QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Hancorp kinh doanh ra sao trước thời điểm Bộ Xây dựng thoái vốn?

Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP (Hancorp – Mã: HAN) được coi là một “ông lớn” trong ngành xây dựng, tuy nhiên những năm gần đây tình hình kinh doanh của doanh nghiệp liên tục đi xuống.

Lợi nhuận bán niên 2020 của Hancorp chỉ đạt 2 tỷ đồng, giảm mạnh 49%.

Theo tìm hiểu về Hancorp, Tổng công ty ban đầu là doanh nghiệp nhà nước được Bộ Xây dựng thành lập ngày 20/11/1995.

Ngày 6/1/2014, Quyết định số 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cổ phần hóa và chuyển Tổng công ty Xây dựng Hà Nội thành Công ty Cổ phần. Tổng công ty đã thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng vào ngày 10/3/2014 và tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất Tổng công ty Xây dựng Hà Nội-CTCP vào ngày 30/7/2014.

Đến ngày 15/8/2014, Tổng công ty đã chính thức chuyển đổi sang hình thức hoạt động công ty cổ phần với vốn điều lệ là 1.410 tỷ đồng. Đến nay, Hancorp chưa thực hiện tăng vốn điều lệ.

Kết quả kinh doanh của HAN giai đoạn 2015-2020

Kể từ thời điểm cổ phần hoá, hiệu quả kinh doanh của Hancorp đã có mức tăng trưởng ấn tượng, khi đạt đỉnh vào năm 2017 với doanh thu 4.637 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 135 tỷ đồng.

Tuy nhiên, những năm sau đó tình hình kinh doanh của Hancorp liên tục đi xuống. Năm 2018, lợi nhuận của Hancorp giảm tới 36% xuống còn 86 tỷ đồng.

Sang đến năm 2019, công ty tiếp tục báo cáo kết quả không mấy khả quan khi doanh thu thuần chỉ đạt 2.450 tỷ đồng, giảm 34%. Theo đó, lợi nhuận sau thuế năm 2019 của công ty giảm 2,3 lần xuống còn 37 tỷ đồng.

Theo ghi nhận, Hancorp mới chỉ công bố kết quả kinh doanh tới quý II/2020. Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2020 ghi nhận doanh thu thuần của Hancorp đạt 831 tỷ đồng, giảm hơn 8% và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 2 tỷ đồng, giảm mạnh 49% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giải trình từ doanh nghiệp, nguyên nhân khiến lợi nhuận sụt giảm là do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 dẫn đến kết quả kinh doanh của một số công ty con bị ảnh hưởng đáng kể.

Tại thời điểm 30/6/2020, Hancorp có tổng tài sản 6.079 tỷ đồng, trong đó đầu tư tài chính dài hạn 885 tỷ đồng nhưng trích lập dự phòng gần 71 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn vẫn ở mức cao tới 2.468 tỷ đồng, trong đó trích lập dự phòng tới 147 tỷ đồng.

Cuối quý II, tổng giá trị hàng tồn kho của Hancorp là 1.910 tỷ đồng, tăng 10% so với con số đầu năm.

Trong cơ cấu hàng tồn kho của Hancorp, công ty đầu tư dở dang gần 980 tỷ đồng tại các dự án. Đáng chú ý, có tới hơn 70% giá trị đầu tư dở dang đang phân bổ tại các dự án ở khu Ngoại giao đoàn với giá trị 715 tỷ đồng.

Nguồn: Báo cáo tài chính quý II/2020 của HAN

Được biết, Hancorp đã được Hà Nội giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị Ngoại giao đoàn với số tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng. Thông tin từ công ty, toàn bộ dự án này có quy mô 62,8 ha, trong đó khoảng 13,5 ha xây dựng nhà ở cao tầng, 20,3 ha là đất cơ quan, trụ sở đại sứ quán, các tổ chức quốc tế và gần 29 ha là đất các công trình xã hội.

Ngoài ra, tồn kho tại dự án Khu dân cư Nhơn Trạch, Đồng Nai (31 tỷ đồng), dự án Times Tower Lê Văn Lương (31 tỷ đồng), hai dự án Quế Võ (167 tỷ đồng) và dự án Khu đô thị Cao Xanh, Hà Khánh B (30 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, Hancorp còn thực hiện dở dang một số công trình xây lắp như Bệnh Viện Việt Đức cơ sở II, Khu biệt thự thấp tầng tại Vinhomes Ocean Park, Trung tâm thương mại Vincom Huế…, góp thêm hơn 900 tỷ đồng vào tổng giá trị tồn kho của doanh nghiệp.

Nợ phải trả của Hancorp tính tới 30/6/2020 là 4.437 tỷ đồng, tương ứng tỷ trọng 73% tính trên tổng nguồn vốn. Riêng giá trị vay nợ và thuê tài chính tăng gần 30% so với thời điểm đầu năm do doanh nghiệp tăng giá trị vay nợ dài hạn trong kỳ.

Cổ phiếu HAN “lên đồng”

Kể từ đầu tháng 11, giá cổ phiếu HAN của Hancorp bất ngờ tăng dựng đứng và chốt phiên 27/11/2020 đã tăng trần lên 22.000 đồng/cp – ghi nhận mức giá cao nhất kể từ khi giao dịch trên thị trường UPCOM.

Cùng với đà tăng giá mạnh, thanh khoản của mã này cũng đột biến. Trước đó, cổ phiếu này không được nhà đầu tư quan tâm vì chỉ giao dịch vài trăm đơn vị mỗi phiên. Tuy nhiên phiên giao dịch ngày 27/11, khối lượng khớp lệnh cổ phiếu HAN đạt gần 192.900 đơn vị.

Diễn biến giá cổ phiếu HAN từ đầu năm 2020. Nguồn: vietstock

Theo ghi nhận, giá cổ phiếu HAN tăng mạnh diễn ra trong bối cảnh thông tin Bộ Xây dựng thoái toàn bộ vốn tại Hancorp.

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Bộ Xây dựng sẽ bán đấu giá 139 triệu cổ phiếu HAN, tương đương 98,83% vốn điều lệ với giá khởi điểm 19.930 đồng/cp. Phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào ngày 16/12 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Với mức giá khởi điểm như vậy, lô cổ phần được Bộ Xây dựng đưa đấu giá có giá trị gần 2.800 tỷ đồng.

Tháng 3/2014, Công ty thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng. Trong đợt bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng, Bộ Xây dựng đã đưa 49,74 triệu cổ phần Hancorp ra đấu giá với giá khởi điểm 10.200 đồng/cp. Tuy nhiên, phiên bán đấu giá diễn ra không thành công khi 203 nhà đầu tư tham gia đấu giá nhưng khối lượng đặt mua chỉ gần 1,6 triệu cổ phần, thu về hơn 16 tỷ đồng.

Cấp tốc thoái vốn những ngày cuối năm

Theo Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trước ngày 30/11/2020, Bộ Xây dựng phải hoàn thành thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp gồm: Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng (Mã: SHG); Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp); Tổng Công ty Xây dựng số 1 (Mã: CC1); Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO).

Nếu Bộ Xây dựng không hoàn thành việc thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp trên trước ngày 30/11/2020 thì các công ty này sẽ phải hoàn thành chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trước ngày 31/12/2020.

Trong những ngày cuối tháng 11, Bộ Xây dựng liên tục công bố thông tin thoái vốn tại các đơn vị nói trên.

Ngày 25/11, Bộ Xây dựng đã bán hết gần 45 triệu cổ phiếu CC1, tương đương 41% vốn điều lệ mà Bộ Xây dựng sở hữu tại CC1 ra đấu giá. Thu về 1.027 tỷ đồng từ phiên đấu giá này.

Ngày 27/11/2020, Bộ Xây dựng đã đấu giá thành công toàn bộ 108 triệu cổ phần IDC, tương đương 36% vốn điều lệ của IDICO với giá đấu thành công bình quân là 26.936 đồng/cp. Bộ Xây dựng đã thu về 2.909 tỷ đồng từ đợt thoái vốn này.

Sau CC1 và IDICO, ngày 16/12/2020, Bộ Xây dựng sẽ đưa 139 triệu cổ phiếu HAN của Hancorp ra bán đấu giá. Tiếp đó, ngày 25/12, Bộ Xây dựng sẽ đấu giá hơn 13,2 triệu cổ phiếu SHG của Tổng công ty cổ phần Sông Hồng, tương đương 49% vốn điều lệ.

Theo Hoàng Hà (t/h)/ Kinh tế chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/hancorp-kinh-doanh-ra-sao-truoc-thoi-diem-bo-xay-dung-thoai-von-82771.html