia rẽ lòng người. Họ đã từng sống ở Hải Dương, từng đi qua Hải Dương, từng nghỉ chân thư thái ở mảnh đất hiền mến khách này. Cách nói của họ tưởng chừng đau đáu vì chúng tôi, vì đất nước nhưng thực ra đều chỉ có thể là giỏi trên bàn phím chứa ác tâm bên trong những gương mặt người. Khi bạn viết những bài kì thị, chê trách Hải Dương, ca ngợi nơi nào đó thử hỏi bạn đã làm gì cho chúng tôi chưa hay chỉ ngồi ôm bàn phím gõ những lời hằn học, khiến mọi người hoang mang, tuyệt vọng, nghi ngờ lẫn nhau?

Không chỉ dừng lại ở đó, bạn nghĩ gì khi tự hào mình là người sinh ra hoặc đang ở một tỉnh nào đó cận kề đang có quyết định đóng cửa với hàng hóa, nông sản Hải Dương. Bạn ngồi ở thành phố, không thể biết trước tết, đào Hải Dương thành củi khô ngoài ruộng. Giờ sau tết 4.087 ha rau vụ đông, 55.902 tấn hành, 26.766 tấn cà rốt, rồi bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá các loại. Tổng cộng đến cả trăm ngàn tấn, là tiền bạc, là mồ hôi nước mắt nông dân đang chết thối ngoài ruộng. Nếu rời thành phố với cái bàn phím, bạn về đây, tôi đưa bạn đi những cánh đồng bắp lơ, bắp cải, su hào, những cánh đồng mía nở hoa hàng loạt, bạn mới thấy hoa nào cũng đẹp nhưng những loài hoa ấy nở là nước mắt của dân tôi.

Nếu tiến hành phong tỏa hay cách ly mà vẫn tạo điều kiện sản xuất kinh doanh, nếu Hải Dương có nhiều giải pháp như tại chốt kiểm soát, yêu cầu lái xe phải làm xét nghiệm và có kết quả âm tính mới được ra vào thì có thể sẽ là một giải pháp tốt hơn, giúp Hải Dương thoát khỏi tình trạng hiện nay, giúp người nông dân và người kinh doanh tại quê hương tôi vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế?

Nhà văn Nguyễn Hải Yến

Gửi về từ tâm dịch Hải Dương 

Theo Tạp chí Thương Gia

Nguồn: http://thuonggiaonline.vn/hai-duong-nhin-tu-tam-dich-36724.htm