QC 1
Thứ 4, ngày 24/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Hàng không Việt tìm động lực từ đường bay ngoại

Các hãng hàng không Việt Nam tiếp tục mở thêm những đường bay mới kết nối các điểm du lịch ngay giữa mùa thấp điểm.

Các hãng hàng không Việt Nam tiếp tục mở thêm những đường bay mới kết nối các điểm du lịch ngay giữa mùa thấp điểm.

Dồn dập đường bay mới

Nếu không có gì thay đổi, kể từ ngày 28/10, Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines) sẽ chính thức khai trương đường bay mới Đà Nẵng – Osaka (Nhật Bản) với tần suất 7 chuyến/tuần bằng máy bay Airbus A321 tiêu chuẩn quốc tế 4 sao. Các chuyến bay trên chặng bay mới của Vietnam Airlines sẽ xuất phát từ Đà Nẵng lúc 00h20 và từ Osaka lúc 09h30, thời gian bay khoảng 4 tiếng 30 phút.

Đây là đường bay thứ 11 của Vietnam Airlines đến Nhật Bản, sau các đường bay kết nối Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng tới các thành phố lớn Tokyo, Osaka, Nagoya và Fukuoka. Điều này cho thấy, hãng hàng không quốc gia đang quyết tâm nắm giữ thị phần vận chuyển hành khách lớn nhiều nhất có thể tại thị trường Nhật Bản.

Hiện, Vietnam Airlines là hãng vận chuyển lớn nhất trên đường bay trực tiếp Việt Nam – Nhật Bản với khoảng 70 chuyến bay/tuần. Từ chuyến bay thẳng đầu tiên vào năm 1994, đến nay, sản lượng vận chuyển hành khách của Vietnam Airlines giữa 2 nước đạt 11,3 triệu lượt khách, chiếm 65% thị phần. Nếu tính cả Jetstar Pacific với 8 chuyến bay khứ hồi kết nối giữa Thủ đô Hà Nội, Đà Nẵng với Osaka, thị phần của nhóm Vietnam Airlines Group trên đường bay Việt Nam – Nhật Bản có thể vượt quá con số 70%.

Thị phần của Vietnam Airlines có thể thay đổi chút ít, nếu Vietjet khai thác đúng lộ trình 3 đường bay của hãng tới Nhật Bản, gồm: Hà Nội – Osaka, TP.HCM – Osaka, Hà Nội – Tokyo (Narita). Ba đường bay quốc tế mới của Vietjet dự kiến triển khai trong quý IV/2018 lần lượt khai thác vào ngày 8/11/2018, 14/12/2018 và 11/1/2019, đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.

Trước đó, vào ngày 21/9, tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Vietjet đã chào mừng những hành khách đầu tiên trên chuyến bay Nha Trang – Đà Nẵng. Đường bay mới này được Vietjet khai thác khứ hồi hàng ngày, thời gian bay mỗi chặng khoảng một giờ.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2018, thị trường hàng không Việt Nam đang có sự tham gia khai thác của 63 hãng hàng không nước ngoài đến từ 25 quốc gia/vùng lãnh thổ khai thác các đường bay quốc tế đến Việt Nam. Các hãng hàng không nước ngoài và 3 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific) đang khai thác 105 đường bay quốc tế đi/đến Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hải Phòng. Tuy nhiên, số lượng đường bay quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam chắc chắn sẽ gia tăng đáng kể với việc 4 đường bay mới đến Nhật Bản nói trên sẽ được đưa vào khai thác trong quý IV/2018.

Động lực mới

Có nhiều lý do khiến các hãng hàng không trong nước quyết mở thêm đường bay quốc tế đến các điểm cầu Đông Bắc Á ngay trong mùa thấp điểm của thị trường hàng không.

Ngoài 2 điểm đến mới của Vietnam Airlines, Vietjet là Osaka, Tokyo được dự báo sẽ hút khách du lịch Việt Nam, nhất là trong mùa thu, Nhật Bản luôn là một trong những thị trường được đánh giá có độ sinh lời cao nhất với các hãng hàng không Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet, lợi nhuận trên các đường bay quốc tế, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á gồm Đài Loan, Hàn Quốc mà hãng hàng không thế hệ mới này đang triển khai cao hơn khoảng 20% so với các đường bay nội địa.

Lợi nhuận của Vietjet không không chỉ đến từ hoạt động mở rộng thị trường, mà còn nhờ các dịch vụ như bán hàng miễn thuế. Bên cạnh đó, chi phí nhiên liệu bay nếu mua ở nước ngoài cũng rẻ hơn khoảng 30% so với trong nước do không phải chịu các loại thuế, lệ phí như thuế nhập khẩu, phí môi trường như tại Việt Nam, trong khi đây là loại chi phí chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của các hãng hàng không. Đại diện Vietjet cho biết, bắt đầu từ năm 2016, số lượng đường bay nội địa của hãng gần như đi ngang, với tốc độ mở mới không còn ấn tượng như giai đoạn trước đó.

Nhận định của Vietjet khá tương đồng với đánh giá về thị trường hàng không nội địa của hãng hàng không quốc gia. Theo Vietnam Airlines, sau nhiều năm duy trì tốc độ phát triển 2 chữ số, thậm chí có năm tăng trên 20%, từ giữa năm 2017 trở lại đây, thị trường hàng không nội địa đã có dấu hiệu bão hòa. 6 tháng đầu năm 2018, tổng lượng khách trên hầu hết nhóm đường bay đạt 16,8 triệu lượt, tăng 7,8% so với cùng kỳ và thấp hơn 3,6% so với dự báo. Đặc biệt là trên 3 đường bay trục là Hà Nội – TP.HCM; Hà Nội – Đà Nẵng; TP.HCM – Đà Nẵng, khách vận chuyển chỉ tăng so với cùng kỳ lần lượt là 4%, 9,1% và 3,4%.

Qua theo dõi của Vietnam Airlines, thị trường quốc tế vẫn tiếp tục đà tăng trưởng mạnh của năm 2017 với lượng khách vận chuyển trên các đường bay quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 14,8 triệu lượt khách, tăng 23% so với cùng kỳ, vượt 1,6% so với dự báo.

“Động lực chính của thị trường quốc tế tiếp tục từ tăng trưởng của phân khúc giá rẻ với mức tăng 49%, đóng góp 62% vào mức tăng trưởng của thị trường; phân khúc truyền thống tăng 12%, đóng góp 38% vào mức tăng trưởng chung”, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, tính đến ngày 15/8/2018, số lượng máy bay đăng ký quốc tịch Việt Nam là 176 chiếc, tăng 2 chiếc so tháng 7/2018 và tăng 17 chiếc so với cùng kỳ 2017, trong đó Vietnam Airlines dẫn đầu với 90 chiếc (gồm 57 Airbus321, 4 Airbus330, 12 Airbus 350, 6 ATR72, 11 Boeing 787 – 9).

Theo Bảo Như/Vietnamfinance