QC 1
Thứ 5, ngày 18/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Hàng loạt doanh nghiệp bị bán giải chấp cổ phiếu: Chuyện gì đang diễn ra?

Từ giữa tháng 11 đến nay, nhiều công ty chứng khoán liên tục thông báo thực hiện bán giải chấp cổ phiếu của các doanh nghiệp. Một loạt “ông lớn” đã bị nhắc tên với số cổ phiếu bị giải chấp lên đến con số “hàng triệu”.

Mới nhất vào 21/11, đồng loạt 3 công ty Chứng khoán công bố thông tin về việc bán giải chấp cổ phiếu HPX của ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát. Các công ty chứng khoán thông báo giải chấp gồm: Chứng khoán Mirae Asset (MAS) giải chấp 2,5 triệu cổ phiếu; Chứng khoán Tiên Phong (TPS) giải chấp 409.300 cổ phiếu và cuối cùng là Chứng khoán MB (MBS) giải chấp 533.500 cổ phiếu HPX.

Trước đó vào 16/11, Chủ tịch Đỗ Quý Hải cũng bị Công ty Chứng khoán Maybank (MBKE) thông báo bán giải chấp 2,3 triệu cổ phiếu HPX. Và 1,7 triệu là số cổ phiếu HPX của ông Hải mà Chứng khoán SmartInvest (SMARTSC) bán giải chấp vào ngày 17/11.

Không chỉ ông Hải mà ngay cả những thành viên trong gia đình ông như bà Chu Thị Lương (vợ ông Hải) và ông Đỗ Quý Đường (em ruột ông Hải) cũng phải chịu bị bán giải chấp hàng chục, hàng trăm nghìn cổ phiếu HPX để đảm bảo đủ tỷ lệ theo quy định về giao dịch ký quỹ.

Nguyên nhân khiến gia đình ông Hải liên tục bị “ép” bán giải chấp được cho là trong bối cảnh cổ phiếu HPX chứng kiến phiên giảm thứ 11 liên tiếp, trong đó có đến 8 phiên giảm sàn.

Tuy nhiên, về bên phía Đầu tư Hải Phát lại cho biết công ty vẫn hoạt động bình thường mặc dù cổ phiếu giảm sàn. Giá cổ phiếu giảm được giải thích là do cung cầu thị trường, yếu tố tâm lý thị trường và một số điều kiện kinh tế ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bất động sản.

Cũng trong sáng ngày 21/11, Chủ tịch Bất động sản Phát Đạt bị Công ty chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) thông báo bán giải chấp 4,3 triệu cổ phiếu PDR. Như vậy, tính từ 10/11 đến nay, tổng số cổ phiếu của ông Đạt bị 7 công ty bán giải chấp lên tới hơn 19 triệu cổ phiếu. Việc cổ phiếu PDR của công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt có phiên giảm sàn lần thứ 12 liên tiếp chính là nguyên nhân khiến cho làn sóng bán giải chấp của các công ty chứng khoán đối với cổ phiếu thuộc sở hữu của ông Đạt tiếp tục kéo dài.

Chung cảnh với lãnh đạo hai công ty trên, Chủ tịch Nguyễn Hồ Nam của Bamboo Capital cũng là một trong những người có số cổ phiếu bị bán giải chấp đứng đầu trong làn sóng bán giải chấp cổ phiếu vừa qua.

Ông Nam đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp 4,57 triệu cổ phiếu BCG vào phiên 16/11. Tuy nhiên, ngay sau khi bị bán giải chấp số cổ phiếu trên, ông Nam đã có động thái là lập tức đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu BCG. 

Theo phía Bamboo Capital, việc tài khoản chứng khoán của ông Nguyễn Hồ Nam bị thực hiện bán giải chấp là một sự cố đáng tiếc. Nguyên nhân xuất phát từ việc không phối hợp kịp thời trong việc quản lý tài khoản giữa đại diện quản lý chứng khoán với cá nhân ông Nam.

Qua thống kê cho thấy, chỉ chưa đầy hai tháng trở lại đây, đã có hàng chục doanh nghiệp đã chịu cảnh bị bán giải chấp cổ phiếu.

Thêm một doanh nghiệp nữa chịu ảnh hưởng từ việc bị bán giải chấp cổ phiếu trong ngày 16/11 là Công ty cổ phần Tập đoàn Danh Khôi, với chủ tịch là ông Lê Thống Nhất. Ông Nhất bị Công ty Chứng khoán Maybank thông báo bán giải chấp 1,5 triệu cổ phiếu NRC thuộc quyền sở hữu.  Bên cạnh đó, 1,7 triệu cổ phiếu NRC của bà Nguyễn Ngọc Thủy (vợ ông Nhất) cũng bị Maybank thông báo bán giải chấp.

Động thái của Chứng khoán Maybank được diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu NRC lao dốc mạnh xuống ngưỡng tham chiếu, chỉ còn khoảng ¼ giá thị so với đỉnh (tức chỉ đạt 7.400 đồng/cổ phiếu so trong chốt phiên 16/11).

Sau chuỗi lao dốc không phanh của cổ phiếu HDC, Chứng khoán VPS thông báo bán giải chấp 200.000 cổ phiếu của ông Đoàn Hữu Thuận, Chủ tịch Công ty cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (Hodeco, mã HDC) từ ngày 16/11. Cùng với đó, ông Lê Viết Liên, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc cũng bị bán giải chấp 804.600 cổ phiếu HDC. Như vậy, số cổ phiếu bị bán giải chấp của Chủ tịch và Tổng  giám đốc của Hodeco là hơn 1 triệu cổ phiếu.

Phía Hodeco đẩy lý do về việc bị bán giải chấp cổ phiếu cho công ty chứng khoán. Hodeco cho rằng công ty chứng khoán thiếu tinh thần trách nhiệm và thiện ý, hạ tỷ lệ margin về 0 một cách đột ngột, mặc dù công ty đã liên hệ đảm bảo nộp tiền trong buổi sáng ngày 16/11.

Vì vậy, để đảm bảo tỷ lệ nắm giữ sau khi bị bán giải chấp, chủ tịch Thuận đã đăng ký mua vào 200.000 số cổ phiếu HDC vừa bị bán giải chấp. Thời gian giao dịch là từ ngày 22/11 đến 22/12.

Không đứng ngoài làn sóng bị bán giải chấp cổ phiếu còn có tên nhiều doanh nghiệp nổi bật khác. Đáng chú ý trong số đó là Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp – mã DIG) do ông Nguyễn Thiện Tuấn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Kể từ cuối tháng 10 đến nay thì số cổ phiếu DIG bị bán giải chấp đã lên đến 27,7 triệu cổ phiếu.

Cái tên tiếp theo cũng chịu ảnh hưởng của việc bị bán giải chấp cổ phiếu là ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư LDG (mã LDG) với 9.761.900 cổ phiếu bị giải chấp từ ngày 28/10 đến 11/11.

Ngoài ra, Chủ tịch Lương Văn Thành của Đông Hải Bến Tre (Dohaco) cũng là cái tên góp mặt trong danh sách bị giải chấp cổ phiếu trên khi số cổ phiếu DHC bị giải chấp trong 4 ngày (từ 10/11 – 14/11) là 1,73 triệu. 

Theo Thảo Phương/Thương Gia

Nguồn: https://thuonggiaonline.vn/hang-loat-doanh-nghiep-bi-ban-giai-chap-co-phieu-chuyen-gi-dang-dien-ra-52529.htm