QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Hé lộ kế hoạch chia cổ tức của loạt ngân hàng

Nhiều ngân hàng đã chốt kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, một số ngân hàng vẫn giữ nguyên phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu như những năm trước.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank– HOSE :TPB) đã chốt danh sách cổ đông hưởng cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 25%. Ngày thanh toán là 3/4/2023, nguồn vốn chi trả lấy từ lợi nhuận chưa phân phối, sau khi trích lập các quỹ theo báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán (hơn 5.486 tỷ đồng). Với khoảng 1,58 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính TPBank sẽ chi 3.955 tỷ đồng để trả cổ tức.

Nhiều ngân hàng đã chốt kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông

“Ông lớn” Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank- HOSE: VCB) mới đây cũng thay vì trả cổ tức bằng tiền mặt đã lên kế hoạch phát hành tối đa gần 2,77 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ thêm 58,4%, từ hơn 47.325 tỷ đồng lên trên 75.000 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB – HOSE: VIB) đã công bố thông tin về việc chia cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt sau nhiều năm cả hệ thống ngân hàng không thực hiện phương án trả cổ tức bằng tiền mặt theo chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Cụ thể, VIB đã quyết định chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ hơn 35%, bao gồm bằng tiền mặt và cổ phiếu, tổng giá trị hơn 2.107,6 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 10% vốn điều lệ. Nguồn vốn sử dụng để chia cổ tức là lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm 30/9/2022; trong đó, lợi nhuận để lại từ các năm trước chưa sử dụng là 565 tỷ đồng và lợi nhuận thuần lũy kế 3 quý đầu năm 2022 là hơn 1.542 tỷ đồng. Thời gian thực hiện chi trả tạm ứng cổ tức dự kiến là ngày 3/3/2023.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB – HOSE: ACB) cũng có kế hoạch trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ tương tự năm 2021 là 25%; trong đó, dự kiến chia 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Trong năm 2022, ACB đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 17.114 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2021.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân và cập nhật kết quả kinh doanh quý 4 cũng như cả năm 2022 mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – HOSE: VPB) cho biết, Ngân hàng sẽ triển khai bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược thông qua phát hành cổ phiếu trong năm 2023, qua đó củng cố nguồn vốn và là cơ sở để thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt. Năm 2022, VPBank đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 21.200 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2021.

Trước đó, trong cuộc họp đại hội cổ đông năm 2022, Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng cũng cho biết, nền tảng vốn đạt được năm 2022 không những đủ cơ sở để đảm bảo cho VPBank tăng trưởng cao theo kế hoạch 5 năm tới mà HĐQT còn dự kiến sẽ trình đại hội chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm.

Nếu được NHNN chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên VPBank tiến hành trả cổ tức bằng tiền mặt kể từ sau khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán năm 2017.

Tại Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – HOSE: EIB) mới đây đã chốt ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 20% vào 20/2/2022. Theo đó, với hơn 1,229 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Eximbank sẽ phát hành gần 245,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, nâng vốn điều lệ lên 14.814 tỷ đồng.

Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – Mã: STB) tại ĐHCĐ năm 2022 cũng cho biết, lợi nhuận hợp nhất giữ lại đến cuối năm 2021 của ngân hàng là gần 9.000 tỷ đồng, gần bằng một nửa vốn điều lệ. Đây là số tiền có thể dùng để chia cổ tức cho cổ đông.

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh lại cho hay, ngân hàng muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nhưng chưa được NHNN phê duyệt. Dự kiến trong nửa đầu năm 2023, Sacombank có thể sẽ chia cổ tức.

Theo Băng Di/Kinh tế chứng khoán

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/he-lo-ke-hoach-chia-co-tuc-cua-loat-ngan-hang-171267.html